Quảng Nam sẽ phân loại rác bài bản, thường xuyên và liên tục
(TN&MT) - Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) sẽ bắt buộc phải phân loại tại nguồn. Trong trường hợp vi phạm tại hộ gia đình, mức xử phạt có thể lên tới một triệu đồng. Mặc dù đã có sự chuẩn bị tích cực nhưng tỉnh Quảng Nam vẫn đang gặp nhiều vướng mắc để đưa chính sách vào cuộc sống.
Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo TN&MT có cuộc trao đổi với bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam:
PV: Thưa bà, đến nay tỉnh Quảng Nam đã triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn ở địa phương như thế nào?
Bà Lê Thủy Trinh: Để triển khai các quy định mới trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn theo Luật Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 tại Quyết định số 2625/QĐ-UBND ngày 30/9/2022 và soạn thảo bộ tài liệu hướng dẫn để UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng chương trình/đề án phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn. Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai xây dựng Đề án phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH tại nguồn trên địa bàn.
2 năm vừa qua (2023 - 2024), Sở TN&MT đã phối hợp với Trung tâm Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live & Learn) và Trung tâm Xây dựng và Thúc đẩy Phát triển bền vững (BUS) tổ chức các khoá đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên nòng cốt của cấp huyện và cấp xã. Qua các khoá học, Sở TN&MT đã phê duyệt cấp 42 Giấy chứng nhận cho tuyên truyền viên cấp huyện và cấp 329 Giấy chứng nhận cho tuyên truyền viên cấp xã. Các tuyên truyền viên sẽ vận dụng vào thực tế phân loại CTRSH tại nguồn ở các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả phân loại CTRSH tại nguồn của tỉnh.
Thời gian tới, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các tổ chức, địa phương đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hiệu quả phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh.
PV: Hiện nay địa phương đang gặp những khó khăn, thách thức gì trong công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, thưa bà?
Bà Lê Thủy Trinh: Khi Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực, đối với tỉnh Quảng Nam về cơ bản chủ trương là thực hiện tất cả các bước liên quan đến Luật mới trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn.
Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, có nhiều vướng mắc như chưa đồng bộ về hệ thống hạ tầng phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải (thiếu thiết bị thu gom, phương tiện vận chuyển chuyên dụng đáp ứng yêu cầu thu gom riêng từng loại rác thải sau phân loại; công nghệ xử lý rác thải hiện nay bằng phương pháp chôn lấp vẫn là chủ yếu); việc đầu tư đồng bộ hạ tầng cần nguồn kinh phí lớn; hơn nữa phải đáp ứng yêu cầu công nghệ xử lý phù hợp đối với từng loại chất thải sau phân loại.
Bên cạnh đó, chưa xây dựng được mạng lưới, hệ thống thu hồi, tái chế rác thải sau phân loại đối với rác thải phế liệu giá trị thấp (như túi ni lông…). Ngoài ra, phần lớn nhân dân chưa có ý thức tự giác thực hiện phân loại rác tại nguồn nhưng chưa đảm bảo được nguồn lực, quy trình giám sát việc chấp hành phân loại rác tại nguồn.
Trên địa bàn tỉnh có Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Bắc Quảng Nam tại huyện Đại Lộc (do Công ty Huy Hoàng Eco làm chủ đầu tư) có khả năng xử lý rác thải theo các thành phần sau phân loại; tuy nhiên, Nhà máy vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện quy trình. Tại thành phố Hội An có Nhà máy xử lý rác thải làm phân compost ở xã Cẩm Hà đã giải quyết được một phần rác thải thực phẩm cho thành phố Hội An, góp phần mang lại hiệu quả cho công tác phân loại rác thải của địa phương này trong thời gian qua. Tuy nhiên, chất lượng phân đầu ra không đảm bảo tiêu chuẩn thành phẩm theo quy định của ngành nông nghiệp, đây cũng là trở ngại lớn cho đơn vị vận hành.
Vì vậy, trong thời gian tới cần đồng bộ nguồn lực từ tuyên truyền đến công tác thu gom, vận chuyển, xử lý và quy trình giám sát việc chấp hành phân loại rác tại nguồn.
PV: Để việc phân loại rác thải nguồn được hiệu quả hướng tới thực thi Luật Bảo vệ môi trường 2020, thời gian tới Quảng Nam sẽ triển khai những giải pháp gì thưa bà?
Bà Lê Thủy Trinh: Tiến hành phân loại CTRSH tại nguồn là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từng tổ chức và mỗi cá nhân. Do đó, theo kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành cơ bản việc triển khai phân loại CTRSH tại nguồn tại 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; 100% hộ dân và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn; tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 75%, ở xã đạt tỷ lệ 30%.
Thời gian tới, địa phương sẽ tổ chức triển khai có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh trong công tác bảo vệ môi trường nói chung và quản lý chất thải rắn nói riêng, từng bước hoàn thiện hạ tầng, nguồn lực thực hiện công tác phân loại rác tại nguồn. Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến các Dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh, Đề án quản lý chất thải rắn, đóng cửa khu xử lý rác Đại Hiệp, Tam Xuân 2, thực hiện phương án thí điểm quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
Chúng tôi cũng tổ chức tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai hoạt động phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, chú trọng hoạt động tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường. Muốn công tác phân loại rác được bài bản và hiệu quả thì trước tiên, việc tuyên truyền vận động phải được thực hiện bài bản, có chiến lược, thường xuyên, liên tục đến tất cả các tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở cấp địa phương. Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và hình thức tuyên truyền. Xây dựng các chương trình, phong trào, chiến dịch, sự kiện truyền thông với quy mô và hình thức đa dạng, nhằm tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự chú ý đối với phong trào chống rác thải nhựa và phân loại CTRSH tại nguồn.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!