Hướng dẫn an toàn trước, trong và sau lũ
(TN&MT) - Với tình hình mưa lũ phức tạp, nhiều địa phương có nguy cơ cao với lũ, ngập lụt, sạt lở đất. Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai có hướng dẫn an toàn trước, trong và sau lũ.
Hiện nay, lũ trên các sông ở Bắc Bộ đang lên nhanh. Nhiều địa phương như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang đã xảy ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng thấp. Dự báo mưa lớn vẫn còn tiếp diễn trong những ngày tới và mở rộng vùng ngập lụt, nguy cơ cao xảy ra thiệt hại về người và tài sản.
Để hướng dẫn người dân chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có những hướng dẫn cụ thể.
Đặc biệt, các cơ quan phòng chống thiên tai khuyến cao người dân tuyệt đối không đi qua các ngầm tràn, cầu, cống, khu vực ngập sâu hay có nguy cơ sạt lở; không cố vượt sông, suối khi lũ lên, nước chảy xiết. Kinh nghiệm từ những đợt mưa lũ trước đây cho thấy, phần lớn thiệt hại về người là do người dân không tuân thủ khuyến cáo của cơ quan chức năng và di chuyển qua các khu vực có nguy cơ cao, trượt ngã khiến lũ cuốn cả người và phương tiện.
Đặc biệt, người lớn trong gia đình cần căn dặn, hướng dẫn trẻ em không đi qua các khu vực nguy hiểm. Tốt nhất là tránh ra khỏi nhà trong thời gian xảy ra mưa, lũ, ngập lụt.
Những ngày tới, tình hình mưa lũ còn diễn biến rất phức tạp. Bộ Nông nghiệp và Phat triển nông thôn đề nghị Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Các địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du; thông báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân, các tổ chức có hoạt động trên sông, ven sông; cơ sở nuôi trồng thủy sản, phương tiện vận tải thủy; các bến đò ngang, đò dọc khi vận hành các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ; bố trí lực lượng thường trực để sẵn sàng vận hành điều tiết và xử lý các tình huống.