Kinh tế

Đồng bộ hạ tầng tạo động lực cho Quảng Nam bứt phá

Lan Anh 31/08/2024 - 10:15

Quảng Nam đang tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông liên vùng theo các trục hành lang kinh tế ven biển, Hành lang kinh tế Đông - Tây, kết nối đồng bộ với cả nước và liên thông quốc tế, phấn đấu đưa địa phương bứt phá trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, là cực tăng trưởng quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Đầu tư kết cấu hạ tầng

Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 và được Tỉnh ủy Quảng Nam triển khai theo Kết luận số 29 ngày 4/5/2021.

Những năm qua, Quảng Nam ưu tiên các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó kết nối các tuyến giao thông và đô thị. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh, khá toàn diện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa.

anh-1-duong-ven-bien-quang-nam-1-1-.jpg
Đường ven biển Quảng Nam đưa vào sử dụng được xem là động lực phát triển vùng Đông của tỉnh.

Một trong những điểm nhấn về hạ tầng giao thông kết nối ở Quảng Nam đó là đưa đường ven biển vào sử dụng, kết nối từ Đà Nẵng vào đến Cảng hàng không quốc tế Chu Lai, tạo trục phát triển vùng Đông của Quảng Nam nói riêng và mắt xích quan trọng trong toàn tuyến đường bộ ven biển quốc gia.

Từ khi tuyến đường ven biển Quảng Nam đưa vào sử dụng đã tạo ra “cú huých” mạnh mẽ trong phát triển kinh tế vùng Đông. Minh chứng là hàng chục dự án về du lịch, dịch vụ được cấp phép đầu tư xây dựng, hàng tỷ USD được đầu tư vào khu vực này sự phát triển mạnh mẽ cho Quảng Nam. Vùng Đông là khu vực đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng của Quảng Nam.

Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay, tuyến đường ven biển có vị trí quan trọng, trở thành động lực phát triển kinh tế phía Đông địa phương. Tuy nhiên, vùng Tây của tỉnh, với những huyện miền núi, nơi sở hữu nhiều dư địa phát triển về nông nghiệp, dược liệu và du lịch sinh thái lại đang gặp nhiều khó khăn. Nút thắt lớn nhất cho vùng này là hạ tầng giao thông còn yếu, nhiều điểm nghẽn. Vì vậy, kết nối đồng bộ hạ tầng vùng Đông và Tây là nhiệm vụ trọng tâm là địa phương đang tập trung thực hiện.

anh-2-quoc-lo-14e-2-1-.jpg
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14E là mắc xích quan trọng trong kết nối vùng Đông – Tây của Quảng Nam.

Tỉnh Quảng Nam đã được Bộ GTVT đầu tư Dự án quốc lộ 14E do Bộ làm chủ đầu tư. Tỉnh đang quyết liệt giải phóng mặt bằng vào năm 2025, sớm bàn giao mặt bằng để dự án hoàn thành đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Nam đang đẩy nhanh tiến các dự án giao thông trọng điểm của tỉnh như Dự án đường ven biển giai đoạn 2, Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam,..

Được biết, dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam có tổng mức hơn 768 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư. Dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ tăng cường kết nối, thúc đẩy giao thương hàng hoá khu vực đồng bằng và miền núi, vận chuyển các sản phẩm nông lâm nghiệp phục vụ nguyên liệu cho các nhà máy trong Khu Kinh tế mở Chu Lai, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải miền Trung và ngược lại.

Đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Nam –chủ đầu tư cho hay, đơn vị đang yêu cầu các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ dự án đường ven biển và dự Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng. Tỉnh cũng đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy tiến độ dự án.

Phát triển theo hướng hiện đại

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Quảng Nam cho hay, hạ tầng của tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là giao thông trong những năm qua rất khởi sắc, có tương đối đầy đủ các loại hình, trong đó hệ thống trục giao thông Đông - Tây, trục Bắc - Nam tương đối còn nhiều so với kỳ vọng, và so với quy hoạch thì đã làm cơ bản.

hatang.jpg
Hạ tầng được đầu tư đồng bộ đã tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế xã hội của Quảng Nam

Trong thời gian đến, tỉnh này ưu tiên mở rộng và phát triển thêm các trục giao thông theo hướng vận tải hàng hóa có khối lượng lớn trên trục hành lang kết nối Đông - Tây, gắn với với các trục đường Bắc - Nam để hình thành mạng lưới giao thông trọng yếu liên kết vùng từ đồng bằng đến miền núi, kết nối thông suốt giữa Khu kinh tế mở Chu Lai với Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Nam Giang và khu vực Tây Nguyên.

Ngoài việc phát triển hạ tầng đường bộ, tỉnh Quảng Nam đang tập trung mời gọi các nhà đầu tư có điều kiện vào đầu tư để khai thác cảng hàng không quốc tế Chu Lai. Đây là một cảng hàng không có không gian đầu tư rất lớn trên 2.000 ha.

Ông Lê Văn Dũng cho hay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý chủ trương cho xã hội hóa để đầu tư xây dựng sân bay chu Lai trở thành sân bay 4F và sân bay trung chuyển hàng hóa lớn quốc tế lớn của cả nước. Đây là chủ trương hoàn toàn đúng đắn của Chính phủ và có cơ hội cho Quảng Nam. Đồng thời, tỉnh Quảng Nam cũng đang kêu gọi đầu tư cảng biển Cảng Kỳ Hà. Với việc đầu tư Cảng Kỳ Hà tạo điều kiện thuận lợi phát triển logistics của Quảng Nam phát triển về kinh tế trong tương lai.

Vừa qua, tại hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Quảng Nam cũng trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án Mở rộng, nâng cấp bến cảng Chu Lai, thuộc khu bến cảng Tam Hiệp với tổng vốn đầu tư gần 1.590 tỷ đồng. Dự án này do Tập đoàn THILOGI làm chủ đầu tư. Quy mô dự án Xây dựng mở rộng, nâng cấp bến cảng Chu Lai thuộc Khu bến cảng Tam Hiệp cho tàu 50.000DWT, có diện tích sử dụng đất xây dựng bến cảng là 1,72 ha.

anh-1-duong-ven-bien-quang-nam-2-2-.jpg
Vùng Đông là khu vực đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng của Quảng Nam.

Ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh, trong quy hoạch tỉnh Quảng Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt khẳng định việc xây dựng hạ tầng đồng bộ đây là một yếu tố mang tính quyết định trong việc phát triển Quảng Nam trong thời gian đến.

“Quảng Nam là một tỉnh mà có hệ thống hạ tầng giao thông gần như đầy đủ kể cả đường biển, đường không, đường bộ. Từ quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cộng với hạ tầng giao thông đồng bộ với các hạ tầng kinh tế sở hữu khác cho thấy rằng trong tương lai đây là điều kiện để Quảng Nam phát triển tốt về kinh tế. Đặc biệt là nền kinh tế của tỉnh sẽ phát triển đến năm 2030 Quảng Nam trở thành một tỉnh phát triển khá của cả nước và điều này hoàn toàn có khả năng thực hiện được”- ông Dũng khẳng định.

Lan Anh