Tin tức

Bão số 3 càn quét, Vĩnh Phúc tổn thất gần 21 tỷ đồng

Ngọc Trâm 08/09/2024 - 15:15

(TN&MT) - Trước sức tàn phá mạnh mẽ của bão số 3, tỉnh Vĩnh Phúc đã chịu thiệt hại nặng nề về tài sản dù không có thiệt hại về người. Đến trưa ngày 8/9, mưa lớn và gió giật mạnh đã khiến 100 ngôi nhà bị hư hại, gần 6.500 ha lúa và hoa màu bị phá hủy, khoảng 4.000 cây xanh bị gãy đổ… ước tính tổng thiệt hại ban đầu lên đến 20,6 tỷ đồng.

Theo thống kê ban đầu, sáng ngày 8/9, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 100 ngôi nhà bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó nhiều ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng. Các điểm trường học cũng không nằm ngoài tầm tàn phá của cơn bão với 10 điểm trường bị hư hại nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc dạy và học sau bão.

08092024ungpholu01.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông chủ trì họp ở điểm cầu tỉnh Vĩnh Phúc tại hội nghị Chính phủ họp với các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 3 sáng 8/9. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Đáng lo ngại hơn, gần 6.500 ha lúa và hoa màu trên địa bàn tỉnh đã bị ngập úng và hư hại hoàn toàn, gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp của địa phương. Ngoài ra, khoảng 4.000 cây xanh bị gãy đổ do gió lớn, làm ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan đô thị và an toàn công cộng. Tại các khu công nghiệp, nhiều cành cây gãy đổ, một số khu vực bị sập tường rào, nhà xưởng của các doanh nghiệp bị tốc mái, gây gián đoạn sản xuất. Đặc biệt, đến 8h sáng ngày 8/9, vẫn còn 16 đường dây trung thế gặp sự cố chưa được khắc phục, gây mất điện trên diện rộng, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Trong đợt càn quét của bão số 3 vừa qua, tuyến Quốc lộ 2B dẫn lên khu du lịch Tam Đảo bị sạt lở nghiêm trọng tại 3 điểm lớn từ km18 đến km21. Trong đó, có 2 điểm sạt lở khiến các phương tiện không thể di chuyển qua lại, giao thông bị gián đoạn hoàn toàn.

892024tam2.jpg
Nhiều cột điện bị đổ và sạt lở bờ ta luy do bão số 3 gây ra trên tuyến đường lên Khu du lịch Tam Đảo. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Cây cối đổ rạp làm gãy nhiều cột điện, gây mất điện diện rộng từ chiều ngày 7/9 cho đến sáng ngày 8/9. Để đảm bảo an toàn cho du khách, thị trấn Tam Đảo đã tạm thời không đón khách trong giai đoạn này. Đối với những khách du lịch đã đặt phòng trước khi bão đến, chính quyền khuyến cáo không nên rời khỏi khu vực và hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời cho đến khi điều kiện thời tiết ổn định trở lại.

Ngay trong sáng ngày 08/9, UBND huyện Tam Đảo đã nhanh chóng huy động lực lượng công an, quân sự, dân quân tự vệ và kiểm lâm Vườn Quốc gia Tam Đảo cùng tham gia khắc phục hậu quả bão. Các lực lượng đã tích cực dọn dẹp cây cối bị đổ, vệ sinh lòng đường và giải phóng giao thông nhanh chóng để tuyến đường từ km13 đến trung tâm thị trấn có thể lưu thông trở lại.

892024tam1.jpg
Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Công tác khắc phục sự cố điện cũng được Chi nhánh Điện lực Tam Đảo thực hiện khẩn trương, phối hợp cùng chính quyền địa phương để sớm cấp điện lại cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Đến trưa ngày 8/9, Tam Đảo ghi nhận thiệt hại sơ bộ với 90 cây xanh bị đổ, tốc mái 33 ngôi nhà và cơ sở kinh doanh, gãy đổ 4 cột đèn, 8 biển báo giao thông và 10 biển quảng cáo, tổng thiệt hại ước tính trên 1,3 tỷ đồng.

Tại huyện Lập Thạch, bão số 3 gây ra nhiều thiệt hại nghiêm trọng với tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 900 triệu đồng. Theo thống kê, hơn 120 ha lúa đã bị gió mạnh quật đổ, ảnh hưởng đến vụ thu hoạch của nông dân. Ngoài ra, 4 ngôi nhà và gần 750m tường rào bị sập đổ, các mái ngói và tôn của trường học, trạm y tế cũng bị tốc mái. Cơn bão còn làm gãy đổ 789 cây xanh và 10 cột điện, gây ra nhiều sự cố về điện và môi trường.

Một số hộ dân sống ven sông Phó Đáy tại các xã Quang Sơn, Hợp Lý, Bắc Bình, Liễn Sơn đã phải di dời chuồng trại và vật nuôi ra khỏi khu vực nguy hiểm do mực nước sông dâng cao. Nước sông tràn vào các khu dân cư kéo theo rác thải, chất thải sinh hoạt, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn dịch bệnh. Nhiều cây trồng lâu năm và rau màu tại đây bị ngập nước từ 30 - 50cm, nhiều diện tích sản xuất bị hư hỏng nặng.

08092024danhcanhgiasong.jpg
Lực lượng chức năng huyện Lập Thạch đứng gác, chăng dây cảnh báo người dân không đi vào tuyến đường không an toàn. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Ngay sau khi bão đi qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ". Các lực lượng đã khẩn trương khắc phục những thiệt hại có thể giải quyết ngay như xử lý cây đổ, khôi phục hệ thống điện, đảm bảo an toàn giao thông và dọn dẹp môi trường. Đối với những thiệt hại nghiêm trọng hơn, các cơ quan chức năng đang tiếp tục triển khai biện pháp khắc phục để đảm bảo an toàn cho người dân trong thời gian sớm nhất.

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An cho biết, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động, kịp thời triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 3, nhờ đó thiệt hại về người không xảy ra và tổn thất về tài sản đã được giảm thiểu đáng kể. Ông Dương Văn An cũng lưu ý mưa lớn trong những ngày tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các sông lớn như sông Hồng, sông Lô và sông Phó Đáy, do đó, các đơn vị cần thường xuyên theo dõi diễn biến mực nước và có biện pháp bảo vệ hệ thống đê điều, hoa màu và khu dân cư ngoài đê.

Ông Dương Văn An cũng cảnh báo rằng mưa lớn trong những ngày tới sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến mực nước tại các sông lớn như sông Hồng, sông Lô và sông Phó Đáy. Do đó, các đơn vị cần liên tục theo dõi diễn biến mực nước và nhanh chóng triển khai các biện pháp nhằm bảo vệ hệ thống đê điều, hoa màu, cũng như khu dân cư nằm ngoài đê.

892024lo211.jpg
Công an Sông Lô hỗ trợ di chuyển người dân tránh trú bão. Ảnh: vinhphuc.gov.vn

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông yêu cầu các Sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, đặc biệt là những chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy tại các hội nghị. Đồng thời giao các đơn vị liên quan khẩn trương hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi bão, đảm bảo hỗ trợ kịp thời và đúng quy định của Trung ương. Trong trường hợp cần thiết, tỉnh sẽ xem xét việc sử dụng nguồn ngân sách dự phòng để hỗ trợ thêm cho các khu vực bị thiệt hại nặng.

Ngọc Trâm