Xã hội

Xuân Lâm mùa thu năm ấy

Đình Tiệp 01/09/2024 - 23:04

(TN&MT) - Sau nhiều nỗ lực liên hệ, tôi may mắn gặp được các cụ - những người tham gia phong trào khởi nghĩa giành chính quyền và trực tiếp chứng kiến giây phút vẻ vang trong lịch sử của Tổ quốc Việt Nam. Họ là những nhân chứng sống của thời khắc thiêng liêng khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945.

Bước chuẩn bị “thần tốc”

Những ngày đầu liên hệ với Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn (tỉnh Nghệ An), câu trả lời nhận được khiến tôi không khỏi băn khoăn: “Các cụ hầu như đã mất cả rồi, còn rất ít cụ nhưng có khi các cụ không còn đủ tỉnh táo, minh mẫn để nhớ những ký ức đã gần 80 năm về trước…”. Khi đó, tôi rất lo lắng, sợ sẽ không thể hoàn thành ý tưởng đề tài. Thế rồi, thật may mắn khi chuông điện thoại reo lên, đầu dây bên kia là ông Biện Văn Trung - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nam Đàn với giọng đầy phấn khởi: “Còn, còn chú ơi! Còn đến bốn cụ ở xã Xuân Lâm…!”.

Đó là tin tốt lành vào một ngày giữa trưa tháng 8/2024. Nhận được địa chỉ, tôi tức tốc lên đường về xã Xuân (thời kỳ trước gọi là xã Xuân La và Lâm Thịnh) để tìm đến các cụ, những nhân chứng sống lịch sử hào hùng của dân tộc.

18a.jpg
Lực lượng khởi nghĩa của tỉnh Nghệ An tháng 8/1945

Ông Nguyễn Thạc Dương, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lâm cũng rất nhiệt tình dẫn tôi đến từng địa chỉ một. “Tôi phải đi cùng anh, có mặt tôi là các cụ sẽ nhớ ra nhiều ký ức đấy!” - Ông Dương nói.

Cùng với đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, tôi đã tìm đến gặp được các cụ Nguyễn Cẩm Nhung và cụ Nguyễn Hồ Danh, cả hai cụ đều đã nhận danh hiệu 75 năm tuổi Đảng từ vài năm trước. Cụ Nhung dù tóc có bạc, nước da có sạm màu và nhăn nheo theo thời gian nhưng dáng đi khỏe khoắn của cụ Nhung khiến tôi không nghĩ năm nay cụ đã gần bước sang tuổi 97. Còn cụ Danh, năm nay đã 100 tuổi, thính giác của cụ đã kém nhưng khi viết ra câu hỏi thì cụ vẫn trả lời rành rọt…

Vào câu chuyện, cụ Nhung bắt đầu hồi tưởng lại ký ức của 79 năm về trước: “Trải qua thời gian, nhiều ký ức có thể quên lãng. Thế nhưng, đối với tôi thì những gì xảy ra vào mùa thu năm 1945 vẫn mãi in hằn trong tâm trí…”.

Thế rồi cụ hào hứng kể: Ngày 15/6/1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời kêu gọi “Toàn thể quốc dân, không phân biệt đẳng cấp, tôn giáo, hãy mạnh bạo gia nhập hàng ngũ Việt Minh để diệt trừ phát xít Nhật - kẻ thù số một của Nhân dân ta và tập đoàn mưu đồ khôi phục lại chính quyền của Đế quốc Pháp ở xứ này. Không lúc nào bằng lúc này, chúng ta phải sát cánh dưới cờ của Việt Minh, chuẩn bị vũ trang để giành chính quyền, giải phóng Tổ quốc, dựng nên một nền độc lập chuyên chính hoàn toàn cho nước Việt Nam... Lời kêu gọi như ngọn đèn pha soi đường, dẫn lối cho Nhân dân ta. Những người yêu nước chân chính trong xã xin gia nhập Việt Minh ngày càng đông.

18b.jpg
Nhân chứng sống trực tiếp chứng kiến những thời khắc thiêng liêng của đất nước

Ngày 8/8/1945, Ban vận động Việt Minh liên tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh triệu tập Hội nghị đại biểu tại huyện Hưng Nguyên thảo luận kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa theo Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Hội nghị bế mạc, các đại biểu về tới địa phương chưa kịp triển khai Nghị quyết đã nhận được tin Chính phủ Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện. Đồng chí Vũ Mai - phái viên của Việt Minh liên tỉnh mang Lệnh Tổng khởi nghĩa về truyền đạt cho huyện Nam Đàn.

Bản Chỉ thị được phổ biến nhanh. Tinh thần trong Nhân dân rạo rực hẳn lên. Để chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền, các đồng chí Nguyễn Xuân Linh, Nguyễn Cảnh Bòi, Đinh Văn Lơm, Trần Như Linh, sau khi dự cuộc mít tinh ngày 17/8/1945 do Việt Minh huyện tổ chức tại sân vận động Sa Nam (nay thuộc thị trấn Nam Đàn) đã về tổ chức cuộc diễn thuyết tại đình Thánh Thần nhằm giác ngộ cách mạng cho nhân dân, phát động Nhân dân vùng lên giành chính quyền.

Sau cuộc mít tinh diễn thuyết, không khí cách mạng của Nhân dân lên rất cao. Bọn hào lý và bọn lính ở đồn Xuân La không tỏ thái độ phản ứng. Do đặc điểm Xuân La, Lâm Thịnh là địa bàn trọng điểm của huyện, có đồn Xuân La, nên đồng chí Hoàng Di - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ giành chính quyền tại đây. Tối ngày 20/8/1945, đồng chí đã tổ chức cuộc họp ở nhà ông Bộ Lan (Nguyễn Xuân Hoa) thuộc địa bàn xã Xuân La, Lâm Thịnh thành lập một Ban khởi nghĩa, gồm có các đồng chí: Nguyễn Cảnh Bòi, Bành Trọng Tấn, Trần Như Linh, Cao Danh Khoa, Trần Văn Vị, Đinh Văn Lơm, Nguyễn Văn Vựu, Nguyễn Văn Hường, Vương Đình Dinh, Lê Lan.

Lúc bấy giờ, Hội nghị đã nêu rõ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức viết khẩu hiệu, rải truyền đơn, diễn thuyết, treo cờ đỏ sao vàng, khích lệ ý chí nhân dân, khẩn trương tổ chức nhanh Mặt trận Việt Minh và các Hội Cứu quốc (nông hội, thanh niên, phụ nữ, thiếu niên), phát triển các Đội tự vệ, Tổ du kích để hỗ trợ cho việc cướp chính quyền và nhanh chóng phát Lệnh Tổng khởi nghĩa của Ban Việt Minh liên tỉnh đến tất cả các làng trong xã.

Hội nghị đã phân công từng đồng chí phụ trách các khu vực. Khi tổ chức giành chính quyền thắng lợi, địa điểm mít tinh công bố thành lập chính quyền mới là đình Hai Thôn. Đây là địa điểm trung tâm của xã (nay là Trường trung học cơ sở).

Do tổ chức giành chính quyền thành 2 khu vực nên Ban Tổng khởi nghĩa được chia thành 2 bộ phận: Ở xã Xuân La do đồng chí Nguyễn Cảnh Bòi phụ trách. Trong ban gồm các đồng chí: Trần Như Linh, Bành Trọng Tấn, Trần Văn Vị, Cao Danh Khoa. Ở Lâm Thịnh do đồng chí Đinh Văn Lơm phụ trách. Trong Ban gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Vưu, Nguyễn Văn Hường, Vương Đình Dinh và Lê Tần.

18d.jpg

Vẹn nguyên ký ức

Kể đến đây, cụ Nhung vẫn say sưa nhưng thấy cụ có hơi mệt nên tôi quay sang viết câu hỏi để cụ Danh tiếp lời.

Đọc xong câu hỏi, cụ Danh, kể tiếp với giọng khỏe khoắn: Ngày 22/8/1945, từ tờ mờ sáng, tiếng trống, tiếng loa, tiếng hô khẩu hiệu: “Việt Nam độc lập muôn năm”; “Đánh đổ chế độ thực dân phong kiến” vang dậy cả một vùng. Tôi và cụ Nhung cũng hăng hái mang theo gậy gộc hòa vào phong trào. Ở khu vực Xuân La, Ban Tổng khởi nghĩa đã tiến hành thu triện, sổ sách của ông Tổng Long (ông Tổng Long được ta cắm vào làm Cai tổng). Khi Ban Tổng khởi nghĩa kéo đến đồn Xuân La, bọn lính bỏ chạy tán loạn, Nhân dân phá dỡ hàng rào, đập phá các dụng cụ tra tấn trong đồn, sau đó kéo về đình Hai Thôn. Ở khu vực Lâm Thịnh, Ban khởi nghĩa của Tổng đã thu triện, sổ sách của ông Cựu Cự, Bộ Truy rồi tiến về đình Hai Thôn cùng tổ chức họp mít tinh.

Tất cả các đoàn đều có lực lượng du kích trang bị gậy gộc, giáo mác hỗ trợ cho việc giành chính quyền. Đến khoảng 11 giờ trưa, 2 đoàn đã hoàn thành cướp chính quyền và tập trung về đồn Hai Thôn. Trong buổi mít tinh sau khi giành được chính quyền của Nhân dân Xuân La, Lâm Thịnh, ông Lê Viết Lượng - Chủ tịch lâm thời của tỉnh Nghệ An đến dự, tuyên bố giải tán chính quyền cũ và hủy bỏ các chức danh Chánh thủ lĩnh và Phó Chánh thủ lĩnh (các chức danh này do ta đặt ra từ đầu tháng 6/1945 để làm công tác tuyên truyền vận động cách mạng) và tiến hành công bố chức danh Chủ tịch Ủy ban cách mạng lâm thời của 2 xã. Ở xã Xuân La, ông Trần Hữu Vỵ được chỉ định làm Chủ tịch lâm thời, còn ở xã Lâm Thịnh, ông Trần Văn Quán được chỉ định làm Chủ tịch lâm thời.

Sau khi giành chính quyền thành công ở xã, rạng sáng ngày 23/8/1945, dưới sự chỉ huy của Ban Tổng khởi nghĩa, Nhân dân Xuân La, Lâm Thịnh đã giương cao cờ đỏ sao vàng, cờ búa liềm cùng lực lượng du kích được vũ trang bằng gậy gộc, giáo mác hô vang khẩu hiệu “Thà chết không chịu làm nô lệ”, “Đả đảo đế quốc Pháp - Nhật”, “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, kéo về thị trấn Nam Đàn, hợp sức cùng Nhân dân Nam Đàn giành chính quyền ở huyện. Huyện trưởng Nam Đàn Nguyễn Đức Hàn đầu hàng vô điều kiện, giao triện và sổ sách, súng đạn cho cách mạng.

Sau khi xây dựng chính quyền, Ủy ban lâm thời nhanh chóng tiến hành ngay một số nhiệm vụ cấp bách: Lo cứu đói cho dân, phát động đẩy mạnh sản xuất, ổn định chính trị và đời sống nhân dân, củng cố chính quyền ở cấp thôn, xóm, nêu cao tinh thần cảnh giác trừ gian.

Hơn 10 ngày kể từ khi Nghệ An cùng cả nước giành chính quyền về tay Nhân dân, ngày 2/9/1945, tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. “Hôm đó, hàng nghìn người dân Xuân La, Lâm Thịnh đã tập trung về đình Hai Thôn mít tinh, hưởng ứng. Cờ hoa tưng bừng, tiếng hô: “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm! Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!” vang cả một góc trời. Khuôn mặt từ người già đến trẻ nhỏ đều sáng ngời niềm vui sướng, tự hào, bởi từ đây, mỗi người đã trở thành công dân của một đất nước độc lập, tự do” - Cụ Nguyễn Hồ Danh hồi tưởng.

Ông Nguyễn Thạc Dương - Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lâm cho biết: “Cụ Nguyễn Cẩm Nhung và cụ Nguyễn Hồ Danh là đảng viên lão thành có nhiều cống hiến trong suốt các giai đoạn cách mạng của quê hương, đất nước, nay tuổi đã cao, cụ vẫn không ngừng đóng góp ý kiến xây dựng quê hương. Chính quyền và Nhân dân Xuân Lâm luôn xem các cụ là “vốn quý”, rường cột để phát huy tinh thần cách mạng trong sự nghiệp đổi mới”.

Đình Tiệp