Tin tức

Yên Bái: Thiệt hại đến 10/9 ước tính gần 200 tỷ đồng, hàng ngàn người phải di dời

Thanh Ngà - Ngọc Châu 11/09/2024 - 10:03

(TN&MT) - Lũ lụt và sạt lở đất tại Yên Bái đã gây ra những thiệt hại vô cùng nghiêm trọng về người, nhà cửa, cơ sở hạ tầng và nông nghiệp. Theo báo cáo từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, tình hình thiệt hại được thống kê đến ngày 10/9/2024 vô cùng đáng lo ngại với tổng thiệt hại ước tính lên đến 195 tỷ đồng.

lusongthao_kvyb.jpg
Lũ trên sông Thao tại Yên Bái vẫn đang tiếp tục lên. Ảnh: yenbai.gov.vn

41 người thiệt mạng và mất tích, di dời 11.400 hộ dân

Lũ lụt và sạt lở đất đã cướp đi sinh mạng của 41 người, trong đó có 37 người tử vong do sạt lở đất tại các khu vực Thành phố Yên Bái, Trấn Yên, Lục Yên, Văn Chấn và Văn Yên. Thêm vào đó, một người đã thiệt mạng do ngập lũ tại huyện Trấn Yên, cùng với 3 người mất tích tại Lục Yên. Số người bị thương lên tới 17 người, trong đó thành phố Yên Bái ghi nhận 4 người, Lục Yên 6 người, Văn Yên 3 người và Yên Bình 1 người.

Tổng cộng 22.365 ngôi nhà đã bị ảnh hưởng bởi thiên tai, trong đó có 102 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Các huyện chịu ảnh hưởng nặng nhất bao gồm Lục Yên, Văn Yên, Yên Bình và Trạm Tấu. Thêm vào đó, 74 ngôi nhà bị hư hỏng nặng, hơn 800 ngôi nhà bị sạt lở, taluy đe dọa và hơn 21.000 nhà bị ngập nước, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân. Công tác di dời khẩn cấp đã được thực hiện, với 11.396 hộ gia đình phải rời bỏ nhà cửa để đảm bảo an toàn, trong đó huyện Trấn Yên chiếm tới 4.317 hộ.

Thiên tai đã tàn phá diện tích cây trồng trên toàn tỉnh, tổng diện tích bị thiệt hại lên tới 4.770ha. Trong đó, 2.873 ha diện tích lúa bị thiệt hại, 937 ha ngô và rau màu cùng với 876 ha cây công nghiệp, 82 ha cây lâm nghiệp bị thiệt hại nghiêm trọng. 10.512 con gia cầm và 15 con gia súc bị chết. Ngành thủy sản cũng không thoát khỏi thiệt hại khi diện tích nuôi cá bị lũ tràn qua và phá hủy lên tới 169,28 ha…

ho-tro-dan-992024.jpg
Người dân được các lực lượng chức năng hỗ trợ, di dời ra khỏi vùng nguy hiểm. Ảnh: yenbai.gov.vn

Sạt lở nhiều vị trí khiến một số xã bị cô lập

Hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng với hàng trăm điểm sạt lở taluy dương và taluy âm. Các tuyến quốc lộ như Quốc lộ 32, Quốc lộ 37 và Quốc lộ 2D bị sạt lở và tắc đường tại nhiều vị trí. Trong khi đó, các tuyến tỉnh lộ cũng gặp phải tình trạng tương tự, đặc biệt là đường tỉnh 174, 175B và 164, nơi nhiều điểm sạt lở vẫn đang được khắc phục.

Tại huyện Trạm Tấu và Văn Chấn, nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị sạt lở, cùng với việc sập và cuốn trôi nhiều cây cầu. Các xã Tà Xi Láng, Bản Mù và Làng Nhì đặc biệt bị cô lập do tình trạng này, gây khó khăn lớn trong công tác cứu trợ và khắc phục hậu quả.

Ngoài ra, hơn 30 trường học và công sở bị ngập úng, gây gián đoạn nghiêm trọng cho các hoạt động giáo dục và công việc công cộng.

Ngành điện cũng chịu ảnh hưởng lớn với 2 cột cao, trung áp bị đổ và 9 cột khác bị nghiêng do sạt lở. Thêm vào đó, hơn 1.230 mét dây điện bị đứt, cùng với nhiều bộ xà đỡ và chuỗi sứ bị hỏng. Lưới điện hạ áp cũng bị thiệt hại với 35 cột bị nghiêng, rạn nứt và 29 cột bị đổ, gãy.

Hệ thống thông tin liên lạc gặp sự cố lớn khi 128 trạm thu phát sóng di động BTS bị ảnh hưởng, trong đó 107 trạm đã được khôi phục. Tuy nhiên, vẫn còn 21 trạm chưa hoạt động trở lại. Ngoài ra, 2 tuyến cáp quang nội tỉnh bị gián đoạn và hiện tại vẫn còn tuyến cáp quang Nghĩa Lộ - Trạm Tấu chưa được khắc phục.

dichuyentaisan_vy.jpg
Lực lượng xung kích địa phương giúp dân di chuyển tài sản. Ảnh: yenbai.gov.vn

Trước tình hình khẩn cấp, lực lượng cứu trợ bao gồm hơn 10.850 người, trong đó có 199 bộ đội, 1.328 dân quân và hơn 9.300 người thuộc các lực lượng khác đã được huy động để tham gia công tác khắc phục hậu quả. Hàng trăm phương tiện chuyên dụng đã được điều động để tiến hành cứu hộ và khắc phục các điểm sạt lở, ngập lụt trên toàn tỉnh.

Chính quyền đã nhanh chóng thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các gia đình có người thiệt mạng, bị thương hoặc mất nhà cửa do mưa lũ. Các hộ dân sống trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ quét được di dời, đồng thời tìm quỹ đất để xây dựng nhà mới, giúp họ sớm ổn định cuộc sống.

Lực lượng chức năng tiếp tục theo sát diễn biến thời tiết, đưa ra cảnh báo kịp thời và cấm người dân di chuyển qua khu vực nguy hiểm. Khẩn trương khắc phục hạ tầng giao thông, thủy lợi và nguồn cung cấp điện, nước. Công tác cứu trợ được tổ chức công khai, minh bạch, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

Mặc dù công tác cứu trợ và khắc phục đang được triển khai quyết liệt, nhưng tình trạng thiệt hại tại Yên Bái vẫn vô cùng nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền và người dân trên toàn quốc nhằm chung tay giúp đỡ người dân Yên Bái vượt qua khó khăn sau thảm họa.

Thanh Ngà - Ngọc Châu