Doanh nghiệp - doanh nhân

Bình Dương kỳ vọng thu hút đầu tư cho các dự án công nghệ cao

Ngọc Trâm 02/09/2024 - 06:54

Bình Dương đang hướng đến thu hút nguồn vốn FDI có chọn lọc với ưu tiên dành cho các dự án công nghệ cao, sử dụng ít lao động song đạt giá trị gia tăng cao.

Nhờ vị trí thuận lợi, mặt bằng rộng, cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, Bình Dương vẫn đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư FDI. Dòng vốn FDI vẫn đang đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của tỉnh, giúp Bình Dương trở thành một trong những tỉnh, thành phố hiện đại, năng động trên cả nước.

1.jpg
Bình Dương vẫn đang tạo được sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư FDI

Số liệu từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho biết, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo hiện chiếm 74% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Bình Dương. Bình Dương đang tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh, nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0, giúp nhà đầu tư triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả.

Trong tháng 7/2024, toàn tỉnh Bình Dương thu hút thêm 70,2 triệu USD vốn đầu tư FDI. Tính chung 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh thu hút được 1,07 tỷ USD vốn đầu tư FDI. Trong số này có 110 dự án đầu tư mới, 81 dự án điều chỉnh tăng vốn. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 4.342 dự án FDI với tổng số vốn trên 40,9 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước (sau TPHCM về thu hút các dự án FDI).

2.jpg
Theo kế hoạch năm 2024, Bình Dương phấn đấu thu hút khoảng 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài

Theo kế hoạch năm 2024, Bình Dương phấn đấu thu hút khoảng 1,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Trong đó, riêng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh phấn đấu thu hút 1,2 - 1,3 tỷ USD.

Đơn cử, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP 3) được coi là một khu công nghiệp thế hệ mới đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện có hơn 30 công ty quốc tế quan tâm đến khu công nghiệp này với tổng vốn đầu tư dự kiến lên đến 1,8 tỷ USD.

Tiếp nối dự án “xanh” từ Lego, nhiều nhà đầu tư cũng có những cam kết “xanh” khi tìm hiểu và đầu tư vào Bình Dương. Đáng chú ý như Tập đoàn Pandora (Đan Mạch), Tập đoàn SEP (Hàn Quốc), Tập đoàn A.P Moller Maersk (Đan Mạch)… đều cam kết giảm thiểu các tác động đến môi trường, sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu xanh trong vận hành, hướng đến phát triển bền vững, tạo ra các giá trị cho cộng đồng.

3.jpg
Phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển của tỉnh Bình Dương

Bên cạnh đó, để cụ thể hóa các thỏa thuận hợp tác, các Tập đoàn lớn, có thương hiệu toàn cầu như Warburg Pincus, Sembcorp, Tokyu, CapitaLand Development, Aeon… đều cam kết sẽ đưa hàm lượng công nghệ cao vào các dự án đầu tư tại Bình Dương. Và đó cũng chính là lĩnh vực mà Bình Dương mong muốn thu hút đầu tư trong thời kỳ mới.

Nói về định hướng đầu tư tại Bình Dương, bà Bonnie Tu - Chủ tịch Tập đoàn Giant (Đài Loan, Trung Quốc) cho biết, ngoài yếu tố vị trí địa lý, hạ tầng đồng bộ, lợi thế của Bình Dương được đánh giá cao chính là tiềm năng và dư địa phát triển của các khu công nghiệp ngày càng hiện đại. Thời gian tới, Tập đoàn Giant tiếp tục mở rộng sản xuất tại Bình Dương. Ngoài nhà máy có vốn đầu tư 60 triệu USD tại khu công nghiệp VSIP 2-A, Tập đoàn sẽ đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất tại khu công nghiệp VSIP 3 với số vốn khoảng 120 triệu USD.

Ông Phạm Trọng Nhân - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương chia sẻ, giai đoạn 2020 - 2025, Bình Dương đặt mục tiêu thu hút 9 tỷ USD vốn FDI với định hướng ưu tiên thu hút đầu tư FDI ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít lao động và đạt giá trị gia tăng cao. Bình Dương kiên trì quan điểm thu hút FDI có chọn lọc, hướng tới chất lượng, hiệu quả, trong đó chú trọng đối tác giàu tiềm năng từ châu Âu, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc...

Đồng thời, xác định phát triển công nghiệp bền vững là một trong những tiền đề quan trọng cho sự phát triển, Bình Dương định hướng chuyển đổi các khu công nghiệp truyền thống sang mô hình khu công nghiệp thông minh - sinh thái; nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu, xây mới các khu công nghiệp xanh, thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, Big Data… giúp nhà đầu tư dễ dàng triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh nhanh chóng và hiệu quả, nâng cao chất lượng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Hiện nhiều doanh nghiệp tại Bình Dương đã tiên phong ứng dụng các công nghệ tự động hóa hiện đại vào quá trình sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Để phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại. Bình Dương xác định sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm...

Ngoài ra, Bình Dương cũng đang nỗ lực triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối vùng, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp, thiết kế lại không gian phát triển, thu hút FDI chất lượng cao, đẩy mạnh chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phù hợp với những mục tiêu phát triển bền vững.

Ngọc Trâm