Xã hội

Mùa thu lịch sử trong ký ức người con Hồng Phước

Lan Anh 01/09/2024 - 22:47

(TN&MT) - Sau tiếng hô dõng dạc của đồng chí cán bộ: “Trước giặc nước nên hòa hay nên chiến“, không ai bảo ai, tất cả đều đồng thanh “Quyết chiến!”. Đồng chí cán bộ hỏi tiếp: “Thế nước yếu lấy gì ra chiến chinh”, đáp lại: “Hi sinh”. Tiếng hô như áp đảo quân thù, càng làm cho khí thế cách mạng trào dâng như bão táp.

Mặc dù đã 79 năm đi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng Tám lịch sử hào hùng năm nào vẫn chưa phai nhòa trong tâm trí Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVT) Hồ Phúc Ngôn, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ).

16a.jpg
AHLLVT Hồ Phúc Ngôn đại diện CCB bộ đội Đặc công Việt Nam thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào tháng 3/2007

Tháng Tám không bao giờ quên

Trong ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Quý Cáp, thành phố Đà Nẵng, mùa thu này AHLLVT Hồ Phúc Ngôn đã bước sang tuổi 96, sức khỏe đã có phần giảm sút nhưng dáng vẻ thần thái vẫn còn tinh anh lắm. Ký ức về những ngày Cách mạng Tháng Tám sục sôi khi ông cùng các tầng lớp nhân dân tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng vẫn còn vẹn nguyên.

Giở từng trang cuốn Hồi ký “Chuyện người con Hồng Phước” trên tay, ông Hồ Phúc Ngôn bồi hồi nhớ lại: Sinh ra và lớn lên ở vùng quê giàu truyền thống cách mạng Đa Phước (căn cứ Hồng Phước nay thuộc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng), năm 15 tuổi, ông sớm giác ngộ cách mạng và xin vào lực lượng Thanh niên cứu quốc của Đa Hòa. Qua mỗi lần “hóng chuyện” các bác, các chú, ông biết có một việc gì đó rất lớn, hệ trọng sắp diễn ra, mà cần phải có nhiều người, một lực lượng hùng hậu để thực hiện.

Mùa thu năm ấy, không khí chuẩn bị tổng khởi nghĩa sục sôi khắp các vùng quê, đội thanh niên, thiếu niên cứu quốc của ông được bí mật giao nhiệm vụ tập luyện quân sự, chuẩn vũ khí... tại một khu rừng bí mật dưới chân núi Hải Vân.

16c.jpg
AHLLVT Hồ Phúc Ngôn chia sẻ ký ức về những ngày Cách mạng Tháng Tám

Chấp hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, chiều ngày 15/8/1945, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam phát lệnh khởi nghĩa. Mặc dù một số nơi quân Nhật đầu hàng phe đồng minh, nhưng địa bàn các tổng Khánh Sơn, Đa Phước, Nam Ô (Hòa Vang) chúng còn đóng quân, vì vậy việc đi lại truyền mệnh lệnh của cán bộ Việt Minh trong vùng vô cùng khó khăn. Song với quyết tâm giành chiến thắng, từ cán bộ đến thanh thiếu niên cứu quốc đã không quản ngại hiểm nguy đến từng nhà, bí mật thông báo tình hình, Hồ Phúc Ngôn cũng được giao nhiệm vụ này.

“Đúng 16h ngày 16 tháng 8 năm 1945, khởi nghĩa giành chính quyền của quê tôi bắt đầu. Đến sáng ngày 18 tháng 8, cuộc nổi dậy vũ trang đã nổ ra đúng với kế hoạch. Thanh thiếu niên cứu quốc với vũ khí là gậy, tầm vông, giáo, mác, mã tấu, dao, rựa... hòa vào đoàn người tham gia khởi nghĩa. Đoàn người vừa đi vừa hô vang quyết tâm “Thề đem xương máu, quyết hy sinh để giành độc lập. Đánh Pháp, đuổi Nhật, cướp chính quyền về tay nhân dân...” - ông Hồ Phúc Ngôn bồi hồi nhớ lại.

Sau khi giành chính quyền thành công tại các tổng của Hòa Vang, ông đã cùng đoàn người hăm hở từ tổng Đa Hòa xuống sân vận động Chi Lăng (thành phố Đà Nẵng) để dự mít tinh ra mắt chính quyền cách mạng. Lúc bắt đầu đi, đoàn người có khoảng 600 người. Lực lượng khởi nghĩa lần lượt đi qua các địa phương Trung Nghĩa, Hòa Mỹ, Phú Lộc, Khánh Sơn, Đa Phước, Xuân Thiều, Nam Ô, Vân Dương... khi đến Quan Nam thì đã có đến trên 3.000 người. Dường như ý thức được giây phút trọng đại của dân tộc đã đến, kiếp lầm than sắp kết thúc, nhân dân làm chủ đất nước, nên dù có đông nhưng không ai bảo ai, hàng ngũ vẫn chỉnh tề, thể hiện khí thế oai phong của người chiến thắng. Trên đường kéo xuống thành phố Đà Nẵng, đoàn quân không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía quân Nhật vốn đang ở đây chờ xuống tàu về nước.

16d.jpg

Nhưng niềm vui làm chủ đất nước chưa được bao lâu thì thực dân Pháp trở lại xâm lược. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Ông tiếp tục tham gia vào đội du kích và tự vệ chiến đấu của thôn. Nhiệm vụ chủ yếu của ông là cảnh giới, bám địch, khiêng thương binh, tải đạn phục vụ Tiểu đoàn 19 (thuộc Trung đoàn 96 Đà Nẵng trước đây) trên chiến trường Tây Bắc huyện Hòa Vang. Trước sự gây hấn của thực dân Pháp tại Nam bộ, nhân dân huyện Hòa Vang lại xuống đường biểu tình phản đối xâm lược.

Ông kể: “Tôi còn nhớ một lần tham gia cùng đoàn biểu tình gần 3.000 người dân Hòa Vang. Trên đường đi, một cán bộ tay cầm loa hô vang khẩu hiệu “Trước giặc nước nên hòa hay nên chiến?” Lập tức đoàn người đồng thanh đáp lại “Quyết chiến! Quyết chiến! Quyết chiến!”. Đồng chí cán bộ hỏi tiếp: “Thế nước yếu lấy gì ra chiến chinh”, đáp lại: “Hi sinh”. Tiếng hô như áp đảo quân thù, càng làm cho khí thế cách mạng trào dâng như bão táp.

Tôi thật tự hào khi được sống, được chứng kiến sức mạnh của nhân dân vùng dậy dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ. Chính khí thế ngày đó đã hun đúc cho tôi niềm tin tất thắng để vững bước, cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Phúc Ngôn

Người lính già đi qua hai cuộc kháng chiến

Khí thế sục sôi của những ngày đầu cách mạng đã hun đúc niềm tin tất thắng để ông vững bước trên con đường binh nghiệp. Từ một chiến sĩ tự vệ trước cách mạng, đến tháng 5 năm 1947 ông hăm hở lên đường gia nhập Đại hội dân quân xã Hòa Liên. Từ đây cuộc đời tham gia cách mạng của người chiến sĩ kiên trung Hồ Phúc Ngôn gắn liền những trận đánh lớn nhỏ làm cho kẻ thù khiếp sợ.

Trên cương vị Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 487 và 489 (Đà Nẵng), ông chỉ huy hàng trăm trận đánh, tập kích lớn nhỏ khiến kẻ thù kinh hồn bạt vía. Những trận đánh oai hùng đã đi vào lịch sử như: trận đánh căn cứ pháo binh Thanh Vinh, trận Bồ Bồ, ấp chiến lược Kim Liên (Hòa Hiệp, Liên Chiểu), đặc biệt với trận Khe Răm (cuối tháng 5 năm 1967) bằng trí thông minh và tinh thần gan dạ, ông chỉ huy 4 đồng chí tiêu diệt gọn 1 tiểu đội Mỹ... Chính nhờ thành tích này mà năm 2012, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Sau khi nghỉ hưu, AHLLVT Hồ Phúc Ngôn trở về địa phương vẫn mang theo sự nhiệt huyết, tích cực tham gia công tác tại địa phương với nhiều vai trò như tổ trưởng tổ dân phố, tổ trưởng mặt trận, hội cựu chiến binh. Chỉ sau khi trải qua trận tai biến nhẹ, ông mới chịu dừng công việc để sống thảnh thơi trong căn nhà cũ cùng vợ và các con.

16b.jpg
Sau khi nghỉ hưu, AHLLVT Hồ Phúc Ngôn vẫn mang theo sự nhiệt huyết, tích cực tham gia công tác tại địa phương

79 năm trôi qua, mùa thu này đã đổi thay, Đà Nẵng quê hương hôm nay đã và đang trở thành một đô thị văn minh, hiện đại. Những khu nhà chồ, nhà tạm bợ nhếch nhác ngày nào đã dần bị xóa bỏ, nhường chỗ cho những khu đô thị mới. Con đường ven biển Nguyễn Tất Thành, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn trải dài đã biến vùng đất vốn heo hút ngày nào trở thành những khu đất vàng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Chứng kiến những bước phát triển rực rỡ của thành phố đáng đến, đáng sống, thành phố môi trường hàng đầu Việt Nam, người cựu chiến binh, AHLLVT Hồ Phúc Ngôn không khỏi xúc động, tự hào.

Lan Anh