Xã hội

Pác Nặm (Bắc Kạn): Để rừng mãi thêm xanh

Đức Hải 05/09/2024 - 22:36

Trước đây, từng có thời kỳ, Bắc Kạn là điểm nóng của tình trạng phá rừng, với bạt ngàn các loại gỗ quý bị triệt hạ. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, tư duy của người dân đã thay đổi với ý thức trồng rừng để làm giàu. Những quả đồi trọc nay đã xanh tươi. Những cây keo, cây gỗ đang lớn dần trên những vùng đất trống. Điển hình là huyện Pác Nặm, đã có hơn 6.000ha rừng trồng sản xuất; trong đó trên 2.400ha đã đến tuổi khai thác, chủ yếu là cây keo, mỡ.

bkan-trong-keo.jpg
Cây keo đem lại thu nhập cho người dân

Không cho cỏ mọc, gió lùa

Trao đổi với phóng viên, Ông Nguyễn Đức Chức, Phó Hạt trưởng, Hạt Kiểm lâm huyện Pác Nặm cho biết: Theo phân công nhiệm vụ, ngoài công tác quản lý và bảo vệ rừng theo chức năng, đơn vị chúng tôi còn thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền về những lợi ích trong công tác phát triển rừng góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi thế, diện tích rừng trồng có ở cả 10/10 xã của huyện đều thực hiện tốt việc trồng rừng, tập trung nhiều là ở các xã Nghiên Loan, Bằng Thành, Bộc Bố, Cổ Linh và Cao Tân… Cũng vì vậy, mỗi khi nói đến chân dung các “chủ rừng” lớn của huyện Pác Nặm, danh sách khá dày, ông Chức chia sẻ.

bkan-trong-rung-2-.jpg

Ông Ngô Văn Lènh, người dân tộc Mông ở thôn Nặm Cáp, xã Công Bằng kể: Năm 2011, khi có Dự án 147 của Chính phủ đầu tư, nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc ở huyện Pắc Nặm, ông Lènh đã bắt đầu trồng rừng. Nằm nhà, vợ chồng ông ngẫm nghĩ, nếu chờ rừng đến ngày thu hoạch, có đến 10 năm nữa, thì có khi cả nhà ông “chết đói” rồi. Không chịu thất bại, ông đã vay mượn làm chuồng trại nuôi trâu sinh sản, chăn nuôi lợn đen, gà thả đồi... nhằm lấy ngắn nuôi dài. Được nhà nước hỗ trợ giống cây, tiền công chăm sóc nhưng bà con người Mông còn chưa tin sẽ thu được lợi ích từ trồng rừng, nên không ai dám nhận. Còn ông Lènh thì đăng ký trồng 1ha mỡ. Sau 10 năm, bán rừng: được 50 triệu. Gia đình lại tiếp tục trồng lên hơn 2ha. Và từ trồng rừng + chăn nuôi, gia đình đã thoát nghèo. Giờ toàn thôn có hơn 30/80 hộ dân trồng rừng. Nhiều hộ nhận trồng rừng dự án của huyện..

Bà Hoàng Thị Mỵ, sống ở thôn Tân Hợi chia sẻ: “Cây keo có chu kỳ khoảng 6 - 7 năm, cho thu 70 triệu đồng/ha. Vất vả 3 năm đầu, khi rừng khép tán thì nhàn. Nên bà con chuyển sang trồng rừng. Ngày nay, đường vào thôn Tân Hợi, xã An Thắng nay đã được bê tông hóa. Người dân xây nhà cửa kiên cố. Hơn 50 hộ dân tộc Mông, Dao từ chỗ “đói ăn” nay vươn lên.

trong-rung(1).jpg

Ông Lục Tiến Trung, sinh năm 1963, người Tày, có mệnh danh "vua trồng rừng” ở đất Pác Nặm chia sẻ: "Lúc đó ở thôn gia đình nào cũng nghèo lắm, chỉ làm ruộng. bà con thiếu ăn, gia đình cũng vậy". Đất rừng được cấp, nhưng bỏ hoang. Thấy vậy, ông Trung quyết định trồng cây. Năm 2004, ông Trung trồng quế, hồi. Cần cù, những cây hồi, cây quế đã vượt lên đá sỏi. Kết hợp với đội kiểm lâm Pác Nặm, ông trồng keo, mỡ… Từ đó, gia đình ông ổn định kinh tế. Bà con dân bản bắt đầu học theo. Uy tín nâng cao, bà con trìu mến gọi đùa ông là “vua trồng rừng”.

Thay đổi tư duy, làm giàu từ nghề rừng.

Trao đổi với phóng viên về công tác trồng và giữ rừng trên địa bàn huyện Pác Nặm, Ông Ma Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: Thời gian qua, huyện đã giao khoán gần 5.000ha rừng trên địa bàn 10 xã tại 59 thôn với 191 hộ và nhóm hộ tham gia bảo vệ rừng. Toàn bộ diện tích khoán khoanh nuôi, bảo vệ được các hộ dân thực hiện tương đối tốt. Còn những diện tích rừng tự nhiên chưa giao do các xã quản lý cũng có các tổ, đội tuần tra thường xuyên.

bkan-trong-rung-1-.jpg
Kiểm tra, bảo vệ rừng

Phát triển kinh tế rừng là hướng phát triển chủ đạo được Đảng bộ, chính quyền huyện Pác Nặm quan tâm nhất. Có nhiều xã có phong trào mạnh, điển hình như xã Bằng Thành. Người dân biết tổ chức sản xuất, liên kết các hộ. Hiện tại, diện tích rừng ở Bằng Thành khá lớn.

HTX Vạn Xuân ở thôn Bản Khúa, xã Bằng Thành cũng đã tổ chức trồng rừng và vận động người dân tham gia phát triển rừng. HTX hiện có 27ha rừng, chủ yếu là keo, mỡ, trong đó có 23ha đã được khai thác. Gần đây, HTX đã đưa một số cây dược liệu như hồi, quế vào trồng để nâng cao giá trị kinh tế.

Ông Lục Văn Bạn, Giám đốc HTX Vạn Xuân cho biết: "Một số diện tích trồng trước đây theo dự án HTX đã khai thác, hiện HTX đang chuẩn bị khai thác 14ha. Giá thu mua cây keo là 50 triệu đồng/ha; cây mỡ 60 - 70 triệu đồng/ha. Thu nhập từ trồng rừng đã mang về cho HTX trên 2 tỷ đồng. Thời gian tới, HTX tập trung trồng dược liệu để xuất bán phục vụ chế biến tinh dầu".

bkan-trong-rung-4-.jpg
Kiểm tra rừng

Vừa qua, UBND huyện Pác Nặm đã ban hành quyết định phê duyệt sử dụng trên 10,7 tỷ đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Năm 2022, toàn huyện đã trồng mới trên 405ha, đạt 119,22% kế hoạch, trong đó người dân tự bỏ vốn đầu tư trồng trên 177ha.

Còn mới đây, UBND tỉnh Bắc Kạn vừa có văn bản chấp thuận cho UBND huyện Pác Nặm thực hiện trồng 80 ha/163,23 ha rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Pác Nặm phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, khảo sát lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật – dự toán theo đúng quy định của pháp luật về lâm nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan; trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và thực hiện trồng rừng thay thế, chăm sóc, bảo vệ, đến khi được nghiệm thu. Ngoài ra, đối với diện tích 83,23ha/163,23 ha còn lại chưa thực hiện, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Pác Nặm tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, rà soát diện tích đất trống thuộc quy hoạch lâm nghiệp để trồng rừng thay thế theo số liệu công bố hiện trạng rừng năm 2023 và lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật – dự toán trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt trước ngày 15/8/2024.

bkan-trong-rung.jpg

Nhận định về việc trồng rừng, lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Pác Nặm cho biết: “Với nhiều cơ chế hỗ trợ cùng với những chính sách trong việc phát triển kinh tế từ trồng rừng, những năm gần đây, diện tích trồng của huyện Pác Nặm tăng cao. Nhiều diện tích rừng đã cho khai thác, từ đó tạo động lực cho sự thay đổi trong tư duy phát triển kinh tế rừng của đồng bào các dân tộc sinh sống tại địa phương, nhất là trong cộng đồng người dân tộc Mông, Dao. Từ đầu năm đến nay Pác Nặm trồng rừng vượt kế hoạch khá cao (đạt hơn 530/258ha theo kế hoạch)... Qua đó, giúp tăng độ che phủ rừng toàn huyện đạt 58%.

Sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của đồng bào các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông sống trên địa bàn huyện Pác Nặm đã cho thấy sự chuyển hướng và cách làm đúng đắn của địa phương trong việc chú trọng đẩy mạnh phát triển trồng rừng.

Đức Hải