Đưa xơ mướp “đi Tây”, thu về đô la
Trái mướp ở xứ Quảng giờ không còn bèo bọt trên sạp rau chợ và bị giễu “nghèo như xơ mướp” mà đã được chị Võ Thị Ngọc Thư ở phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng “biến hóa” trở thành sản phẩm handmade thân thiện môi trường xuất ngoại sang Mỹ, Úc, Canada để thu về đô la.
Tạo giá trị mới cho xơ mướp
Từng có một công việc mà nhiều người mơ ước là giảng viên trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Đà Nẵng, thế nhưng chị Võ Thị Anh Thư lại quyết định chuyển qua khởi nghiệp với xơ mướp.
Chị Thư kể, trong một lần đi siêu thị, chị tình cờ nhìn thấy những sản phẩm làm từ xơ mướp với giá rất cao, thân thiện với môi trường lại còn được nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, ở Quảng Nam quê chị thì mọi người chỉ thu hoạch mướp non để ăn hoặc bán, quả già thì lấy hạt làm giống, xơ mướp thường vứt đi, không có giá trị gì. Đây là động lực để chị Thư hình thành và phát triển ý tưởng xây dựng dự án “Xơ mướp thủ công mộc xơ- Sản phẩm từ thiên nhiên” (gọi tắt là Mộc xơ).
Năm 2022, chị Thu bắt đầu hợp tác với nông dân tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) để trồng khoảng 0,5 ha mướp, với hai vụ mỗi năm. Trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, chị gặp không ít khó khăn do giống mướp không đáp ứng yêu cầu để làm xơ.
“Nghĩ thì đơn giản nhưng bắt tay vào làm gian nan lắm. Không phải giống mướp nào cũng có thể lấy xơ làm thành sản phẩm được. Có xơ mướp rồi để làm nên một sản phẩm cũng không hề đơn giản. Tôi đã mất nửa năm để có thể làm ra sản phẩm đầu tiên và mất cả năm trời mới tối ưu được toàn bộ quy trình làm ra sản phẩm, không biết đã bỏ đi bao nhiêu trái mướp nữa”, chị Thư cho hay.
Theo chị Thư, để xơ mướp đạt tiêu chuẩn, quả mướp cần được thu hoạch sau 3,5 – 4 tháng, với yêu cầu phải to, thẳng, xơ dày, trắng và không bị mốc hay ong chích. Trong thời gian gieo trồng, chị luôn theo dõi, bám sát từng quy trình gieo trồng, đảm bảo cây mướp được tưới tiêu đầy đủ để đạt chất lượng xơ tốt nhất. Trung bình mỗi tháng, các vùng sản xuất cung cấp cho xưởng từ 3000 - 4000 quả mướp để gia công.
Quả mướp sau khi thu hoạch sẽ được đưa về ngâm nước cho mềm để loại bớt nhựa và bóc tách lớp vỏ. Sau đó chuyển sang bể ngâm để loại bỏ phần thịt, rồi mang đi giặt để loại bỏ nhớt và hạt. Tiếp đến phơi khô xơ mướp để tránh ẩm, mốc. Tất cả các khâu được làm hoàn toàn thủ công, không sử dụng chất tẩy rửa. Có được nguyên liệu sạch, chị Thư đầu tư các loại máy chuyên dụng như máy may, máy ép, máy cắt xơ mướp để tạo ra sản phẩm như bông tắm, đôi dép hay chiếc túi đựng xà phòng hữu cơ…
Theo chị Thư, xơ mướp có khả năng tái chế tốt, sản phẩm có tuổi thọ cao nên tiết kiệm được chi phí. Khi sử dụng xơ mướp không chỉ giúp giảm bớt đi sự lãng phí tài nguyên nông nghiệp sẵn có trong thiên nhiên mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Đó là lợi ích thấy rõ từ việc tái chế và sử dụng sản phẩm này.
Hiện tại, cơ sở Mộc Xơ của chị Thư có hơn 20 dòng sản phẩm làm từ xơ mướp được chia thành 4 bộ, gồm: bộ sản phẩm nhà bếp, bộ sản phẩm nhà tắm, bộ sản phẩm thời trang và bộ sản phẩm trang trí nhà cửa.
Đưa xơ mướp xuất ngoại
Hai năm nay, nhiều hộ dân ở ven sông Thu Bồn (thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã kí kết hợp đồng bán sản phẩm mướp cho cơ sở của chị Thư. Từ vài sào ban đầu trồng mướp, nay diện tích được bà con mở rộng lên đến hơn 10ha của 14 hộ dân.
Ông Lê Văn Tám vui vẻ cho biết: “Trước đây gia đình tôi trồng mướp chủ yếu bán ra chợ. Giá mướp rẻ và nhu cầu thị trường bấp bênh nên chỉ trồng vài luống. Từ ngày có chị Thư kí kết bao tiêu đầu ra cho mướp, tôi mở rộng diện tích lên 2ha. Mỗi năm trồng 2 vụ, một vụ thu hoạch tầm tháng 11 âm lịch và vụ còn lại vào tháng 5 âm lịch hàng năm. Mướp được bán với giá từ 3 dến 12 ngàn/một trái, tùy kích thước trái mướp. Mỗi sào mướp cho khoảng 500 trái. Đây là nguồn thu đáng kể giúp gia đình phát triển kinh tế và an tâm canh tác”.
Chị Thư luôn hướng mục tiêu sản xuất phát triển kinh tế của mình gắn với cộng đồng. Xưởng của chị đã tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và 6 lao động làm việc tại nhà. Đa số lao động này đều là phụ nữ đơn thân, có hoàn cảnh khó khăn với mức thu nhập ổn định từ 4 đến 7 triệu đồng/người/tháng. “Tôi muốn chia sẻ để các chị em khó khăn có cơ hội vươn lên trong cuộc sống”, chị Thư nói.
Ở một góc độ khác, dự án của chị Thư đang góp phần thúc đẩy người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm thân thiện môi trường, góp phần giảm thiểu rác thải nhựa.
Sản phẩm được chị giới thiệu trên sàn thương mại điện tử với mục tiêu sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ người tiêu dùng.
“Hiện, mỗi tháng tôi xuất khẩu sang Mỹ, Canada, Úc và một số nước châu Âu khoảng 4.000 sản phẩm bông tắm và các loại. Riêng thị trường trong nước bán được khoảng 2.000 sản phẩm”, chị Thư cho biết.
Để lan tỏa ý nghĩa bảo vệ môi trường, vào tháng 6 vừa qua, chị đã đưa dự án Xơ mướp Mộc Xơ tham gia cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024” do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê tổ chức và xuất sắc giành giải nhất. Đây cũng là cơ hội để sản phẩm Mộc Xơ tiếp cận nhiều hơn với người tiêu dùng Đà Nẵng.
“Về lâu dài, tôi muốn tạo được thêm nhiều công ăn việc làm cho các chị em có hoàn cảnh khó khăn, mẹ đơn thân để chị em vươn lên trong cuộc sống. Phần khác, tạo thêm nguồn thu giúp bà con nông dân các miền quê. Tôi cũng đang nỗ lực hướng đến việc xây dựng sản phẩm đặc trưng du lịch để phục vụ du khách trong và ngoài nước cũng như tìm kiếm thêm cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài” – chị Thư chia sẻ.