TP. Thanh Hóa: Dân “tố” trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm nhiều năm
Trang trại ngay sát khu dân cư, tồn tại hơn 20 năm nay cũng là từng ấy năm người dân phải sống chung với ô nhiễm. Hệ thống xử lý nước thải, chất thải không có, bể biogas thì không hoạt động... Nhiều người dân đặt câu hỏi: Vì lý do gì mà trang trại chăn nuôi này trong nhiều năm mà không bị đình chỉ hoạt động?
Người dân khu phố Nam Sơn, phường An Hưng, TP Thanh Hóa đang hằng ngày sống trong bầu không khí ô nhiễm do chất thải ra từ trang trại chăn nuôi của hộ gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ. Tình trạng ô nhiễm môi trường trên vẫn tiếp diễn trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Chính quyền đã kiểm tra rất nhiều lần, nhưng chỉ dừng lại ở lập biên bản, nhắc nhở.
Dẫn chúng tôi đi mục sở thị trang trại gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ, bác Hồ Tiến Thành, 74 tuổi (sống đối diện trang trại) bức xúc nói: Trang trại được xây dựng và đi vào hoạt động từ năm 2004, từ đó tới nay cũng là ngần ấy năm người dân phải chung sống với mùi phân lợn, phân bò. Gặp khi chuyển trời, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Trước đây khi mới hoạt động trang trại có xây dựng bể biogas nhưng chỉ được ít năm là không còn sức chứa. Sau đó, phân thì được phơi rồi mang đi bán, còn nước thải sau khi rửa chuồng thì thải luôn xuống ao trong khuôn viên trang trại.
Theo quan sát của phóng viên, trang trại của gia đình ông Nguyễn Hữu Thọ nằm sát khu dân cư, chỉ cách các hộ dân một bức tường. Bên trong hệ thống chuồng trại đã cũ, phía sau có một ao tù, màu nước đen ngòm, có váng phân đen kịt.
Được biết hiện tại trang trại của ông Nguyễn Hữu Thọ chủ yếu nuôi bò thịt, dê và lợn. Người dân phản ánh mùi hôi thối chủ yếu vào sáng sớm khi đuổi bò đi chăn và vào những lúc rửa chuồng. Những hộ dân sống gần trang trại đều rất bức xúc khi được hỏi về tình trạng ô nhiễm ở đây. Đã nhiều lần người dân làm đơn gửi đi các cơ quan chức năng, nhưng sau khi kiểm tra tình trạng ô nhiễm vẫn không được khắc phục.
Bác Lê Đình Thìn, 80 tuổi, cách trang trại 20 mét cho biết: Các hộ dân đều ở từ đời cha ông, không hiểu vì sao chính quyền vẫn cấp trang trại sát khu dân cư như thế được. Trang trại bắt đầu nuôi từ năm 2004, tôi được biết năm 2006 thì được cấp thủ tục. Nhiều năm trôi qua, gia đình tôi và các hộ dân lân cận phải sống với mùi hôi thối từ trang trại của ông Thọ gây ra.
"Chính tôi là người đã rất nhiều lần đem đơn tới đài truyền hình, phòng tài nguyên, ủy ban thành phố phản ánh. Các đoàn cũng có về kiểm tra, nhưng không có biện pháp xử lý dứt điểm. Nếu trang trại không đảm bảo các điều kiện về môi trường thì phải đình chỉ hoạt động chăn nuôi. Đằng này kiểm tra xong nhắc nhở rồi lại đâu vào đấy thôi", Bác Thìn ngao ngán nói.
Trao đổi với chúng tôi bà Hoàng Thị Khánh Linh, Công chức địa chính – xây dựng phường An Hưng cho biết: Trang trại của hộ ông Nguyễn Hữu Thọ có diện tích 2400 m2, ở thửa đất số 641, tờ bản đồ số 15, mục đích sử dụng là xây dựng trang trại chăn nuôi; tới năm 2026 sẽ hết hạn hợp đồng thuê đất. UBND phường năm nào cũng kiểm tra về tình trạng ô nhiễm ở đây theo phản ánh của người dân.
Khi được hỏi trang trại có xây dựng hệ thống xử lý theo cam kết bảo vệ môi trường hay không, thì bà Linh cho biết chưa tìm được hồ sơ môi trường của trang trại.
Trước thực trạng PV phản ánh ghi nhận thực tế trang trại không có hệ thống xử lý nước thải theo quy định mà chỉ thải ra ao trong khuôn viên. Vậy lý do vì sao không đình chỉ hoạt động chăn nuôi, yêu cầu khắc phục. Bà Linh cho biết UBND phường cũng đã từng phối hợp với UBND thành phố Thanh hóa kiểm tra nhưng chỉ dừng lại ở nhắc nhở, chứ không xử phạt hay đình chỉ lần nào.
Trong biên bản kiểm tra ngày 30/10/2023 của UBND phường An Hưng phối hợp với các phòng chuyên môn UBND thành phố Thanh Hóa cũng đã yêu cầu hộ ông Nguyễn Hữu Thọ thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi từ phân bò, không phơi phân trực tiếp tại trang trại không có biện pháp che chắn. Tăng cường dọn rủa chuồng nuôi, toàn bộ chất thải phải đưa về hầm biogas, không được xả thải ra môi trường.
Ngày 21 tháng 06 năm 2024 UBND phường An Hưng cũng yêu cầu ông Nguyễn Hữu Thọ làm bản cam kết về việc đảm bảo môi trường trong chăn nuôi của hộ gia đình như: Thường xuyên dọn dẹp phân gia súc, không để tràn ra sân nuôi ảnh hưởng đến môi trường xung quanh; toàn bộ chất thải dọn rửa phải được dọn dẹp hàng ngày và có hố chứa, xây nắp đậy, không được xả thải ra môi trường.
Tuy cam kết là vậy, nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược, khi tình trạng ô nhiễm không được cải thiện, người dân vẫn tiếp tục sống chung với ô nhiễm và chỉ biết chờ đợi trang trại hết hạn thuê đất vào năm 2026?!