E-magazine: Nghị định 23 “lệnh bài” để các địa phương nâng cao trách nhiệm quản lý - Bài 2: Đưa chính sách từ “giấy” đến thực tiễn
Khoáng sản - Ngày đăng : 14:06, 12/09/2024
Tính đến thời điểm này, Nghị định 23 đã đi qua chặng đường hơn 3 năm và được các địa phương từng bước triển khai thực hiện ở nhiều gốc độ khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tiễn vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định khi áp dụng vào thực tiễn tại một số địa phương như Đắk Lắk và Đắk Nông.
Nghị định 23 có hiệu lực đã giúp cho các địa phương có cơ sở, căn cứ để đưa hoạt động khai thác cát sỏi vào quy cũ và nề nếp hơn. Từ đó, giúp cho công tác quản lý nhà nước của các địa phương ngày một phát huy hiệu quả. Tại tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở ngành, địa phương thiện nghiêm các quy định của pháp luật trong lĩnh vực thăm dò, khai thác khoáng sản, quản lý tài nguyên và các nội dung của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Trong đó, tập trung kiểm tra, rà soát về: việc đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; kiểm tra về yêu cầu đối với bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi; yêu cầu về phương tiện vận chuyển cát, sỏi trên sông; yêu cầu đối với hoạt động kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông, việc tuân thủ các quy định về đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản được sử dụng trong các công trình.
Ngoài ra, kiểm tra, giám sát về thời gian được phép khai thác, việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan...
Theo ông Trần Đăng Sỹ - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk, có thể nói Nghị 23 đã hỗ trợ rất nhiều cho địa phương bám sát các quy định để triển khai các nhiệm vụ tại địa phương. Tuy nhiên, khi áp dụng vào thực tiễn cũng còn gặp một số khó khăn. Điển hình, theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 9, Nghị định số 23 thì các phương tiện khai thác vận chuyển cát, sỏi phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi. Tuy nhiên chưa có hướng dẫn để triển khai thực hiện lắp đặt định vị thiết bị khai thác cát trên sông để triển khai thực hiện và tổ chức giám sát hoạt động khai thác cát trong phạm vi được cấp phép khai thác cát của các đơn vị. “ Mong muốn các bộ ngành liên quan tham mưu bổ sung các hành vi này vào quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản để địa phương triển khai ngày một hiệu quả công tác quản lý cát, sỏi lòng sông”. Ông Sỹ kiến nghị.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiệp – Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông cho rằng, Nghị định số 23 được ban hành thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, thổi một luồng gió mới vào cuộc sống để các cơ quan hữu trách ở Trung ương và địa phương đồng lòng đẩy lùi nạn khai thác cát, sỏi trái phép. “Nghị định số 23 ra đời đã quy định rất chi tiết và cụ thể các chức năng nhiệm vụ và trách nhiệm của các địa phương cũng như các đơn vị được cấp phép khai thác cát. Đây là một quy định làm cơ sở cho địa phương có biện pháp quản lý khoáng sản khai thác cát được tốt hơn”. Ông Hiệp chia sẻ
Sông Krông Nô giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông nên để quản lý hiệu quả công tác cát sỏi cần triển khai thực hiện đồng bộ các quy chế phối hợp giữa hai tỉnh mới phát huy được hiệu quả.
Theo ông Lê Trọng Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, Nghị định 23 có quy định về quy chế phối hợp giữa các tỉnh. Để phát huy hiệu quả chính sách cũng như các quy định trong Nghị định 23 của Chính phủ thì việc phối hợp để quản lý, giám sát lòng sông Krông Nô tiếp giáp giữa 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông là cực kỳ quan trọng. “Quy chế phối hợp công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk từ khi ban hành theo số 01/QCPH-UBND ngày 09/12/2015 đã đạt được những thành tựu nhất định, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép đã giảm xuống rõ rệt, sự phối hợp giữa Sở, ngành địa phương 2 tỉnh chặt chẽ xử lý nghiêm vi phạm của các đơn vị”. Ông Yên chia sẻ.
Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả thực sự quy chế phối hợp thì rất cần sự vào cuộc từ địa phương cấp cơ sở từ cấp xã, cấp huyện đến các sở ngành và UBND tỉnh của hai tỉnh. Từ đó, việc quản lý, giám sát chung tuyến sông Krông Nô của hai tỉnh mới phát huy được hiệu quả tối đa giúp cho quá trình phát triển kinh tế xã hội cũng như đời sống của người dân ngày một phát triển ổn định và đảm bảo an ninh trật tự.
Bài: PHẠM HOÀI – TRẦN THỌ
Trình bày: TÙNG QUÂN