Xã hội

E-magazine: Bì bõm Phúc Xá - Tân Ấp

Việt Hùng - Việt Hải 12/09/2024 14:38

(TN&MT) - 5 giờ 30 sáng 12/9 ở “làng lụt” Tân Ấp, phường Phúc Xá, lực lượng ứng trực, cán bộ, nhân viên phường Phúc Xá, quận Ba Đình và người dân Tân Ấp vẫn đang tập trung vào công việc của mình. Mặc dù bị cắt điện nhưng nhịp sống có xáo trộn do lũ nhưng người dân an toàn và không thiếu đói.

bia-bi-bom.png

5 giờ 30 sáng 12/9 ở “làng lụt” Tân Ấp, phường Phúc Xá, lực lượng ứng trực, cán bộ, nhân viên phường Phúc Xá, quận Ba Đình và người dân Tân Ấp vẫn đang tập trung vào công việc của mình. Mặc dù bị cắt điện nhưng nhịp sống có xáo trộn do lũ nhưng người dân an toàn và không thiếu đói.

Người dân Tân Ấp bơi thuyền trong phố. Video: Việt Hùng

Đang xỏ chân vào đôi ủng được Công đoàn Báo Tài nguyên và Môi trường trang bị cho phóng viên của nhóm “Trực tin Bão” tác nghiệp trong những ngày này, chúng tôi bị hút bởi tiếng nói vừa sang sảng, vừa ấm áp của người phụ nữ tuổi trung niên, “Thay mặt các lực lượng ứng trực và người dân Tân Ấp, Nghĩa Dũng, Phúc Xá, chúng em cám ơn các chị nhiều, rất rất nhiều nhé…”.

Miệng nói, tay người phụ nữ thoăn thoắt cùng các chị em người làng Phú Thượng (Tây Hồ) đưa từng hộp xôi nóng hổi cho các chú bộ đội, cho các em Dân quân tự vệ của quận Ba Đình và phường Phúc Xá đang ứng trực ở “cửa khẩu Tân Ấp” trong 2 ngày nước lũ sông Hồng lên cao vừa qua. Nếu không hỏi, chúng tôi không nghĩ người phụ nữ ấy là bà Trần Thị Tố Tâm, Bí thư Đảng ủy Phường Phúc Xá.

khung-vuong-1-.png
Những hình ảnh của Phúc Xá - Tân Ấp - Nghĩa Dũng đầu giờ sáng nay 12/9
Bí thư Đảng ủy phường Phúc Xá mang xôi do người dân Phú Thượng gửi tặng về với lực lượng ứng trực và người dân Phúc Xá. Video: Việt Hùng

Bà Trần Thị Tố Tâm nhanh chóng sắp xếp các thùng xôi lên xuồng hơi mang đến cho dân kịp bữa sáng. Bà Tâm cho biết, việc tiếp tế nhu yếu phẩm sẽ ưu tiên những hộ gia đình có người già, trẻ nhỏ, khó khăn trong việc đi lại, vận động. Còn cơ bản, nhiều gia đình, cá nhân rất chủ động, vì thế, công tác đảm bảo của chính quyền và lực lượng chức năng cũng bớt vất vả hơn.

Và nhóm phóng viên chúng tôi lại được cùng chị và các em Dân quân tự vệ phường Phúc Xá đưa các thùng xôi đi phát cho lực lượng của phường đem xôi về phát cho các thành viên vừa thâu đêm ứng trực chống lũ cùng người dân nơi đây.


bia-va-tit(1).png

Vừa di chuyển bì bõm vào trụ sở UBND phường, Bí thư Trần Thị Tố Tâm vừa thông tin: Để đảm bảo an toàn cho dân, việc di chuyển ở làng Tân Ấp cơ bản sử dụng các phương tiện xe cơ giới, xuồng hơi của lực lượng cứu hộ, bộ đội, công an, dân quân tự vệ; một số hộ dân sinh sống ở điểm cao hơn đã chủ động trong việc đi lại.

Ghi nhận tại trụ sở UBND phường Phúc Xá, rất nhiều áo phao, phao bơi, xuồng hơi và nhu yếu phẩm thiết yếu đã tập kết, sẵn sàng phục vụ đưa đón, vận chuyển người, đồ đạc và tiếp tế đồ dùng thiết yếu cho dân.

dai-cao-4-.png
Lội, lội và lội. Ảnh: Việt Hùng

Trực tiếp lội nước vào phố Tân Ấp, phố Phúc Xá, phố Nghĩa Dũng, chúng tôi chứng kiến và cảm nhận cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây những ngày qua bì bõm trong nước lũ. Nhiều sinh hoạt bị đình trệ, các phương tiện cá nhân không lưu thông được, nhiều gia đình phải cố thủ tại chỗ, trông chờ vào sự tiếp tế của lực lượng chức năng. Nước kéo theo rác và phù sa đục ngầu, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao trong và sau lụt.

Vừa thoăn thoắt chèo chiếc thuyền phao nhỏ với mái chèo là đôi dép tổ ong, ông Giang, người dân nơi đây nói với lại một câu: Hơn 20 năm rồi, ở đây mới lụt kinh đến thế.

Và một người dân mà phóng viên chưa kịp hỏi tên nói với chúng tôi: Từ năm 2001 trở về trước, năm nào mà nước chẳng lên. Nếu không có các thủy điện Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà… thì năm nào chẳng lụt. “Dù lụt kinh thế những bà con yên tâm, “dân ngoài đê” chúng tôi quen rồi chứ không hoảng loạn lắm đâu”.

bia-va-tit-1-(1).png

Như các phương tiện thông tin đại chúng trong đó có Báo Tài nguyên và Môi trường của chúng tôi thường xuyên cập nhật những thông tin mới nhất đến bạn đọc, để đảm bảo an toàn cho người dân các khu vực ngoài đê, Hà Nội nói chung và quận Ba Đình nói riêng đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Trước nguy cơ đe dọa an toàn, bám sát chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố, chỉ đạo của UBND quận Ba Đình, Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận…, UBND phường Phúc Xá đã triển khai kế hoạch ứng phó bão và sau bão tới các Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận địa bàn dân cư, Tổ trưởng Tổ dân phố và từng người dân… “Nhờ đó nên đến nay, mặc dù vẫn đang trong tình trạng ngập do nước dâng nhưng tình hình chung của làng Tân Ấp nói riêng và phường Phúc Xá cơ bản an toàn” – Bí thư Đảng ủy phường Trần Thị Tố Tâm cho biết thêm.

Không chỉ Bí thư phường, mà 100% cán bộ, lãnh đạo Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ phường và các đoàn thể đều ứng trực. Những ngày này, điện thoại của lãnh đạo phường luôn trong tình trạng quá tải bới các cuộc gọi và tiếp nhận các cuộc gọi liên tục để chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trong lụt và ổn định cuộc sống cho người dân Tân Ấp, đồng thời, tiếp nhận thông tin, nhận hàng cứu trợ dân từ các lực lượng bên ngoài.

bff54ecfce6d6933307c-1-.jpg
Ấm lòng khi cả hệ thống chính trị từ Thành phố, đến Quận, Phường và người dân đều lo chống ngập lụt để đảm bảo đời sống cho người dân. Ảnh: Việt Hùng

Theo ghi nhận của phóng viên, nước lũ dâng đã khiến ngập gần hết diện tích của làng. Các gia đình khu vực phía gần sông nước ngập sâu hơn. Nhiều gia đình không thể tự lại mà phải trông chờ vào phương tiện cơ giới và xuồng hơi của lực lượng cứu hộ. Các nhu cầu khác cũng phụ thuộc vào tiếp tế của chính quyền và lực lượng chức năng.

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Vương Đăng Ninh - Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu Trưởng BCHQS Ba Đình cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND TP. Hà Nội, từ trước cơn bão số 3, đơn vị đã bố trí lực lượng ứng trực trên địa bàn quận Ba Đình, đặc biệt là các điểm trọng yếu, ngập lụt, nguy cơ mất an toàn cao. Đối với làng Tân Ấp và các vùng ngập lụt trên địa bàn quận, trong mưa bão ngập lụt, đơn vị luôn chú trọng cao nhất công tác cứu hộ đảm bảo an toàn cho dân; ngay khi lũ rút, sẽ huy động lực lượng để khắc phục môi trường, dọn dẹp vệ sinh và thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Người dân Nghĩa Dũng: Ngập kinh hoàng. Video: Việt Hùng
bia-va-tit-2-(1).png

Chứng kiến nhịp sống của người dân Tân Ấp trong lũ, chúng tôi vừa cảm thông với khó khăn của người dân, vừa chia sẻ với vất vả của cán bộ và các lực lượng chức năng.

Cô giáo Nguyễn Phương Lan ở ngách 93/58 Nghĩa Dũng - giáo viên Trường mầm non Nắng Mai - Hoàn Kiếm chia sẻ, nhiều hộ gia đình của làng Tân Ấp ở phía gần đê chịu ngập lụt nặng hơn, vì thế, gia đình chị cố gắng chủ động trong mọi hoạt động để bớt gánh nặng cho chính quyền và lực lượng chức năng. Hiện cuộc sống của chị không có nhiều xáo trộn, chị vẫn sắp xếp ổn thỏa việc nhà để đi làm. Hy vọng nước rút nhanh để cuộc sống người dân các vùng lụt và người dân Tân Ấp sớm trở lại bình thường.

dai-cao-3-.png
Dù trong khó khăn, người dân sống trong khu vực các con phố Phúc Xá - Nghĩa Dũng - Tân Ấp phường Phúc Xá, quận Ba Đình vẫn nở nụ cười lạc quan

Cũng như cô giáo Lan, người dân Tân Ấp, Nghĩa Dũng, Phúc Xá hầu như ai cũng vui và ấm lòng khi trong những lúc gian khó, toàn bộ cán bộ phường, bộ đội, công an, dân quân tự vệ đã có mặt chia sẻ với khó khăn của dân trong vùng ngập lụt, điều đó khiến chúng tôi rất ấm lòng. “Ngày thường xôi sáng là món ăn quen thuộc, yêu thích của nhiều người, nhưng ngày lũ có xôi ăn đối với chúng tôi thực quý hơn cả mức bình thường” - ông Trần Đức Thiện, người dân sống ở phố Nghĩa Dũng xúc động cho hay.

38a25d9fdd3d7a63232c.jpg
Các cháu học sinh lần đầu đi học bằng xuồng. Ảnh: Việt Hùng

Và trong hơn một tiếng đồng hồ lội nước đưa tin ở khu vực này, chúng tôi hầu như không thấy sự lo âu, than vãn mà thay vào đó là những ân tình, những ánh mắt vui tươi, những nụ cười ấm áp của các em bé đang được người dân, được các cô chú Dân quân tự vệ đẩy thuyền đưa đi học, là người già ngồi trên gác được sắp nhỏ lội nước đi mua đồ ăn sáng, là các chị phụ nữ chân yếu tay mềm được anh em hướng dẫn lội sao để tránh chỗ sâu, để không vấp vào vỉa hè, miệng cống…

Nước sông Hồng vẫn đang rút chậm, cuộc sống của người dân Tân Ấp, Phúc Xá, Nghĩa Dũng vẫn bì bõm trong ngập lụt. Thế nhưng trong gian khó đã có rất nhiều sự quan tâm ấm áp tình người từ các cơ quan, đơn vị và chính quyền mà trực tiếp là cán bộ phường.

Và chúng tôi, những người làm báo của Báo Tài nguyên và Môi trường cũng hạnh phúc cảm nhận, dù bước chân của người dân Tân Ấp còn bì bõm trong lũ nhưng nụ cười của họ vẫn nở trên môi đón chào ngày mới.

cuoi.png

Việt Hùng - Việt Hải