Tin tức

Hạ Long huy động toàn lực sẵn sàng ứng phó bão số 3

Hồng Kỳ 05/09/2024 - 21:25

(TN&MT) - Chiều ngày 5/9, UBND TP. Hạ Long tổ chức họp các phòng, ban, đơn vị, thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố và họp trực tuyến đến 33 xã, phường để chỉ đạo triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó với diễn biến bão số 3, bảo đảm an toàn tính mạng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản cho người dân.

Huy động gần 1.600 người sẵn sàng ứng phó với bão

Thông tin từ Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố Hạ Long, trên địa bàn thành phố hiện có 1.531 tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, gồm 411 tàu du lịch, 920 tàu cá và 200 tàu vận tải.

Thành phố đã chỉ đạo Công an thành phố, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Hòn Gai và UBND các xã, phường thông báo cho các phương tiện tàu thuyền của địa phương về diễn biến tình hình bão số 3 để các chủ phương tiện nắm bắt và nhanh chóng di dời về nơi tránh trú.

can-bo-chien-si-don-bien-phong-cua-khau-cang-hon-gai-thong-bao-huong-dan-tau-thuyen-ngu-dan-tranh-tru-bao..png
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Cảng Hòn Gai thông báo, hướng dẫn tàu thuyền, ngư dân tránh trú bão. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Tính đến 17h chiều nay, toàn bộ 41 tàu cá khai thác ngoài khơi có chiều dài trên 12m đã nhận được thông tin và hiện đã vào các điểm tránh trú bão, các tàu có chiều dài dưới 12m khai thác vùng ven bờ đang di chuyển vào nơi tránh trú bão.

Hiện khách lưu trú trên Vịnh Hạ Long là 1.691 khách, trong đó có 91 khách Việt Nam và 1.600 khách nước ngoài. Thành phố đã khuyến cáo du khách các biện pháp đảm bảo an toàn trong trường hợp mưa, bão. Riêng đối với khách lưu trú trên Vịnh Hạ Long, sẽ về bờ trước 11h ngày 6/9 (trước khi bão đổ bộ đất liền).

Đối với 65 cơ sở nuôi trồng thủy sản hoạt động trên biển, UBND thành phố đã chỉ đạo Phòng Kinh tế triển khai thực hiện thông báo đến các chủ cơ sở để có phương án di dời người dân trên các phương tiện thủy, các nhà bè nuôi trồng thủy sản trước 16 giờ ngày 6/9.

Thành phố cũng đã thực hiện kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập úng, sạt lở và các nguy cơ khác gồm 351 vị trí với 224 điểm có nguy cơ sạt lở, 107 điểm nguy cơ ngập úng và 20 vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét…

Về huy động nguồn lực ứng phó bão, thành phố đã bố trí lực lượng tại chỗ trên địa bàn 33 xã phường là gần 1.000 người và 600 người của các lực lượng hiệp đồng như: Lực lượng vũ trang, các đơn vị ngành than, đơn vị quân đội đóng trên địa bàn... theo phương án phòng, chống thiên tai và các nội dung hiệp đồng đã ký kết. Các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố cũng đã sẵn sàng huy động các loại vật tư và gần 100 phương tiện, máy móc, thiết bị để triển khai phương án Hiệp đồng, sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống.

Công tác tuyên truyền về dự báo diễn biến bão và dự báo tác động được cập nhật thường xuyên, liên tục. Thành phố đã và đang tổ chức thông tin, tuyên truyền đến từng người dân để nắm được diễn biến của cơn bão, chủ động các biện pháp phòng, chống và trú tránh an toàn.

Kịch bản đặt ra trong điều kiện mưa bão kéo dài, UBND các xã, phường phải chủ động phương châm “4 tại chỗ”, lập phương án di chuyển những hộ dân đang sinh sống tại vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đề phòng lũ lụt, sạt lở đất sau hoàn lưu bão; bố trí lực lượng kiểm tra các ngầm, tràn khi có mưa lũ, đảm bảo không cho người và phương tiện qua khi có lũ.

Thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị đang thi công các công trình trên địa bàn chủ động phòng chống, đảm bảo an toàn cho người và tài sản, có phương án đảm bảo an toàn đối với các cần trục tháp tại các công trình. Về phía các cơ quan tìm kiếm cứu nạn như: Công an, Biên phòng, Quân đội... bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trước diễn biến của cơn bão số 3 năm 2024, chiều ngày 5/9, Thành ủy Hạ Long đã ban hành Công văn Số - CV/TU về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với bão.

Theo đó, để tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu Ủy ban nhân dân thành phố, các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, các phòng, ban, cơ quan, đơn vị Thành phố, các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc Thành ủy thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh và của Thành phố, đặc biệt là Công điện hỏa tốc số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương triển khai ứng phó bão số 3 năm 2024; Công văn số 2254-CV/TU, ngày 03/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3; Công văn số 2923-CV/TU, ngày 04/9/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tăng cường chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3 và các văn bản khác có liên quan.

2. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ” , “từ sớm, từ xa, từ cơ sở” để bảo đảm an toàn tính mạng nhân dân, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.

3. Các cấp ủy, chính quyền từ Thành phố tới cơ sở đình, hoãn các cuộc họp không thật cấp bách, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ, Thường trực Ủy ban nhân dân trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão, lũ, trong đó tập trung:

can-bo-chien-si-bo-doi-bien-phong-keu-goi-tau-thuyen-vao-noi-tranh-tru-bao-so-3.png
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão số 3. Ảnh: Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long cung cấp

- Rà soát kỹ, triển khai ngay công tác đảm bảo an toàn đối với các hoạt động trên biển; bảo đảm an toàn cho người, tàu thuyền, phương tiện hoạt động trên biển và tại nơi tránh trú. Tập trung toàn bộ lực lượng yêu cầu tàu, thuyền vào vị trí tránh trú an toàn; tuyệt đối không để nhân dân ở lại trên khu vực lồng bè, nuôi trồng thủy sản.

- Rà soát ngay các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn, sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn, thực hiện ngay việc cảnh báo và cắm các biển cảnh báo sớm, đặc biệt là các vị trí đã sạt lở trước đó nhưng đến nay chưa thực hiện khắc phục xong.

- Bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân tại các khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân).

- Chỉ đạo đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị và khu công nghiệp.

- Tổ chức kiểm tra, rà soát, bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão lũ, nhất là đối với các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng, các công trình đang thi công xây dựng, các khai trường khai thác khoáng sản (khai thác than, các mỏ đất…), các khu vực đổ thải (của ngành Than, các vị trí đổ thải, tập kết đất san lấp…) các công trình trọng điểm của tỉnh, thành phố, các công trình ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung…

Kiểm tra và tháo dỡ các thiết bị, bộ phận treo trên cao không đảm bảo an toàn và có kế hoạch di dời các hộ dân trong phạm vi bị ảnh hưởng đến nơi an toàn khi cần thiết.

Rà soát, thực hiện ngay việc dọn dẹp, đảm bảo tiêu thoát nước trên các tuyến đường, các mang cống thoát nước; phối hợp có phương án đảm bảo an toàn hành lang đường điện, hạn chế ảnh hưởng do bão gây mất điện cục bộ.

- Đảng ủy Công an, Quân sự thành phố khẩn trương rà soát, cập nhật phương án ứng phó theo mức độ rủi ro của bão, chủ động bố trí lực lượng, phương tiện phối hợp với các lực lượng có liên quan để triển khai công tác phòng chống bão, lũ theo quy định; các phòng, ban, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác phòng chống bão số 3.

- Tổ chức trực ban 24/7, theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động chỉ đạo, đôn đốc triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất các nội dung vượt thẩm quyền.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về bão và mưa lớn để người dân chủ động phòng tránh;

Thành ủy giao đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp chỉ đạo triển khai kịp thời, có hiệu quả công tác ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Đồng thời yêu cầu các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố bám sát địa bàn được phân công theo dõi, chủ động nắm bắt tình hình và trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo hiện trường.

Đảng ủy các địa phương, trực tiếp là đồng chí bí thư cấp ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân các xã, phường chịu trách nhiệm toàn diện trước Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy về công tác chỉ đạo phòng, chống, ứng phó với cơn bão số 3 và những tác động của cơn bão số 3, kịp thời báo cáo những tình huống phức tạp, nảy sinh trên địa bàn; xem xét trách nhiệm nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ, dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.

Cũng trong các ngày 3-5/9, Thành phố đã ban hành: Văn bản số 7030/UBND về việc tiếp tục chủ động theo dõi ứng phó với diễn biến của bão số 3 (YAGI) và mưa lũ trên địa bàn thành phố;

Thông báo số 485/TB-UBND phân công các Đoàn công tác của UBND Thành phố kiểm tra, chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó với bão số 3 và mưa lũ trên địa bàn Thành phố;

Văn bản số: 479/TB-UBND yêu cầu các tàu, thuyền, phương tiện thủy đang hoạt động trên khu vực biển, sông thuộc địa bàn thành phố Hạ Long khẩn trương
tìm nơi tránh trú cơn bão số 3 (YAGI)...

Hồng Kỳ