Môi trường

Quảng Nam: Phục hồi hệ sinh thái rừng bị tổn thương

Lan Anh 09/09/2024 - 14:00

Trong giai đoạn 2011- 2020, tại Quảng Nam có hơn 100 nghìn ha rừng bị mất và suy thoái do tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác gỗ…. gây hại đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, những năm gần đây, chính quyền và người dân tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực trồng và tái tạo những cánh rừng bị tổn thương trở thành điểm sáng trong công tác bảo vệ rừng.

Hồi sinh rừng nghèo

Quảng Nam có gần 780 nghìn ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng. Rừng và đa dạng sinh học ở Quảng Nam có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ các lưu vực, chống xói mòn đất, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao khả năng thích ứng cho các cộng đồng. Tuy nhiên, áp lực về nhu cầu gỗ, lâm sản, đất sản xuất, công tác quản lý còn bất cập, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế … có thời gian các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam như “tọa độ nóng” về nạn phá rừng nguyên sinh, bẫy bắt động vật hoang đã.

trongrung1.jpg
Trồng cây bản địa tại Vườn quốc gia Sông Thanh

Từ 5 năm trở lại đây, từ nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng, các địa phương ở Quảng Nam đã trồng mới hàng trăm ha cây bản địa để giữ lại được những cánh rừng nguyên sinh, tái tạo những diện tích rừng đã mất góp phần cân bằng hệ sinh thái.

Tại Vườn quốc gia Sông Thanh, một trong những khu rừng đặc dụng lớn nhất Việt Nam, từ nguồn kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng, Ban Quản lý vườn quốc gia Sông Thanh đã tổ chức trồng lại 20 ha rừng bị mất và suy thoái bằng các loại cây bản địa như dổi ăn hạt, ươi bay. Để rừng phát triển, hơn 20 nhân viên bảo vệ rừng cắm chốt cả năm nay. Máy bơm công suất lớn, bể chứa nước hàng chục mét khối và hệ thống tưới tự động được trang bị để chăm sóc cây rừng.

trongrung2.jpg
Từ năm 2016, vườn quốc gia Sông Thanh đã trồng được hơn 400 ha rừng với các loại cây bản địa như lim, lác hoa, chòa chỉ

Ông Đinh Văn Hồng, Giám đốc Vườn quốc gia Sông Thanh (Quảng Nam) cho biết: Ngoài nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt cả vùng đệm lẫn vùng lõi vườn quốc gia, đơn vị đang tích cực cùng với người dân trồng các loại cây bản địa để phục hồi lại rừng tự nhiên bị phá.

“Từ năm 2016, vườn quốc gia Sông Thanh tiến hành trồng rừng, đến nay đã trồng được hơn 400 ha rừng với các loại cây bản địa như lim, lác hoa, chòa chỉ…. Việc trồng rừng là hết sức cấp thiết nhằm suy thoái rừng và phục hồi chức năng các hệ sinh thái rừng, từng bước giảm thiểu các nguy cơ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đang ngày càng hiện hữu”, ông Hồng chia sẻ.

trongrung4.jpg
Cây phát triển tốt, từng bước khôi phục rừng nguyên sinh

Còn tại rừng nguyên sinh ở huyện miền núi Tây Giang, cũng từ nguồn kinh phí thu được từ thủy điện, chủ rừng đã tổ chức trồng lại lim xanh, cây giổi vốn là các loài cây đặc hữu của khu vực này. Đến nay, rừng lim từ 4- 7 năm tuổi sinh trưởng rất tốt. Theo thiết kế, ở độ tuổi này thì không cần phát dọn thực bì, bón phân nhưng Ban Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang, việc chăm sóc có thể kéo dài nhiều năm.

Ông Nguyễn Văn Sinh, Giám đốc Quản lý rừng phòng hộ Tây Giang cho biết: Việc trồng rừng thay thế hoặc phục hồi lại các khu rừng nguyên sinh vốn bị tổn thương là nhiệm vụ rất quan trọng, được các ban quản lý rừng đang triển khai. Đơn vị thường xuyên theo dõi, giám sát đơn vị thi công thực hiện chăm sóc trồng rừng thay thế, rừng phòng hộ và khoanh nuôi tái sinh hàng năm.

Những kết quả tích cực

Cùng với việc khôi phục diện tích rừng bị phá, tỉnh Quảng Nam đã thực hiện cải tổ lực lượng bảo vệ rừng, thành lập lực lượng chuyên trách, tăng thù lao cho cộng đồng bảo vệ rừng. Ngoài ra, tỉnh đang triển khai đề án di dời các khu dân cư sống xen kẽ trong rừng nguyên sinh hoặc quy hoạch rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Nhờ những nỗ lực trong bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam hiện là địa phương có tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 2 của cả nước là 58,88%. Động vật hoang dã được hồi sinh, hệ sinh thái đang khôi phục.

img_1374.jpg
Quảng Nam là điểm sáng trong công tác phục hồi và bảo vệ rừng

Bà Lê Thủy Trinh, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, với lợi thế về diện tích rừng tự nhiên, công tác bảo tồn đa dạng các hệ thái rừng của địa phương đã đạt nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% diện tích rừng đặc dụng (chiếm 22% diện tích rừng tự nhiên) trên địa bàn tỉnh đã được đưa vào các khu bảo tồn. Các khu rừng tự nhiên phòng hộ đã được giao cho UBND các địa phương thực hiện quản lý rừng kết hợp quản lý đa dạng sinh học.

Nổi bật đến nay Quảng Nam đã thiết lập được 2 hành lang đa dạng sinh học kết nối 3 khu bảo tồn Sông Thanh- Sao La- Voi Nông Sơn được xác định phạm vi vào năm 2018 thông qua Dự án BBC do Bộ TN&MT chủ trì. Đây là hành lang đa dạng sinh học có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc kết nối các khu bảo tồn thành vùng rộng lớn, tạo ra tính đa dạng sinh học ngày càng cao nhờ sự giao lưu đi lại của các loài động vật hoang dã.

trongrung.jpg
Nhờ làm tốt công tác phục hồi rừng, tại Quảng Nam nhiều động vật hoang dã được hồi sinh, hệ sinh thái đang khôi phục.

Hiện nay, tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án phục hồi rừng và phát triển sinh kế tỉnh Quảng Nam giai đoạn 1 (từ tháng 7/2024 đến 12/2025) với tổng vốn viện trợ không hoàn lại hơn 44,4 tỷ đồng do Tổ chức VELUX cung cấp viện trợ thông qua Tổ chức World Wide Fund for Nature (WWF/Thụy Sĩ).

Dự án sẽ hỗ trợ phục hồi và quản lý tốt hơn 150 nghìn ha rừng tự nhiên tại 19 xã thuộc các huyện Tây Giang, Nam Giang và Đông Giang; tăng đa dạng sinh học và cải thiện một phần thu nhập cho người dân sống phụ thuộc vào rừng tại địa bàn dự án.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Toàn bộ diện tích rừng tự nhiên của tỉnh đều có nguồn kinh phí để thực hiện quản lý, bảo vệ rừng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Cộng đồng được giao khoán bảo vệ rừng và có trách nhiệm hơn đối với khu vực rừng được giao khoán, bảo vệ. Các thôn làng còn giao cho nhau trông coi, cử người trực để khi có sự cố cháy, kể cả nhỏ là báo động, tất cả người dân tham gia chữa cháy. Nhờ đó những cánh rừng trên địa bàn tỉnh ngày càng xanh tốt, tình trạng cháy rừng hay chặt phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản….giảm đáng kể..

“Chúng ta bảo vệ rừng thì môi trường không bị tàn phá, hơn nữa là tình trạng sạt lở không còn. Nhiều cộng đồng dân cư phát triển theo mô hình này, đem lại cho chúng tôi nhiều cánh rừng nguyên sinh”.

Lan Anh