Môi trường

Thừa Thiên – Huế: Bảo vệ môi trường biển để nâng cao đời sống cho người dân

Văn Dinh 05/09/2024 - 22:35

(TN&MT) - Thừa Thiên – Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường biển để khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh khu vực ven biển, qua đó nâng cao kinh tế biển, góp phần tạo sinh kế bền vững cho người dân. Để rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Đặng Phước Bình, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh.

hue-1.jpg
Ông Đặng Phước Bình

PV: Thời gian qua, tỉnh đã triển khai những giải pháp gì và đạt được kết quả như thế nào trong việc bảo vệ môi trường biển?

Ông Đặng Phước Bình: Thừa Thiên - Huế có bờ biển dài đến 128 km, tổng diện tích vùng biển khoảng 20.000 km2, có 5 cửa biển là Thuận An, Tư Hiền, Kiểng, Bình An và Lăng Cô. Xác định phát triển kinh tế biển thì phải đi đôi với bảo vệ môi trường, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường biển, bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững.

Cụ thể như, yêu cầu 100 % các cơ sở ven biển phải đảm bảo đầy đủ hồ sơ về môi trường (báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, đăng ký môi trường) trong quá trình hoạt động. Các cơ sở ven biển thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động liên tục phải chấp hành nghiêm túc việc thực hiện theo quy định của pháp luật và truyền dữ liệu trực tiếp 24/24 về Sở TN&MT để theo dõi, quản lý.

Tỉnh quy hoạch vùng nuôi ven biển nhỏ lẻ thành điểm nuôi tập trung, bố trí hệ thống thu gom, xử lý lắng lọc nước thải nuôi và thải ra chung một vị trí để dễ quản lý, giám sát và đảm bảo cảnh quan đường bờ. Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở để kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, xử lý nghiêm các hành vi nhất là các hành vi xả thải không qua xử lý, xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường tiếp nhận, trong đó chú trọng đến các cơ sở ven biển, có nguồn tiếp nhận là biển.

hue-2.jpg
Thừa Thiên – Huế thường xuyên tuyên truyền đến người dân vùng ven biển về công tác bảo vệ môi trường

Thực hiện công tác tuyên truyền sâu rộng đến từng cơ sở, từng hộ gia đình cá nhân về công tác bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhựa nhất là các địa phương ven biển; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển. Triển khai đồng bộ những chương trình, phong trào về giảm phát thải nhựa, hạn chế sử dụng túi ni lông dùng 1 lần... nhân rộng các mô hình điểm, mô hình đạt kết quả tốt trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường biển nói riêng.

Ngoài ra, thường xuyên trao tặng dụng cụ túi lưới cho bà con ngư dân bám biển, Chi hội nghề cá hỗ trợ, trang bị dụng cụ lưu giữ rác thải nhựa phát sinh trong quá trình sinh hoạt, đánh bắt, hoạt động tàu thuyền trên biển, đầm phá của bà con ngư dân...

PV: Vậy, việc bảo vệ môi trường biển đã giúp người dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống như thế nào?

Ông Đặng Phước Bình: Toàn tỉnh hiện có hơn 680 tàu cá đã đăng ký trên hệ thống dữ liệu quốc gia, trong đó tàu từ 15 m trở lên là 430 chiếc và đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Số lượng thuyền nan truyền thống công suất nhỏ hoạt động khai thác hải sản bãi ngang ven bờ khoảng 1.400 chiếc. Ngư trường khai thác hải sản của ngư dân Thừa Thiên - Huế hoạt động chủ yếu từ vĩ tuyến 140 Bắc lên đến vịnh Bắc Bộ và ranh giới ngoài của vùng biển Việt Nam. Nghề biển đã tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho hơn 10.000 hộ gia đình với hơn 21.000 lao động, trong đó lao động khai thác hải sản xa bờ khoảng 5.000 người. Năm 2023, tổng sản lượng thủy sản của tỉnh ước đạt 61.000 tấn.

Trong khi đó, qua công tác quản lý và thường xuyên giám sát chất lượng môi trường biển cho thấy, nhìn chung chất lượng nước biển ven bờ vẫn đang có chất lượng ổn định, đạt chất lượng tương đối tốt, luôn đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ở khu vực ven biển đã đi vào nề nếp và luôn nêu cao công tác bảo vệ môi trường đi liền với sản xuất và lợi ích kinh tế.

hue-3.jpg
Người dân sống ở ven biển luôn nêu cao công tác bảo vệ môi trường đi liền với sản xuất và lợi ích kinh tế

PV: Những khó khăn nào đang tồn tại trong việc bảo vệ môi trường biển của tỉnh?

Ông Đặng Phước Bình: Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới, nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường nhưng quá trình triển khai thực hiện các quy định của luật còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Quy hoạch không gian biển quốc gia; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ Trung ương chưa ban hành nên địa phương chưa có cơ sở xây dựng chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ, ảnh hưởng đến công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường biển.

Ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp chưa tốt, chưa quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ xử lý môi trường, còn tồn tại tình trạng một số cơ sở chưa tự giác tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật, còn đối phó, vận hành không thường xuyên thống xử lý chất thải hoặc không thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường đã cam kết.

Mặc dù có quy hoạch các vùng nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh, nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống cấp, thoát nước đồng bộ dẫn đến các hộ nuôi quy mô nhỏ lẻ có diện tích dưới 10 ha phần lớn không có hệ thống kênh, ao xử lý nước thải và xả trực tiếp ra môi trường. Một số địa phương buông lỏng quản lý dẫn đến việc khai thác nước ngầm để nuôi thủy sản tràn lan, khó kiểm soát.

Cùng với đó là kinh phí để phục vụ các hoạt động bảo vệ môi trường biển còn hạn chế, không có trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên biển...

hue-4.jpg
Thừa Thiên – Huế sẽ thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường biển, giữ gìn nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống

PV: Thời gian tới, để bảo vệ môi trường biển, giữ gìn nguồn lợi thủy sản, tạo sinh kế bền vững giúp người dân ven biển ổn định cuộc sống, tỉnh sẽ có những giải pháp gì?

Ông Đặng Phước Bình: Tỉnh sẽ tập trung xây dựng, hoàn thiện tổ chức và triển khai có hiệu quả các chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường; phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường; theo dõi, đôn đốc các địa phương xây dựng chương trình phân loại rác tại nguồn, triển khai đồng bộ có hiệu quả. Xây dựng và triển khai các mô hình thu gom, xử lý chất thải tại các địa bàn chưa được cung cấp dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý.

Tiếp tục quán triệt, phổ biến rộng rãi các quan điểm, mục tiêu, giải pháp về công tác bảo vệ môi trường, về công tác quản lý tổng hợp biển và hải đảo đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo đảm cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, “xây dựng Thừa Thiên - Huế sáng, xanh, sạch”; “Ngày Chủ nhật xanh” và phong trào “Nói không với túi ni lông và sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới, ngày Môi trường Thế giới; Xây dựng và thực hiện hương ước, quy định, cam kết bảo vệ môi trường; phát triển các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm khắc đối với các hành vi gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường, xử phạt nghiêm, đúng mức mọi vi phạm.

Thực hiện tốt công tác quản lý môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục hướng dẫn cho các địa phương thực hiện tốt Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới và xã nông thôn mới. Tổ chức kiểm tra và thanh tra trách nhiệm thực hiện xử lý chất thải tại các cơ sở sản xuất quy mô lớn thuộc diện quản lý của cấp tỉnh đóng ở tại địa bàn nông thôn và xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ môi trường theo định kỳ hoặc khi có khiếu nại, tố cáo về gây ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác giám sát môi trường định kỳ tại các điểm cố định ở khu vực nông thôn để nắm biết tình hình diễn biến chất lượng môi trường và kịp thời thông báo, nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường, bảo vệ tốt môi trường nông thôn...

Văn Dinh