Cơn bão số 3 năm 2024 – quá nhiều dấu mốc về mức độ nguy hiểm
(TN&MT) - Bão số 3 không theo quy luật bão thông thường, cùng với mưa lớn do hoàn lưu bão đã gây thiệt hại rất nặng nề cho nhiều địa phương.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên cơ quan khí tượng thủy văn Việt Nam đưa ra cảnh báo mức RRTT do bão đến cấp 4 ở khu vực Vịnh Bắc Bộ cùng với hai tỉnh Hải Phòng, Quảng Ninh; và RRTT cấp 3 đối với lũ quét, sạt lở đất ở Yên bái, Lào Cai.
Cơn bão lịch sử
Ngày 3/9/2024, sau khi vào Biển Đông, bão số 3 tăng 8 cấp trong 48 giờ (từ cấp 8 lên cấp 16, cấp siêu bão). Sức gió đạt cấp siêu bão duy trì hơn 24 giờ tiếp theo trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quôc) vào tối ngày 6/9, sau giảm còn cấp 14, giật cấp 17 khi đi vào Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam.
Chiều ngày 7/9, bão đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 10 - 12, vùng gần tâm bão cấp 13 - 14, giật cấp 16-17. Đến 4h sáng ngày 8/9, bão mới suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc bộ.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bão số 3 năm 2024 là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông, cường độ bão tăng rất nhanh và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài. Đặc biệt, mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường. Thay vì yếu đi nhanh chóng sau khi qua đảo Hải Nam, cường độ bão số 3 giảm rất chậm và còn rất mạnh khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài tới 12 giờ, gây gió mạnh, mưa đặc biệt lớn cho khu vực Bắc Bộ.
Đặc điểm bất thường của mưa lớn do hoàn lưu cơn bão số 3:
- Bão số 3 di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Tây Bắc bộ. Tuy nhiên, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía Đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão. Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía Tây dãy núi Hoàng Liên Sơn.
- Mưa rất lớn trên diện rộng (gồm nhiều tỉnh) thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan. Trong đó, có những khu vực xuất hiện lượng mưa trên 200 mm chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ (đêm 9/9 tại thành phố Yên Bái).
Do mưa lớn, từ ngày 8/9, mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3 (BĐ3), một số sông vượt BĐ3 từ 3 - 4m.
Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm. Cùng với đó, lũ trên Hồ thủy điện Thác Bà cũng đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập. Cụ thể, đập tràn của hồ Thác Bà chỉ có khả năng xả lớn nhất chỉ 3.230m3/s. Trong khi, thực tế lưu lượng lớn nhất về hồ có thời điểm lên tới 5.620m3/s, vượt đỉnh lũ và vượt xa khả năng xả lớn nhất đến 74%.
Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mực nước cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy. Theo thống kê có 20/25 tỉnh, thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.
Trong suốt quá trình vận hành giảm lũ cho hạ du của các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo tăng cường theo dõi, giám sát thường xuyên liên tục mực nước các hồ chứa, tình hình vận hành xả lũ, dự báo liên tục hàng giờ diễn biến mưa, lũ về các hồ chứa lớn trên lưu vực. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để cung cấp thông tin kịp thời phục vụ việc điều hành, ban hành lệnh vận hành điều tiết các hồ chứa.
Do mưa lớn nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh... Đặc biệt, trận sạt lở tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người.
Nguyên nhân chính là do khu vực miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua đã có mưa rất nhiều, cao hơn 40-60% so với trung bình nhiều năm. Lào Cai xảy ra lũ quét, mảng sạt lở quy mô lớn, Yên Bái có quy mô mảng sạt lở nhỏ hơn nhưng xảy ra ở nhiều nơi (riêng tại thành phố Yên Bái đã thống kê được trên 1.000 điểm sạt lở đất).
Bám sát diễn biến mưa bão, thông tin rộng rãi tới cộng đồng
Xác định bão số 3 là cơn bão rất mạnh có thể ảnh hưởng đến đất liền nước ta, ngay từ sáng ngày 3/9, Bộ TN&MT đã chỉ đạo cơ quan Khí tượng thủy văn (KTTV) ban hành bản tin bão trên Biển Đông.
Thông tin dự báo, cảnh báo của cơ quan KTTV sát đã bám sát với diễn biến thực tế của báo, mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất (dù trên thực tế bão, mưa có nhiều đặc điểm bất thường), tương đồng với dự báo của các cơ quan KTTV quốc tế, đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó thiên tai, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Từ sáng ngày 5/9, ban hành tin bão khẩn cấp, kèm theo thông tin dự báo về cường độ, hướng di chuyển và ảnh hưởng của gió mạnh trên đất liền cũng như mưa lớn của bão số 3. Trong quá trình dự báo, cơ quan KTTV Việt Nam có 3 lần thảo luận với Trung tâm Dự báo bão khu vực của Nhật Bản; 2 lần thảo luận với cơ quan Khí tượng Trung Quốc để chia sẻ thông tin dự báo, kinh nghiệm chuyên gia và số liệu quan trắc bão.
Từ sáng sớm ngày 5/9, cơ quan KTTV đã ban hành bản tin cảnh báo mưa lớn và nhận định khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 100÷300mm, có nơi trên 500mm. Sau khi bão số 3 đổ bộ vào đất liền, cơ quan KTTV tiếp tục ban hành các bản tin dự báo mưa lớn diện rộng trên toàn khu vực Bắc Bộ với lượng mưa cực đoan từ 300÷500mm.
Từ ngày 5/9, cơ quan KTTV đã ban hành bản tin cảnh báo lũ trên các sông ở khu vực Bắc Bộ; từ chiều ngày 8/9, tin lũ khẩn cấp đã được ban hành trên sông Thao, sông Lục Nam, sông Hoàng Long, đồng thời cảnh báo nguy cơ ngập lụt tại nhiều địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 và hoàn lưu bão. Đến chiều ngày, 9/9, cơ quan KTTV đã quyết định nâng cấp bản tin lũ đặc biệt lớn đối với hệ sông Thao. Ngoài ra, bổ sung các bản tin theo từng giờ và bản tin chuyên đề phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó với lũ, ngập lụt, an toàn hồ chứa.
Sau khi nhận định bão có khả năng ảnh hưởng đến Việt Nam, Bộ TN&MT đã chỉ đạo Tổng cục KTTV phân công lãnh đạo các đơn vị trực tiếp nắm tình hình, thực hiện báo cáo và cập nhật thông tin nhanh, liên tục cho Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các Bộ, ngành liên quan để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Tổng cục KTTV đã sử dụng tất cả các hình thức tuyên truyền có thể, bằng văn bản, phỏng vấn chuyên gia trực tiếp và gián tiếp, tuyên truyền bằng video clip qua mạng thông tin báo chí chính thống và mạng xã hội định danh. Thông tin cho các báo chí truyền thông được thực hiện qua zalo, phối hợp với các đơn vị: Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện 1 giờ một chương trình trực tiếp (24 chương trình), Truyền hình Thông Tấn xã Việt nam 3 giờ một lần, Đài Truyền hình Hà Nội 1 giờ một lần trực tiếp, Kênh truyền hình VTC14 (kênh thông tin về thiên tai) 3 giờ một lần trực tiếp. Hơn 40 phóng viên, nhà báo của các cơ quan truyền thông đã đưa tin trực tiếp tục từ Trung tâm tác nghiệp KTTV tại trụ sở Tổng cục Khí tượng Thủy văn để phản ánh kịp thời diễn biến bão, lũ.
Tổng cục KTTV cũng chủ động phối hợp và cung cấp thông tin cho Đài Phát thanh Truyền hình Tỉnh Yên Bái theo từng giờ trong 2 ngày trọng điểm 10 - 11/9. Ngoài ra, các cơ quan KTTV cũng thường xuyên cung cấp thông tin tình hình thời tiết và dự báo phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn tại các khu vực xảy ra thiên tai.
Bài học kinh nghiệm trong công tác dự báo
Theo Bộ TN&MT, việc theo dõi sát diễn biến tình hình thời tiết, thiên tai; chủ động phân tích, dự báo, cảnh báo từ sớm từ xa đã giúp phát hiện kịp thời những diễn biến bất thường, làm cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời giúp các địa phương triển hai biện pháp phòng chống từ rất sớm, không để bị động.
Ngoài các nguồn tin trong nước đã khai thác, việc chia sẻ các số liệu, nhận định với các cơ quan KTTV khu vực và quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương cũng phát huy hiệu quả tốt.
Khi bão đổ bộ, tần suất cung cấp thông tin diễn biến bão, mưa, lũ là 30 phút đến 1 giờ một lần cho cơ quan Phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự Trung ương và địa phương. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan KTTV với thường trực Ban chỉ đạo PCTT các cấp từ Trung ương đến địa phương giúp việc trao đổi thông tin và nắm bắt tình hình thiên tai kịp thời, chỉ đạo ứng phó hiệu quả.
Bên cạnh đó, cơ quan KTTV cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông để tăng cường thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ về gió mạnh, lũ, ngập lụt, sạt lở, lũ quét để chủ động ứng phó. Ngôn ngữ thông tin, truyền thông về tác động của bão, mưa lớn, lũ được sử dụng theo hướng dễ hiểu, giúp hành động ứng phó đúng mức.
Hiện nay, mực nước lũ ở hạ lưu sông Hồng đang xuống nhưng vẫn còn ở mức cao, tình trạng ngập ở vùng trũng, thấp ven sông sẽ giảm dần trong những ngày tới. Tuy nhiên, các hệ thống sông sẽ có nguy cơ gây sạt lở bờ sông, nhất là ở những nơi vừa xuất hiện đỉnh lũ cao. Bên cạnh đó, mặc dù hiện nay mưa đã giảm, nhiều nơi không mưa, nhưng nguy cơ xảy ra sạt lở đất vẫn ở mức cao, đặc biệt trên các sườn dốc ở khu vực miền núi phía Bắc, nhất là Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng.
Để sẵn sàng ứng phó với thiên tai sau này, Bộ TN&MT cho kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục tổ chức các đợt điều tra, khảo sát, tình hình ngập lụt và tại các vị trí đã và đang xảy ra hiện tượng trượt, sạt lở đất đá; khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất để cảnh báo. Rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa các hồ chứa trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tính huống bất thường, khẩn cấp, kịch bản biến đổi khí hậu,… khi đủ điều kiện thì điều chỉnh Quy trình vận hành theo hướng thời gian thực. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu phương án cắt giảm lũ hạ du trong tình huống khẩn cấp; tiếp tục tuyên truyền phổ biến kiến thức, hướng dẫn người dân nhận biết nguy cơ, dấu hiệu có thể xảy ra sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, kỹ năng ứng phó.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam theo Quyết định số 1262/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó tập trung điều tra, đánh giá, khảo sát bổ sung cơ sở dữ liệu về thiên tai sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn; lập bản đồ phân vùng nguy cơ, bản đồ phân vùng rủi ro sạt lở đất, lũ quét tỷ lệ 1:10.000 và lớn hơn cho các vị trí, khu vực rủi ro cao với sạt lở đất, lũ quét tại địa phương.