E-magazine: Mang rác về bờ để mang cá về bờ - Bài 3: Ngư dân phấn khởi mang rác về bờ

Môi trường - Ngày đăng : 14:06, 12/09/2024

Mô hình thu gom rác thải từ biển về bờ được triển khai thí điểm cho 200 tàu cá trên toàn tỉnh cập cảng Quy Nhơn, đến nay, hoạt động trên nhận được sự hưởng ứng tích cực của ngư dân cả trong và ngoài mô hình. Họ cho biết, việc đem rác thải về bờ đã trở thành niềm vui và thói quen mới của bà con.
e-magazinerac(1).jpg

Mô hình thu gom rác thải từ biển về bờ được triển khai thí điểm cho 200 tàu cá trên toàn tỉnh cập cảng Quy Nhơn, đến nay, hoạt động trên nhận được sự hưởng ứng tích cực của ngư dân cả trong và ngoài mô hình. Họ cho biết, việc đem rác thải về bờ đã trở thành niềm vui và thói quen mới của bà con.

1.jpg

Tôi vẫn nhớ như in ngày 14/12/2023, đang chuẩn bị cơm trưa thì có tin nhắn điện thoại, hàng loạt hình ảnh đẹp về tàu cá đầu tiên mang rác bờ được chị Nguyễn Thị Minh Lệ - Đội trưởng Đội thu gom rác thải gửi vào trong Nhóm zalo “rác thải tàu cá Bình Định”. Đó là khoảnh khắc không chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người nhận được tin nhắn đều cảm thấy xúc động trong niềm vui khó tả.

anh-1.jpg
Nhu yếu phẩm được ngư dân Bình Định mang theo cho một chuyến khai thác dài ngày.

Đội thu gom rác thải nhựa tàu cá tại cảng cá Quy Nhơn đã tiếp nhận 8kg rác thải (chai nhựa, lon bia, lon nước ngọt, vỏ mì tôm, túi nilong..) từ tàu cá BĐ-99028-TS. Không giấu được niềm vui khi là tàu đầu tiên mang rác thải về bờ, ông Nguyễn Văn Luyến vui vẻ cho biết, tàu ông làm nghề vây ánh sáng, gồm 11 thuyền viên, tàu xuất bến vào ngày 29/11. Trước khi xuất bến, ông đã dặn dò kỹ lưỡng các bạn thuyền là tất cả rác nhựa sinh hoạt phải thu gom bỏ vào túi lưới chứ không được vứt xuống biển, nếu túi lưới đầy thì bỏ xuống hầm, hoặc mang theo bao tải, túi lưới tự chế để đựng. “Tôi đã nói với họ rằng, nếu cảng cá Quy Nhơn họ kiểm tra số rác mang về không đủ với số lượng ban đầu đã mang đi thì chủ tàu sẽ bị phạt 5 - 7 triệu, chính vì vậy tất cả bạn tàu đều nghe theo”, ông Luyến khẳng định.

Lần lượt những ngày tiếp sau đó, các túi rác sinh hoạt trên tàu cá tiếp tục được các chủ tàu Nguyễn Thành Bạo ở phường Trần Phú, chủ tàu Phan Văn Trinh, Phan Thanh Trưởng ở phường Đống Đa (TP. Quy Nhơn)... đưa về Cảng cá Quy Nhơn. Ông Nguyễn Trọng nghĩa - sinh năm 1975, thuyền viên BĐ-91052-TS phấn khởi chia sẻ: “Ngư dân hiện nay luôn có ý thức trong việc bảo vệ môi trường đại dương, có túi lưới chuyên dụng đựng rác, anh em sử dụng xong thì bỏ vào túi lưới, việc này cũng khá đơn giản. Thêm nữa tôi làm công việc phụ bếp nên được giao phụ trách khoảng thu gom rác thải sinh hoạt trên tàu cá”.

2.jpg

Ngoài túi lưới được dự án cung cấp, nhiều tàu đã tự trang bị thêm các túi lưới, bao tải khác để không bỏ sót “cọng” rác nhựa nào trên biển. Mọi người đều rất phấn khởi với sự chung sức, đồng lòng của các thuyền viên trên tàu.

anh-2.jpg
Ngư dân vui vẻ mang rác về bờ
anh-3(1).jpg
Khi túi lưới đựng rác đầy, ngư dân Nguyễn Thanh Long sang qua các bao tải đã chuẩn bị sẵn.

Ngày 20/12/2023, tàu cá BĐ-99146-TS cập cảng mang vào 22kg rác nhôm, nhựa các loại, ông Hồ Minh Châu, thuyền trưởng tàu cá cho biết, vì tàu đi khai thác khá dài ngày nên phát sinh rất nhiều rác. Để có thể thu gom hết rác thải đưa vào bờ, chúng tôi đã dùng lưới đánh cá cũ bị rách không còn sử dụng, khâu lại để làm túi đựng rác hoặc mang thêm bao tải để đựng.

Trong một chuyến khảo sát hồi cận Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, chúng tôi tới Cảng cá Quy Nhơn. Ở đây không khí nhộn nhịp và tất bật, có tàu cập cảng sau gần 1 tháng vươn khơi với khoang đầy cá, tàu khác lại tất bật chuẩn bị nhu yếu phẩm để bám biển xuyên Tết. Anh Lê Văn Cư 40 tuổi, thành viên của tàu cá BĐ-98883-TS chia sẻ: “Tụi anh ăn Tết ngoài khơi mười mấy năm rồi. Nói chung vì kinh tế nên đi thôi, quen rồi cũng vui như thường”. Tôi quan sát thấy khá nhiều nhu yếu phẩm được các anh mang theo để chuẩn bị cho chuyến hành trình dài ngày. Nhưng bên cạnh đó, dụng cụ chuẩn bị cho chuyến vươn khơi còn là những túi đựng rác, cứ nhịp nhàng tàu này về thì mang rác về bờ, tàu kia đi thì mang theo túi rỗng để đựng rác.

Được biết tại thị xã Hoài Nhơn, các ngư dân chưa tham gia mô hình thu gom rác thải nhưng họ đã tự nguyện mang rác về bờ và giao cho BQL Cảng cá và Dịch vụ đô thị Tam Quan. Chia sẻ về điều này, ông Mai Văn Miên, sinh năm 1974, chủ tàu cá BĐ-96847-TS làm nghề vây ánh sáng ở phường Hoài Thanh, TX. Hoài Nhơn cho biết: “Nếu Nhà nước đưa ra quy định này thì tàu cá chúng tôi rất hưởng ứng. Hiện nay mỗi lần đi biển, nhiều lúc chúng tôi bắt gặp những khối rác trôi nổi theo dòng nước, có khối kết lại với nhau thành đường kính tới 2m, có khi lên đến 4m hoặc 5m. Vì di chuyển buổi tối nên thỉnh thoảng tàu chúng tôi bị rác vướng vào chân vịt, phải cho người lặn xuống cắt bỏ rồi mới đi tiếp được. Nếu không mang rác về bờ thì không chỉ gây ô nhiễm cho biển mà còn có nguy cơ đe doạ an toàn tàu bè”.

Cũng trong một lần đi thực tế, tôi gặp người vợ đang ở cảng cá Quy Nhơn chờ chồng cập bến. Khi tàu đến nơi, chị vui vẻ cùng chồng mang rác vào nơi tập kết rác tạm thời của đội thu gom. Chị nói với tôi: “Vui em à, nay mọi người cùng nhau giữ gìn môi trường nghĩa là giữ nồi cơm của mình đấy”. Đặc biệt hôm đó đúng vào ngày 20/3 là ngày Quốc tế hạnh phúc, tôi nhìn cảnh 2 vợ chồng cùng làm một việc hết sức ý nghĩa khiến tôi buột miệng nhẩm đọc câu thơ vừa vận vào: “đồng vợ đồng chồng tát cạn rác biển Đông”.

3.jpg

Hiện nay, việc mang rác về bờ của ngư dân Bình Định đã trở thành thói quen mới của bà con. Dù tàu cá Bình Định cập cảng bất kì tỉnh thành nào, họ cũng không quên mang rác vào bờ.

Anh Nguyễn Thanh Long sinh năm 1976 ở phường Hoài Hương, TX. Hoài Nhơn tâm sự: “Tôi sinh ra và lớn lên ở một miền quê mà đời sống người dân gắn liền với biển với hoạt động khai thác đánh bắt thủy sản là sinh kế chính. Đến nay đã hơn 15 năm trong nghề biển, chứng kiến nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt, môi trường biển ngày càng ô nhiễm, thật sự bản thân tôi cảm thấy rất buồn. Không ít lần những chuyến biển không bù được phí tổn. Bạn đi biển cũng dần bỏ nghề để chuyển sang nghề khác để có nguồn thu nhập ổn định hơn. Khi được Chi cục Thủy sản tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tác hại của rác thải nhựa đại dương, tôi và các anh em bạn thuyền đã quyết tâm từ giờ sẽ mang rác thải từ tàu cá về bờ để bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn sống của chúng ta hôm nay và tương lai con em mai sau”.

anh-4.jpg
Hình ảnh đẹp của vợ chồng ngư dân mang rác về bờ đúng vào ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3
anh-5.jpg
Đội thu gom rác thải nhựa tàu cá tại Cảng cá Quy Nhơn đang phân loại rác thải.

Từ khi tham gia đến nay, những lần tàu cá của anh Long cập bến, dù ở đâu, Bình Thuận hay Bà Rịa - Vũng Tàu, anh cũng đều mang rác về bờ. “Tuy không cập cảng Quy Nhơn nhưng chúng tôi vẫn đều đặn thu gom, đến cảng cá tỉnh bạn, tôi mang cho những người thu gom ve chai ở cảng và họ rất vui. Các tàu của tỉnh khác thấy chúng tôi làm vậy thì cũng hưởng ứng” - anh Long cho biết.

Cũng theo anh Long, để các bạn thuyền cùng chung tay thu gom rác thì trước hết chủ tàu phải gương mẫu “anh em uống bỏ, mình dọn. Dần dần các anh em thấy vậy thì làm theo, đầu tiên là 2 bao, sau lên 4 bao và ngày càng nhiều hơn, đến nay tàu tôi đã thu gom được trên 80% rác thải”.

Được biết, không chỉ riêng anh Long mà hầu hết các tàu cá Bình Định tham gia mô hình đều rất ý thức về trách nhiệm của mình, dù cập cảng ở đâu, dù cảng đó có đội thu gom hay không, họ vẫn thu gom và mang rác về bờ như một thói quen.

Giờ đây, các túi lưới đựng rác đã trở thành công cụ môi trường quen thuộc và là vật dụng không thể thiếu trong hành trình vươn khơi bám biển của ngư dân Bình Định. Vì đây không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là niềm vui của ngư dân khi chung tay bảo vệ đại dương.

4(2).jpg

Bài: NGUYỄN THỊ ÁI TRINH
Chi cục Thủy sản Bình Định,110 Trần Hưng Đạo,
TP. Quy Nhơn, Bình Định

Trình bày: TÙNG QUÂN

4.jpg

Bài: Ái Trinh - Trình bày: Tùng Quân