Biến đổi khí hậu

Bình Sơn (Quảng Ngãi): Ưu tiên các dự án ứng phó BĐKH đảm bảo an toàn cho người dân

Lan Anh 11/09/2024 - 20:52

Bình Sơn là địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thời tiết cực đoan và triều cường xâm thực. Để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), những năm qua huyện Bình Sơn đã chủ động triển khai đồng loạt các giải pháp, trong đó ưu tiên đề xuất các công trình, dự án thích ứng BĐKH nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, đảm bảo an toàn cho người dân địa phương.

PV Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Bình Sơn để hiểu rõ hơn về vấn đề này:

h1.jpg
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng Phòng TN&MT huyện Bình Sơn

PV: Thưa ông, các hiện tượng thời tiết cực đoan như biển xâm thực, bão lũ,…đã gây những hậu quả như thế nào đối với huyện Bình Sơn trong những năm gần đây?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Bình Sơn là địa phương có bờ biển dài, thường xuyên chịu tác động của BĐKH với các sự bất thường của thời tiết, khí hậu và thiên tai. Mùa mưa thì ngập lụt, mùa nắng thì tình trạng hạn hán xảy ra nhiều địa phương. Bờ biển ở một số khu vực còn xảy ra tình trạng sạt lở, đe dọa đến các khu dân cư sinh sống, ảnh hưởng đến kinh doanh khu du lịch và phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh.

Cụ thể năm 2023, huyện Bình Sơn chịu ảnh hưởng của 2 đợt mưa lũ và 1 đợt mưa to kéo dài, gây thiệt hại về tài sản với tổng kinh phí ước tính khoảng hơn 8 tỷ đồng. Trong đó, mưa lũ đã làm sạt lở nghiêm trọng bờ sông Trà Bồng địa qua các xã Bình Minh, Bình Chương và Bình Dương, ảnh hưởng trực tiếp đến 35 hộ dân với hơn 100 nhân khẩu.

h2.jpg
Triều cường gây sạt lở ở bờ biển thôn Châu Me (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn)

Ngoài ra, thời tiết cực đoan như mưa lớn khác thường, mưa lạnh kéo dài cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của người dân. Tính riêng vụ Đông Xuân 2023-2024, hàng ngàn hecta lúa, cây màu của địa phương đã bị hư hỏng, thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Đồng thời, do ảnh hưởng thời tiết xấu trên biển, sóng mạnh đã đánh chìm hoàn toàn 3 tàu cá của ngư dân xã Bình Châu gây thiệt hại khoảng 6 tỷ đồng.

PV: Trước tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường như trên, huyện Bình Sơn đã triển khai các hành động cũng như các dự án, công trình nào để giúp người dân thích ứng an toàn với sạt lở, xâm nhập mặn thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Trước tình hình thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, huyện Bình Sơn đã triển khai công tác ứng phó với BĐKH gắn liền với công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm, cứu nạn, phòng chống cháy rừng, xây dựng khu tái định cư để di dời các hộ dân có nguy cơ cao ở vùng sạt lở ven biển, xây dựng và sửa chữa hệ thống kênh mương, đê kè tiêu, thoát lũ, chống sạt lở.

h3.jpg
Kè chống sạt lở bờ biển thôn Phước Thiện, An Cường hoàn thiện góp phần bảo vệ an toàn cho người dân nơi đây mỗi mùa mưa bão

Cụ thể như địa phương đã ưu tiên đề xuất các dự án, công trình và được UBND tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng như Khu tái định cư thôn Phước Thiện; Kè chống sạt lở hạ lưu sông Trà Bồng; Kè chống sạt lở và bảo vệ bờ biển thôn An Cường, xã Bình Hải, kè Mỏ Hàn xã Bình Thới, Bình Dương; Kè chống sạt lở đèo Thọ An; Nhà tránh lũ cộng đồng ở xã Bình Nguyên; Trạm cảnh báo động đất, sóng thần xã Bình Chánh; Kè chống sạt lở sông Trà Bồng (Bình Dương-Thị trấn Châu Ổ); Kè chống sạt lở Núi Châu Má, thị trấn Châu Ổ; Kè chống sạt lở các thôn Phước Thiện, Phước Thiện 1, Phước Thiện 2, Thanh Thủy, An Cường, xã Bình Hải; Kè thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị; Kè chống sạt lở thôn Lệ Thuỷ, xã Bình Trị; Kè chống sạt lở thôn Đông Yên 2, xã Bình Dương và đang triển khai Kè chống sạt lở Bình Minh, Bình Chương…. Những dự án chống sạt lở bờ sông, bờ biển hoàn thành đã giúp người dân yên tâm sinh sống và sản xuất.

Đối với việc xâm nhập mặn thì đã được đầu tư tỉnh đầu tư các đê ngăn mặn tại các xã Bình Dương, Bình Phước, Bình Nguyên... góp phần giảm đáng kể thiệt hại về người và tài sản.

PV: Thời gian tới, địa phương tiếp tục có những giải pháp, nhiệm vụ gì đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân, thích ứng BĐKH? Nhất là thời điểm trước mùa mưa bão năm nay thưa ông?

Ông Nguyễn Minh Hoàng: Trước thời tiết cực đoan và thiên tai có thể xảy ra bất cứ lúc nào, huyện Bình Sơn đã xác định công tác phòng và tìm kiếm cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên nhằm ứng phó với BĐKH. Đến nay, địa phương đã thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) và Giảm nhẹ thiên tai từ cấp huyện đến cấp cơ sở, xây dựng phương án phòng chống lụt bão, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ trong các hành động theo phương châm “4 tại chỗ”.

h4.jpg
Rừng ngập mặn Bàu Cá Cái được hồi sinh và mở rộng đã tạo thêm sinh kế và giảm nhẹ thiên tai cho người dân.

Đồng thời yêu cầu Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống thiên tai. Thường xuyên rà soát, cập nhật, bổ sung các phương án, kế hoạch, nhiệm vụ phòng, chống thiên tai hàng năm với các tình huống cực đoan, bất lợi nhất của thời tiết nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đồng thời chủ động công tác cứu hộ, cứu nạn trước, trong và sau thiên tai.

Chủ động công tác di dời dân vùng nguy cơ cao ảnh hưởng thiên tai đến nơi an toàn trong mùa mưa bão, đặc biệt đã có sự phối hợp của chính quyền địa phương và doanh nghiệp trong công tác di dời dân phòng tránh bão mạnh, siêu bão và lũ lớn, lũ đặc biệt lớn góp phần giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tính mạng của nhân dân do thiên tai gây ra.

Cơ quan chức năng còn hướng dẫn người dân ứng dụng công nghệ mới thích ứng BĐKH trong phát triển nông nghiệp; Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, sản xuất nông nghiệp thích ứng với BĐKH….

Nhiều địa phương trong huyện cũng đẩy mạnh công tác trồng rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn, bảo vệ không gian thoát lũ trên các lưu vực sông. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, tổ chức tập huấn công tác phòng tránh ứng phó với BĐKH bất ngờ diễn ra.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lan Anh