Phát triển Xanh

Việt Nam ghi dấu ấn khu vực với 476 công trình xanh đạt chuẩn

Ngọc Trâm 05/09/2024 - 18:11

(TN&MT) - Theo thông tin từ Bộ Xây dựng, đến hết quý II/2024, cả nước đã có tổng số 476 công trình xanh, ghi dấu ấn mạnh mẽ trong khu vực ASEAN. Đây là một cột mốc tăng trưởng thể hiện cam kết mạnh mẽ của quốc gia trong việc thúc đẩy mô hình xây dựng bền vững, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đang nổi lên là một trong những quốc gia phát triển mạnh các công trình xanh. Sự gia tăng số lượng công trình xanh trong những năm gần đây là minh chứng xu hướng phát triển bền vững không chỉ là một lựa chọn mà đã trở thành một yếu tố bắt buộc trong ngành xây dựng hiện đại, góp phần giảm lượng khí thải carbon, tạo ra môi trường sống trong lành, tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 476 công trình xanh đạt chứng nhận, vượt xa so với chỉ tiêu đặt ra trong Quyết định số 280/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025 là đạt 80 công trình xanh và đến năm 2030 là 150 công trình. Con số thực tế đã gấp nhiều lần mục tiêu đặt ra, cho thấy sự quan tâm, đầu tư nghiêm túc của các doanh nghiệp và chủ đầu tư vào lĩnh vực này.

ecp.jpg

Số lượng công trình xanh tại Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng vẫn ở mức trung bình khá so với các quốc gia trong khu vực ASEAN. Tuy nhiên, sự phân bổ các công trình này cũng đáng chú ý. Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với hơn 2,9 triệu m² sàn đạt chứng nhận xanh, tiếp theo là Hà Nội với hơn 2 triệu m². Các tỉnh thành khác như Bình Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, và Đồng Nai cũng góp phần đáng kể với hàng trăm nghìn m² sàn xanh.

Theo phân loại, công trình công nghiệp chiếm tỷ lệ lớn nhất với 37,8%, tiếp theo là công trình nhà ở với 36,3%. Các công trình văn phòng chiếm 11,88%, trong khi cơ sở lưu trú và các công trình khác chiếm khoảng 6,52%. Phản ánh nhu cầu về các công trình tiết kiệm năng lượng không chỉ tập trung vào lĩnh vực công nghiệp mà còn mở rộng sang các khu vực dân cư và thương mại.

Trong tổng số 476 công trình xanh, các chứng nhận quốc tế uy tín như EDGE, LEED và Green Mark đang được áp dụng rộng rãi. Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) cho biết, có 209 công trình đạt chứng nhận EDGE, tương đương hơn 4,7 triệu m² sàn; 51 công trình đạt Green Mark với hơn 1,9 triệu m² sàn và 176 công trình đạt LEED với hơn 4,2 triệu m² sàn. Những chứng nhận này đã xác nhận hiệu suất về tiết kiệm năng lượng, đồng thời đánh giá các yếu tố bền vững khác như sử dụng nước hiệu quả, giảm thiểu chất thải và tối ưu hóa hệ thống vận hành.

Các tỉnh, thành phố tập trung nhiều diện tích sàn đạt chứng nhận xanh như: TP.HCM hơn 2,9 triệu m2; TP. Hà Nội hơn 2 triệu m2; Bình Dương hơn 930 nghìn m2; TP. Hải Phòng hơn 570 nghìn m2; Bắc Ninh hơn 490 nghìn m2; Hưng Yên hơn 341 nghìn m2; Đồng Nai hơn 328 nghìn m2; Hà Nam hơn 319 nghìn m2

Đặc biệt, Việt Nam đã có bước tiến lớn trên bản đồ quốc tế khi năm 2023 đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được đánh giá theo Tiêu chuẩn LEED - một trong những hệ thống chứng nhận công trình xanh uy tín nhất toàn cầu do Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ phát triển.

Sự phát triển của công trình xanh tại Việt Nam là kết quả của nhiều yếu tố tác động. Chính phủ, Bộ Xây dựng đã ban hành các chính sách ưu tiên và khuyến khích xây dựng xanh. Điều này không chỉ thúc đẩy sự tham gia của các nhà đầu tư lớn mà còn giúp nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của xây dựng bền vững.

Tuy vậy, không thể phủ nhận rằng công trình xanh tại Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Chi phí đầu tư ban đầu cho các dự án xây dựng xanh thường cao hơn so với các công trình thông thường khiến nhiều doanh nghiệp do dự.

Ngoài ra, sự thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng về công nghệ xây dựng xanh cũng là một vấn đề lớn cần giải quyết. Bên cạnh đó, việc nâng cấp và cải tạo các công trình cũ theo tiêu chuẩn xanh đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ nhiều phía, bao gồm cả chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng.

Trong tương lai, với sự hỗ trợ từ các chính sách Chính phủ, Bộ Xây dựng và sự hợp tác của các bên liên quan, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp tục phát huy tiềm năng to lớn trong lĩnh vực công trình xanh.

Ngọc Trâm