Xã hội

Nam Định: Tập trung nhiều phương án ứng phó với hoàn lưu bão Yagi

Hoài Thu 09/09/2024 - 22:11

(TN&MT) - UBND tỉnh Nam Định vừa ra Công điện số 25/CĐ-UBND yêu cầu các địa phương, Sở, ngành thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong tập trung ứng phó với hoàn lưu bão số 3 Yagi.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, cơn bão số 3 Yagi được cho là cơn bão có sức ảnh hưởng mạnh nhất tới 5 tỉnh từ Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình. Gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 9, cấp 11, giật cấp 13. Do ảnh hưởng từ cơn bão số 3, ngày 9/9, trên địa bàn tỉnh Nam Định có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 – 200mm, có nơi trên 300mm .

bao-so-1-do-bo-vao-thai-binh-nam-dinh-gio-giat-cap-13.jpeg
Bão Yagi đổ bộ vào địa bàn tỉnh Nam Định

Trong đó, lượng mưa trung bình trong thời gian bão gần 200mm, cao nhất tại huyện Giao Thuỷ 360mm. Mực nước trên sông Đào tại trạm thuỷ văn Nam Định 2,60m; mức nước trên sông Ninh Cơ tại trạm thuỷ văn Trực Phương 2,40m, tại trạm thuỷ văn Phú Lễ 2,10m (lớn hơn Báo động 1 0,10m).

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Nam Định, tính đến thời điểm hiện tại, thiệt hại về bão gây ra về người là không có, tuy nhiên, thiệt hại về nông, lâm nghiệp đã ghi nhận: 5.600 ha lúa bị ảnh hưởng (8% diện tích); 230 ha cây hoa màu, 130 ha cây ngô hè thu bị hư hỏng; 20 ha nuôi cá da trơn, 220 ha nuôi tôm thâm canh bị tác động.

Về hạ tầng đô thị, nông thôn và điện chiếu sáng: Hàng nghìn cây bóng mát gãy đổ, 15 cột điện hạ thế bị đổ, hệ thống đường điện liên quan cùng nhiều biển báo, biển chỉ dẫn bị bay tốc,…

Do diễn biến phức tạp và mức độ rủi ro thiên tai lớn từ bão Yagi, để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn do ảnh hưởng của bão, cũng như nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân; UBND tỉnh Nam Định đã ra công điện, yêu cầu, chỉ đạo các địa phương, các Sở, ngành, các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (MTV) khai thác công trình thuỷ lợi, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ ứng phó với bão.

Đối với TP. Nam Định, cần khẩn trương rà soát các giải pháp ứng phó với thiên tai tại những khu vực nhà không an toàn và tổ chức di dời người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm.

Các huyện, xã trực thuộc cần trực tiếp phân công lãnh đạo, cán bộ xuống các địa bàn trọng điểm để chỉ đạo, triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, trong đó: Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình cơn bão để nhân dân biết kế hoạch phòng ngừa, chủ động chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các công trình cao tầng, cột điện, cột thu phát sóng viễn thông, truyền hình, tháo dỡ biển hiệu quảng cáo, cắt tỉa cành cây,… để bảo vệ đường điện và các công trình khu vực xung quanh tán cây, triển khai các phương án tiêu thoát nước đô thị.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát đảm bảo an toàn các phương tiện vận tải đường thủy, các bến đò ngang sông; tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình và duy trì sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, thực hiện phương châm "4 tại chỗ" để chủ động phòng tránh, khắc phục kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.

Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, tàu thuyền tại nơi tránh trú, khu vực có nguy cơ ngập sâu do sóng lớn, nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở không bảo đảm an toàn; kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn.

Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn; bố trí lực lượng thường trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý kịp thời mọi tình huống có thể xảy ra. Khi có thiên tai xảy ra, chủ động huy động lực lượng, phương tiện và sử dụng ngân sách dự phòng theo phân cấp hỗ trợ khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân…

Các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để xử lý khi có tình huống thiên tai xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Các địa phương chủ động khắc phục kịp thời sự cố, đảm bảo giao thông trên trục chính và đảm bảo an toàn đối với khu khai thác khoáng sản, công trình đang thi công, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn nhằm tổ chức ứng cứu kịp thời khi có yêu cầu.

bao-060924-4.jpeg
Tập trung nhiều phương án ứng phó khẩn cấp với bão Yagi

Đặc biệt, các ngành chức năng tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người, phương tiện qua 3 lại nếu không bảo đảm an toàn..

Qua đó, để đảm bảo các phương án sẵn sàng chống úng, ngập, bảo vệ lúa và hoa màu, UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo quy định, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi cùng các cơ quan chuyên môn phối hợp thực hiện các phương án: Khẩn trương thu hoạch những diện tích rau, màu đã đến thời kỳ thu hoạch. Chuẩn bị đủ lượng và chủng loại hạt giống rau để sẵn sàng gieo trồng lại rau màu phòng mưa lớn gây khan hiếm nguồn cung rau.

Chủ động các biện pháp phòng chống úng, ngập: Khẩn trương tiêu rút triệt để nước đệm trên các tuyến kênh mương, đặc biệt là những vùng trũng. Huy động các lực lượng nạo vét mương máng, khơi thông dòng chảy, chủ động phòng chống úng ngập cho lúa và hoa màu.

Lập phương án ứng phó với mưa lũ lớn, huy động tối đa mọi phương tiện máy bơm điện, bơm dầu để bơm cưỡng bức kết hợp với tháo nước nhanh khi triều xuống; ưu tiên bơm tiêu nhanh cho những diện tích úng trũng bị ngập úng nặng; chủ động tổ chức tiêu rút nước đệm; rà soát, khoanh vùng cụ thể diện tích cây trồng có nguy cơ bị ngập lụt, úng để có phương án tiêu úng phù hợp với đặc điểm địa hình, tình hình mưa và năng lực công trình.

Cùng với đó, Công ty Điện lực Nam Định cần kiểm tra, đảm bảo an toàn lưới điện để có đủ nguồn điện chất lượng tốt phục vụ công tác phòng, chống bão và phục vụ sản xuất của nhân dân trong thời gian tới.

Hoài Thu