Biến đổi khí hậu

Thanh Hóa: Chủ động ứng phó, không chủ quan trước bão số 3

Thu Thủy 07/09/2024 - 10:42

Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, các ngành chức năng, chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa đã theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của cơn bão, tổ chức kiểm tra, chuẩn bị kỹ lưỡng cho công tác phòng, chống bão, sẵn sàng phương án cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, hồi 7h ngày 7/9, vị trí tâm bão số 3 trên vùng biển vịnh Bắc Bộ; cách Quảng Ninh - Thái Bình khoảng 150km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

th1.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Giang và các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Thanh Hóa

Khu vực rủi ro thiên tai cấp 4 gồm: khu vực Bắc vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình; cấp 3 gồm: khu vực Nam vịnh Bắc Bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa.

Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; Sóng cao 2,0-4,0m. Từ ngày 7/9 đến sáng 9/9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hoá xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm.

th2.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các địa phương

Để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 3, đêm 6/9 đến sáng sớm 7/9, đồng chí Lê Đức Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh (PCTT, TKCN và PTDS) Thanh Hóa cùng các thành viên Ban chỉ đạo đã trực ban xuyên đêm theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của bão số 3.

th3.jpg
Giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không cho các tàu thuyền ra khơi trong thời gian cấm biển

Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, sáng ngày 7/9, Thiếu tướng Trần Phú Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh vừa trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại khu vực cầu Phao Vồm, phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa) và một số đơn vị Công an tỉnh. Giám đốc Công an tỉnh đã yêu cầu Ban Quản lý Cầu phao Vồm và cấp ủy, chính quyền phường Thiệu Khánh thường xuyên cập nhật tình hình, diễn biến của cơn bão số 3 và bám sát chỉ đạo của các sở, ban, ngành có liên quan để triển khai thực hiện, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện di chuyển qua cầu.

th-.jpg
Lực lượng chức năng hỗ trợ người dân di dời tài sản

Đặc biệt, khi tình hình bão số 3 có diễn biến phức tạp, lượng nước dâng cao, gây nguy hiểm cho người lưu thông qua cầu cần ra thông báo cắt cầu, không để người và phương tiện di chuyển qua cầu.

Trước đó, ngày 6/9, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập 8 đoàn công tác do các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3 trên địa bàn 16 huyện, thị xã, thành phố: Thọ Xuân, Triệu Sơn, Quảng Xương, Nghi Sơn, Hoằng Hoá, Sầm Sơn, Thiệu Hoá, Yên Định, Hà Trung, Thạch Thành, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thường Xuân, Nông Cống, Như Thanh, Như Xuân. Ban Chỉ huy PCTT, TKCN và PTDS tỉnh đã có Thông báo cấm biển trên địa bàn tỉnh từ 12 giờ ngày 6/9/2024 cho đến khi không còn ảnh hưởng của bão, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không cho các tàu thuyền ra khơi trong thời gian cấm biển. Cùng với lệnh cấm biển kể từ 12 giờ trưa 6/9, lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng chức năng cùng các địa phương ven biển tiếp tục theo dõi, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền trên biển lập tức tìm nơi tránh trú bão an toàn, kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, quản lý chặt không cho bất cứ phương tiện nào rời bến.

th4.jpg

Tính đến 6/9, thông tin từ BĐBP Thanh Hóa cho biết, tất cả 6.116 tàu thuyền/19.901 ngư dân của địa phương đánh bắt trên biển đã vào bờ tránh trú bão số 3. Trong số đó, có 5. 627 phương tiện/15.847 lao động về cố định tại các âu neo đậu tàu thuyền của tỉnh, số còn lại đang tránh bão tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh và thành phố Hải Phòng.

th6.jpg
Gió lớn đã làm đổ cây, bật gốc tại TP Thanh Hóa

Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và các chuyến bay, Cảng hàng không Thọ Xuân thông báo sẽ ngừng tiếp thu, khai thác tàu bay từ 12 - 22 giờ ngày 7/9. Các ngành, địa phương đã chuẩn bị lực lượng, phương tiện để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, một số diện tích lúa hè thu của nhân dân xã Lộc Sơn đã đến kỳ thu hoạch, tuy nhiên, do đường sá đi lại khó khăn, diện tích nhỏ lẻ nên việc huy động thu hoạch bằng máy móc gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ, bộ đội thường trực và dân quân tự vệ khẩn trương giúp đỡ nhân dân xã Lộc Sơn, huyện Hậu Lộc gặt lúa.

Trước đó, mặc dù chưa đổ bộ vào đất liền nhưng siêu báo Yagi đã bắt đầu gây mưa và gió lớn tại TP Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) khiến nhiều cây xanh gãy đổ, bật gốc. Lực lượng chức năng sau đó đã thực hiện xử lý, giải tỏa những cây bị bật gốc, gãy đổ, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân và giao thông đi lại.

Thu Thủy