E-magazine: Mang rác về bờ để mang cá về bờ

Môi trường - Ngày đăng : 20:40, 10/09/2024

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nếu không có sự quản lý, kiểm soát, rác thải nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cá vào năm 2050. Chính vì vậy, việc quản lý rác thải nhựa đại dương được cả thế giới và Việt Nam rất quan tâm. Tại Bình Định, mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá đang được triển khai thực hiện và bước đầu đem lại hiệu quả.
e-magazine1(1).jpg

Theo khuyến cáo của các nhà khoa học, nếu không có sự quản lý, kiểm soát, rác thải nhựa trên đại dương sẽ nhiều hơn cá vào năm 2050. Chính vì vậy, việc quản lý rác thải nhựa đại dương được cả thế giới và Việt Nam rất quan tâm. Tại Bình Định, mô hình quản lý rác thải nhựa trên tàu cá đang được triển khai thực hiện và bước đầu đem lại hiệu quả.

e-magazineb1(1).jpg

Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia thải nhựa ra đại dương nhiều nhất thế giới, đặc biệt là các địa phương ven biển, rác thải nhựa từ các hoạt động thủy sản góp phần không nhỏ trong vấn đề này.

Bình Định là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ với diện tích tự nhiên khá lớn, có điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển với 134km bờ biển và vùng lãnh hải rộng 36.000km2. Là một trong những tỉnh có đội tàu cá lớn trên cả nước, với gần 6.000 tàu cá có chiều dài từ 6m trở lên, hơn 3.200 tàu khai thác hải sản vùng khơi, khoảng 45.000 thuyền viên làm nghề đánh bắt thủy sản với các nghề chính là câu cá ngừ, mành mực, vây ánh sáng, lưới rê...Kinh tế thủy sản có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh đạt bình quân 145 triệu USD/năm. Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được thì các hoạt động thủy sản cũng phát sinh một lượng lớn chất thải nhựa gây ô nhiễm môi trường và nguồn lợi thủy sản.

1(5).jpg

Ông Nguyễn Văn Luyến, chủ tàu cá BĐ-99028-TS làm nghề lưới vây ở phường Trần Phú cho biết, để cung cấp lương thực thực phẩm cho các thuyền viên sử dụng trong 1 chuyến biển kéo dài từ 15 - 20 ngày, tàu của ông phải chuẩn bị từ 8 - 10 thùng mì tôm, 300 chai nước lọc (loại chai 1,5 lít), 10 thùng bia và 7 thùng nước ngọt. Vào mùa hè, các thực phẩm này đều được dùng hết trong chuyến biển, vào mùa mưa thì khoảng 80%. Một số tàu cá khác cũng cho số liệu tương tự. Dựa trên những phép tính cơ bản, chúng tôi đã tính được lượng rác thải sinh hoạt do một tàu cá thải ra bình quân khoảng 14kg rác các loại/chuyến biển. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, hầu hết các loại rác thải được tạo ra trong quá trình sinh hoạt của ngư dân đều nằm lại dưới biển. Ông Luyến cho biết thêm, trước khi có mô hình thu gom rác thải trên tàu cá, nhận thức của ngư dân về bảo vệ môi trường biển và đại dương còn thấp. Bà con vứt rác xuống biển như một thói quen. Như vậy với 3.200 tàu đánh bắt xa bờ, mỗi tháng ngư dân Bình Định sẽ thải ra đại dương khoảng 48 tấn rác thải nhựa.

anh-1.jpg
Ô nhiễm rác thải tại khu vực cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: ÁI TRINH

Theo báo cáo khảo sát của Chi cục Thủy sản Bình Định vào tháng 7 năm 2023, chỉ riêng đối với cảng cá Quy Nhơn, mỗi tháng có khoảng 300 tàu cá ra vào cảng đã xả thải ra đại dương hơn 4 tấn rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni lông, vỏ gói mỳ tôm, chai dầu ăn…), 0,86 tấn nhôm lon (lon bia, lon nước ngọt) và khi vào bờ xả ra lượng bì nhựa chứa đựng, bảo quản sản phẩm thủy sản là 1,75 tấn. Đây là một con số rất đáng báo động cho tình trạng ô nhiễm môi trường biển từ hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân.

Chưa kể lượng rác từ các nơi khác theo dòng hải lưu thường xuyên tấp vào các cảng cá. Trước khu vực cảng cá Quy Nhơn, các loại rác thải sinh hoạt, chai nhựa, túi ni lông, hộp xốp bủa vây khắp nơi, cộng với nước thải từ hoạt động sơ chế cá xả thẳng ra môi trường cảng, bốc mùi hôi thối gây ô nhiễm trầm trọng.

2(2).jpg

Là địa phương có đội tàu đánh bắt lớn, những năm qua, nghề khai thác, đánh bắt hải sản của Bình Định đã có bước phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con ngư dân. Nhưng đến thời điểm này, nguồn lợi thủy sản đang có dấu hiệu cạn kiệt dần, nhiều loài có giá trị kinh tế, quý hiếm đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.

anh-3.jpg
anh-2.jpg
Đánh bắt không chọn lọc thiếu khoa học của 1 ghe giã cào ở Phù Mỹ, Bình Định.
Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản

Vừa cập cảng Quy Nhơn sau 16 ngày rong ruổi ngoài biển khơi, ông Phan Thanh Trưởng ở phường Đống Đa, TP. Quy Nhơn, chủ tàu cá BĐ 91052-TS làm nghề vây rút chì, đang cùng các thuyền viên chuyển cá từ tàu lên bờ, buồn rầu chia sẻ “so với những năm trước đây sản lượng khai thác thủy sản ngày càng thấp. Làm ăn theo tháng theo mùa, khi có khi không, nhiều khi lỗ tổn; khi trúng thì lương 8 - 10 triệu/tháng nhưng lúc thất bát bạn thuyền xin ứng 500 nghìn đồng cũng không có để đưa. Tàu của tôi có 12 thuyền viên đã làm việc cùng nhau nhiều năm, làm ăn cũng được nên bạn thuyền còn gắn bó, chứ giờ đang thiếu lao động đi biển, chỉ cần 1 - 2 chuyến biển thất bại là bạn thuyền bỏ sang thuyền khác ngay”.

Vừa là chủ tàu, vừa là thuyền trưởng tàu câu cá ngừ đại dương BĐ 98442-TS, ông Hồ Thanh Tân ở phường Tam Quan Bắc, TX. Hoài Nhơn chia sẻ nghề biển là nghề vất vả, thời tiết sóng gió, không biết mỗi năm ra biển được bao nhiêu ngày, giá cá, giá xăng dầu mấy năm nay bất ổn…trong khi sản lượng đánh bắt không được là bao.

Đồng quan điểm trên, ông Luyến cho biết đã làm nghề cá được gần 30 năm, “ngày xưa cá rất nhiều với đủ loại cá nục bông, cá lồng, cá dời, cá đỏ đuôi, cá sứa ... Tuy nhiên không hiểu sao các loài cá đó hiện nay rất ít thấy ở biển Việt Nam”. Ông cũng cho biết thêm, tàu của ông ra khơi từ tháng 1 năm nay nhưng các tháng tiếp theo không có cá, chủ yếu là cá nhỏ nên đến tháng 6 tàu của ông mới đi khai thác lại. Vì theo ông, “đối với cá lớn 1.000 con tôi khai thác được 1 tấn cá, thì trong mùa cá con, tàu tôi phải khai thác 5.000 con cá như vậy mới đủ 1 tấn. Mà cá quá nhỏ ăn không ngon, chưa kể tàu đi biển dài ngày, chỉ bảo quản theo kiểu truyền thống bằng đá lạnh nên khi vào cá không còn tươi, lỗ tổn là thường xuyên. Nhiều khi dân họ vẫn đi biển vì họ lấy tiền dầu từ chính sách hỗ trợ khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ để bù lại thôi, chứ thực ra đi đánh bắt hiện nay không có lãi. Mặc dù thời gian ở nhà, không có thu nhập, gia đình tôi cũng rất khó khăn”.

anh-5..jpg
Các loại cá nhỏ: cá róc, cá phèn, cá dò có kích thước nhỏ cũng bị khai thác tại xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn chỉ làm mắm, giá trị không cao. Ảnh: Viện Nghiên cứu Hải sản

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Văn Vinh, Phó Chi trưởng Chi cục Thủy sản Bình Định cho biết, suy giảm nguồn lợi thủy sản có nhiều nguyên nhân, do khai thác quá mức trong thời gian dài, sự suy thoái nghiêm trọng hệ sinh thái gần bờ (rạn san hô, rừng ngập mặn, tảo biển…). Không chỉ vậy, một số người còn sử dụng các ngư cụ và hình thức đánh bắt trái phép, bị cấm như nghề lưới kéo, nghề lồng xếp, nghề cào đáy bằng khung sắt có kết hợp với tàu, máy kéo, bơm thổi (cào lươn, cào nhuyễn thể, banh lông) tại vùng ven bờ và vùng nước nội địa, sử dụng lưới có mắt quá nhỏ. Thậm chí, một số người còn sử dụng thuốc nổ, đèn pha công suất lớn; đáy, xăm, chấn, xiệp, xịch, te, xẻo kết hợp với tàu có gắn động cơ, thuốc độc xyanua để đánh bắt hải sản. Ngoài ra, nhiều loài thủy sản bị đánh bắt vào mùa đẻ trứng - cách đánh bắt tận diệt này ảnh hưởng lớn đến chất lượng và số lượng các thế hệ thủy sản mới.

5(1).jpg
Cá dìa nhỏ có kích thước 3-4 cm được bày bán tại chợ Nhơn Lý. Ảnh: ÁI TRINH

Thêm vào đó là vấn đề ô nhiễm môi trường biển với rác thải nhựa đã góp phần làm suy giảm sản lượng đánh bắt cá, đồng thời, đẩy các luồng cá càng ngày càng xa bờ khiến việc đánh bắt khó khăn hơn, nhất là các tàu cá ven bờ. Nghề biển vốn là một nghề vất vả và lắm rủi ro hơn thì nay chính ngư dân do sự thiếu hiểu biết đã làm cho nghề này thêm phần nhọc nhằn và khó khăn gấp bội. Đã đến lúc ngư dân cần thay đổi nhận thức của mình và chung tay bảo vệ đại dương.

4(2).jpg

Bài: NGUYỄN THỊ ÁI TRINH
Chi cục Thủy sản Bình Định,110 Trần Hưng Đạo,
TP. Quy Nhơn, Bình Định

Trình bày: TÙNG QUÂN

3(1).jpg

Bài: Ái Trinh - Trình bày: Tùng Quân