Môi trường

Quảng Ngãi: Cần thiết sẽ đóng cửa doanh nghiệp gây ô nhiễm

Võ Hà 13/09/2024 - 09:49

Tình trạng ô nhiễm tại khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN), làng nghề ở Quảng Ngãi đã diễn ra trong thời gian dài. Thời gian tới, tỉnh Quảng Ngãi sẽ có những biện pháp mạnh với các doanh nghiệp tái phạm gây ô nhiễm, thậm chí đóng cửa nếu cần thiết.

CCN, làng nghề “trắng” hệ thống xử lý nước thải

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có 15 CCN và 15 làng nghề đang hoạt động. Tuy nhiên, tất cả các CCN, làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống thoát nước thải và trạm xử lý nước tập trung (riêng CCN Sơn Hạ, huyện Sơn Hà đang đầu tư hệ thống xử lý nước thải (HTXLNT) công suất 300m3/ngày,đêm). Do vậy, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các CCN, làng nghề vẫn đang diễn ra chưa khắc phục triệt để.

nuocthai1.jpg
Nước thải chưa qua xử lý ra môi trường ở Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây, TP. Quảng Ngãi

Nóng nhất vẫn là CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi) với diện tích hơn 27 ha đi vào hoạt động từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa có HTXLNT. Hiện CCN làng nghề này hiện có khoảng 20 nhà máy, cơ sở hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất giấy, nhựa, chế biến nước mắm, sản xuất bao bì, tái chế hạt nhựa và chế biến nông, lâm sản.

Nước thải từ CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây đã và đang gây ra vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong suốt thời gian dài. Tình trạng này đã được cử tri nhiều lần phản ánh, và vấn đề cũng đã được đưa ra chất vấn trong các phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ngãi vào năm 2023. Tuy nhiên, cho đến nay, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư.

nuocthai2.jpg
Lực lượng chức năng lấy mẫu nước thải đi kiểm tra sau phản ánh của người dân về ô nhiễm ở cụm công nghiệp

Theo Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Đức Trung, vấn đề ô nhiễm môi trường tại các CCN, làng nghề vẫn đang diễn ra, chưa khắc phục triệt để. Đặc biệt, CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây là một trong những điểm nóng.

Ông Nguyễn Đức Trung cho biết, đây là một trong những CCN đầu tiên của tỉnh, do xây dựng đã lâu nên cơ sở hạ tầng và các quy định về môi trường không còn đáp ứng được yêu cầu hiện nay. Mặc dù CCN này đã được định hướng chuyển sang quy hoạch khác, nhưng việc không đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đang gây nhiều bất cập.

Dù các doanh nghiệp tại đây có đầy đủ hồ sơ và hệ thống xử lý nước thải theo quy định, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn lén lút xả thải để giảm chi phí vận hành. Đây là vấn đề liên quan đến ý thức của doanh nghiệp.

Sẽ có biện pháp mạnh

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2022), các CCN phải hoàn thành hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành

Trong thời gian qua, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh nhiều văn bản chỉ đạo hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường và tăng cường công tác bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 Luật Bảo vệ môi trường.

Theo đó, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN thực hiện rà soát và yêu cầu các cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa. Đồng thời, lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục bảo đảm đúng thời hạn quy định chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

Yêu cầu không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường được quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

Đối với các làng nghề, Sở TN&MT sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức đánh giá mức độ ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường kéo dài ra khỏi khu dân cư, làng nghề theo quy định.

nuocthai3.jpg
Việc thiếu hạ tầng xử lý nước thải đang là rào cản thu hút đầu tư tại các Cụm công nghiệp của Quảng Ngãi

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh quy hoạch, xây dựng, cải tạo và phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; tổng hợp đề xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, thời gian qua, tỉnh xác định trong quá trình thu hút đầu tư vào CCN phải khắc phục tình trạng xả thải, đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Đồng thời, chỉ đạo kêu gọi đầu tư các CCN giống như khu công nghiệp VSIP, tức nhà đầu tư thứ cấp sẽ đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, nhất là xử lý nước thải. Các CCN do các huyện, thành phố, thị xã làm chủ đầu tư, tỉnh sẽ tạo điều kiện thực hiện hệ thống xử lý nước thải tập trung.

”Đối với CCN làng nghề Tịnh Ấn Tây, doanh nghiệp phải chấp hành quy định, thấy được trách nhiệm của mình với cộng đồng; cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra giám sát. Nếu doanh nghiệp trốn tránh không chấp hành thì cương quyết xử lý, kể cả đóng cửa”- ông Trần Phước Hiền khẳng định.

Võ Hà