Ngành TN&MT

Thanh Hóa đầu tư du lịch xanh bảo vệ môi trường

Thu Thủy 12/09/2024 - 10:46

(TN&MT) - Phân loại rác tại nguồn, khuyến khích không mang chai nhựa, túi ni lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch góp phần hình thành du lịch xanh. Để hiểu rõ hơn vấn đề này đối với Thanh Hóa, phóng viên Báo TN&MT đã phỏng vấn Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa Nguyễn Khánh Toàn.

6-2-.jpg
Ông Nguyễn Khánh Toàn -
Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa

PV: Những năm qua, du lịch Thanh Hóa đã hút một lượng du khách rất lớn, điều này tác động thế nào đến môi trường các khu du lịch, thưa ông?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Từ năm 2020 trở lại đây, Thanh Hóa luôn là điểm đến ưu tiên của khách du lịch. Theo ước tính, từ năm 2021 đến hết năm 2023, Thanh Hóa đón trên 26,4 triệu lượt du khách; tổng thu du lịch đạt trên 49.200 tỷ đồng. Riêng trong 10 tháng năm 2023, Thanh Hóa đón 11.891.000 lượt khách, đạt 99,2% kế hoạch năm 2023 (trong đó khách quốc tế 500.800 lượt khách); tổng thu du lịch đạt 23.223 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch 2023 (trong đó tổng thu từ khách du lịch quốc tế đạt 229.350.000 USD).

Có thể nói, những năm qua, ngành du lịch của tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh. Xu hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới khi quy mô về cơ sở vật chất, kỹ thuật dịch vụ du lịch, hệ thống hạ tầng, lưu trú, vận chuyển, giải trí... được đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, hoạt động du lịch phát triển, đặc biệt là du lịch biển cũng tác động mạnh mẽ tới môi trường, gây ô nhiễm cục bộ và nguy cơ suy thoái môi trường. Lượng khách du lịch tăng cao kéo theo sự phát sinh chất thải, trong khi số lượng được thu gom, xử lý còn có những hạn chế nhất định, hầu hết các khu du lịch, tỷ lệ thu gom chất thải rắn hiện chỉ đạt khoảng 80 - 90%, vào mùa du lịch cao điểm, tỷ lệ này còn thấp hơn. Thực trạng trên đang khiến nhiều khu du lịch biển của tỉnh Thanh Hóa như TP Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, thị xã Nghi Sơn phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường do rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa gây ra.

PV: Công tác bảo vệ môi trường tại các khu du lịch được Thanh Hóa thực hiện ra sao? Việc phân loại rác tại nguồn tác động thế nào đến hoạt động phát triển du lịch xanh?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Để đảm bảo vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan tại các khu du lịch, tỉnh đã quan tâm đầu tư xây dựng các khuôn viên, đường đi xanh - sạch - đẹp, xây dựng nhà vệ sinh công cộng, bố trí thùng rác tại các điểm…

Tại các điểm du lịch đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, người lao động tuyên truyền du khách thực hiện nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định, hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni lông, xả rác bừa bãi ra môi trường. Bố trí đủ các thùng rác ở vị trí thuận tiện cho khách bỏ rác, lựa chọn địa điểm tập kết rác thải đảm bảo hợp vệ sinh, mỹ quan. Yêu cầu các hộ kinh doanh trong khu du lịch cam kết giữ gìn cảnh quan, vệ sinh môi trường.

Ðối với những khu, điểm du lịch có tour, du lịch sinh thái… các hướng dẫn viên trong hành trình đều nhắc nhở du khách không xả rác thải ra môi trường tự nhiên. Song song đó, mỗi hộ dân sinh sống trong khu vực cũng được tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn, không vứt rác bừa bãi và thường xuyên thu dọn rác để giữ vệ sinh chung, cũng như bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Những năm gần đây các chính sách, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của tỉnh Thanh Hóa đều tập trung hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên. Tuy nhiên, để các chính sách, các định hướng phát triển du lịch được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế, cần có sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Việc phân loại rác tại nguồn, khuyến khích các khách sạn hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa một lần, tuyên truyền du khách không mang chai nhựa, túi ni lông, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch... là rất quan trọng trong việc hình thành xu hướng du lịch xanh tại Thanh Hóa, mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người, đồng thời đưa ngành Du lịch phát triển theo hướng bền vững, tạo ra những trải nghiệm tốt hơn, sâu sắc hơn cho cả du khách và điểm đến.

6-1-.jpg
Hoạt động thu gom rác thải tại bờ biển, khu du lịch

PV: Để hướng tới phát triển du lịch xanh, tỉnh Thanh Hóa sẽ định hướng, triển khai giải pháp gì?

Ông Nguyễn Khánh Toàn: Thời gian tới, để du lịch phát triển bền vững thì việc tạo dựng môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, an toàn, thân thiện với du khách rất quan trọng. UBND tỉnh Thanh Hoá khuyến khích đầu tư phát triển du lịch sinh thái, du lịch xanh; định hướng phát triển du lịch theo hướng bền vững; triển khai Đề án xây dựng hệ thống xử lý, phân loại rác thải tại các khu, điểm du lịch... Tuyên truyền cho người dân và du khách thực hiện ứng xử văn minh du lịch; đa dạng sản phẩm mang tính trải nghiệm, hướng du khách vào các hoạt động bảo vệ môi trường, cảnh quan.

Tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch gắn với tuyên truyền công tác bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh dịch vụ du lịch. Tăng cường phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức ký kết phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cần thực hiện nghiêm những quy định về bảo vệ môi trường. Đối với các nhà hàng, khách sạn sử dụng công nghệ xanh, vật liệu thân thiện môi trường, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế xả thải trực tiếp ra môi trường. Việc xây dựng những cơ sở lưu trú cần tuân thủ đúng quy định, không phá vỡ cảnh quan môi trường xung quanh...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Thủy