Bạn đọc - Pháp luật

Nhiều mỏ đá ở Thừa Thiên - Huế dính vi phạm

Ngự Bình 06/09/2024 - 21:04

(TN&MT) - Sau khi tiến hành thanh tra, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện vi phạm, tồn tại trong hoạt động khai thác khoáng sản của nhiều mỏ đá trên địa bàn.

Ngày 6/9, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, Thanh tra Sở vừa ban hành kết luận thanh tra về việc thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động khai thác mỏ khoáng sản trên địa bàn.

Theo đó, sau khi tiến hành thanh tra, cơ quan chức năng nhận thấy các doanh nghiệp hoạt động khai thác đá, bên cạnh chấp hành các quy định của pháp luật vẫn còn nhiều vi phạm, tồn tại.

z3523481124601_e332ca9e80497d8bcd8182ad7871d54b.jpg
Nhiều mỏ đá ở Thừa Thiên - Huế còn vi phạm, tồn tại cần phải khắc phục

Cụ thể, tại mỏ đá nam Khe Ly (xã Hương Thọ, TP. Huế) của Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ và Xây dựng công trình Thừa Thiên - Huế, Thanh tra Sở cho rằng công ty này khai thác vượt quá 10 % một trong các thông số của hệ thống khai thác đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Công ty thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế không đúng quy trình và mẫu biểu theo quy định của Bộ TN&MT đối với khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp. Chậm nộp tiền ký quỹ bảo vệ môi trường 19 ngày với số tiền là 58.537.933 đồng cho kỳ ký quỹ năm 2024.

Ngoài ra, công ty sử dụng 215.853 m3 đất tầng phủ để làm đường vào mỏ, san lấp 2 bãi chứa vật liệu và mở rộng trạm nghiền sàn trong giai đoạn từ năm 2012-2020 nhưng chưa thống kê chi tiết. Việc phê duyệt trữ lượng mỏ và tính tiền cấp quyền khai thác cũng chưa đúng trữ lượng địa chất của mỏ theo báo cáo kết quả thăm dò năm 2011.

Tại mỏ đá Khe Phèn (xã Hương Thọ) của Công ty TNHH COXANO Hương Thọ, trong giai đoạn từ 2011-2019, công ty sử dụng 262.251 m3 đất tầng phủ để xây dựng hạ tầng mỏ, tràm nghiền sàn và đổ thải sử dụng cải tạo phục hồi môi trường sau này nhưng chưa được công ty thống kê chi tiết. Về trữ lượng được phép khai thác, có sự chênh lệch về trữ lượng được phép khai thác tính theo công suất khai thác hằng năm và thời gian khai thác tại các giấy phép khai thác khoáng sản so với trữ lượng khai thác theo thiết kế mỏ.

Còn tại mỏ đá Thừa Lưu (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc) của Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Lộc Điền, trong quá trình khai thác chưa thực hiện được việc cải tạo được chiều cao tầng, độ dốc sườn tầng tại khu vực gần mốc M4. Đoàn thanh tra cũng đã yêu cầu doanh nghiệp trong quá trình khai thác nổ mìn lưu ý tác động rung chấn, ảnh hưởng đến bể chứa nước của Nhà máy nước sạch Chân Mây gần khu vực đỉnh mỏ. Ngoài ra, cần có giải pháp khoa học đánh giá mức độ an toàn (thực hiện cắt tầng hay giữ nguyên hiện trạng) của khu vực có độ dốc, chênh cao lớn để đảm bảo cơ sở đóng cửa mỏ, kết thúc khai thác sau này.

Đối với mỏ đá Mỏ Diều (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc) của Công ty Cổ phần Mỏ đá Mỏ Diều, công ty chậm nộp tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản cho năm 2023 và năm 2024, chiều cao tầng chưa phù hợp để đảm bảo an toàn trong hoạt động khai thác khoáng sản. Công ty cũng chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định, chưa thực hiện thống kê khối lượng đất, bốc xúc đổ thải. Kê khai, quyết toán phí bảo vệ môi trường chưa đúng quy định, dễ dẫn đến nhầm lẫn giữa trữ lượng khai thác và đổ thải...

Được biết, việc thanh tra của Sở TN&MT như trên là thực hiện theo kế hoạch năm 2024 đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt tại Quyết định số 2993/QĐ-UBND ngày 19/12/2023 về việc ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2024.

Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các doanh nghiệp kể trên thực hiện nghiêm túc kết luận thanh tra, khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm và báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện trong thời gian quy định.

Ngự Bình