Tin tức

Khẩn trương ứng phó bão số 3

Khánh Ly 04/09/2024 - 18:25

(TN&MT) - Chiều ngày 4/9, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức họp về công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 với các Bộ, ngành, địa phương. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp.

141a1062.jpg
Cuộc họp do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì, tham dự có đại diện các Bộ, ngành liên quan và các địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão

Chia sẻ thông tin cập nhật về diễn biến bão số 3, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia (Tổng cục KTTV, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đầu giờ chiều nay, bão số 3 đã mạnh cấp 12, tăng 4 cấp so với khi bắt đầu đi vào biển Đông và còn cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 710km về phía Đông. Rủi ro thiên tai cấp độ 4.

Hiện nay, nhiệt độ nước biển cao và điều kiện khí hậu đang thuận lợi để bão tiếp tục mạnh lên. Dự báo của cơ quan dự báo KTTV Việt Nam và các trung tâm dự báo quốc tế đều thống nhất về quỹ đạo và cường độ. Bão sẽ tiếp tục di chuyển theo hướng Tây và dự báo sẽ tăng đến cấp 15 vào khoảng ngày 5 – 6/9. Một số nhận định còn đưa ra phương án bão có thể tăng đến cấp 16 – cấp siêu bão và như vậy, cấp độ rủi ro thiên tai sẽ tăng lên cấp 5. Ông Khiêm cho biết, Trung tâm sẽ tiếp tục phân tích thêm trên cơ sở theo dõi diễn biến bão để đưa ra cảnh báo chính thức trong các bản tin tiếp theo.

Dự báo đêm ngày 6 sang ngày 7/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc của đảo Hải Nam (Trung Quốc) di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh). Trường hợp bão đi lệch lên phía Bắc, cường độ gió bão có thể giảm, nhưng trường hợp bão lệch xuống phía Nam thì khả năng mức độ nguy hiểm sẽ cao hơn và vùng ảnh hưởng rộng hơn.

141a1010.jpg
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia phát biểu tại cuộc họp

Phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 rất rộng, từ Quảng Ninh - Hà Tĩnh; trong đó Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình là 5 tỉnh/thành phố được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất, gió vùng ven biển gần tâm bão có thể lên tới cấp 9 - 11, giật cấp 13. Ngoài ra cần lưu ý vấn đề nước dâng do bão.

Với khả năng đường đi của bão như hiện nay, bão sẽ gây mưa lớn diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ lên tới vài trăm mm.

Vẫn còn khoảng hơn 50 giờ trước khi bão vào bờ, cơ quan dự báo sẽ tiếp tục cập nhật và thời điểm trước 24 - 36 giờ sẽ có nhận định dự báo cụ thể hơn – ông Khiêm cho biết. Dự kiến sáng mai 5/9, Trung tâm sẽ phát bản tin bão khẩn cấp và cập nhật liên tục diễn biến bão. Ngoài bản tin 3 tiếng/lần sẽ có thêm bản tin nhannh 1 tiếng/lần.

Đến nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 50 nghìn tàu thuyền và ngư dân về tình hình bão. Trong đó, hơn 504 tàu/3.356 người đang hoạt động tại khu vực nguy hiểm Bắc biển Đông và quần đảo Hoàng Sa. Các phương tiện đã nhận được thông tin và đang di chuyển tránh trú.

Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định dự kiến sẽ cấm biển từ ngày 6/9 tới đây.

Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết: Khu vực ven biển, trên biển các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An hiện có gần 50 nghìn ha nuôi trồng thủy sản. Nguy cơ rất cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16.

141a1001.jpg
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai phát biểu tại cuộc họp

Trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 32 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý, 3 công trình đang thi công. Một số vị trí đê, kè đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục (kè Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, Nam Định); tuyến đê Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình mới hoàn thành nhưng chưa được gia cố mặt, mái phía đồng.

Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%. Cường độ bão theo dự báo đang vượt mức thiết kế và nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16 (vượt mức thiết kế). Bên cạnh đó, diện tích lúa Hè Thu chưa thu hoạch hiện còn khoảng 15.000ha và nguy cơ thiệt hại.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ do ảnh hưởng của bão, các Bộ, ngành đã có công điện chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chủ động ứng phó với bão; Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi các quốc gia, vùng lãnh thổ đề nghị tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân tránh trú. Các địa phương cũng đã ban hành công điện chỉ đạo; tổ chức trực ban, theo dõi thông tin dự báo, cảnh báo và triển khai ứng phó với bão cả trên biển và đất liền.

Tại cuộc họp, đại diện các Bộ, ngành địa phương đã thông tin cụ thể những hành động đã triển khai để ứng phó bão. Ngành thuỷ sản, chính quyền địa phương phối hợp với bộ đội biên phòng đã tổ chức thông tin, kiểm đếm, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết diễn biến của bão để chủ động di chuyển phòng tránh. Bên cạnh đó, rà soát phương án ứng phó với tình huống bão mạnh đổ bộ vào đất liền trong đó tập trung phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, nuôi trồng thuỷ sản và bảo vệ sản xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh, bão số 3 là cơn bão rất mạnh. Các địa phương tuyệt đối không chủ quan, đồng thời cần chủ động cao nhất trong công tác ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Nhiệm vụ trọng tâm những giờ tới là kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ; có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo. Tuỳ theo diễn biến của bão chủ động cấm biển, cấm các hoạt động tập trung đông người, nhất là các tỉnh, TP từ Quảng Ninh đến Nghệ An.

Đối với vùng đồng bằng, miền núi, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị cần triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, có nguy cơ xảy ra sạt lở; kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn. Đồng thời, kiểm tra, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du.

Khánh Ly