Xã hội

Cây “thoát nghèo” trên vùng cao Sơn La

Nguyễn Nga 30/08/2024 - 17:03

(TN&MT) – Những ngày cuối tháng 8, trên các triền núi dọc những con đường lên các huyện vùng cao Sơn La, những vạt rừng sơn tra đang bước vào vụ thu hoạch. Những quả sơn tra chín má đào, e ấp như đôi má hồng của người thiếu nữ, khẽ reo vui đón chào những người khách phương xa đến với đại ngàn Tây Bắc. Không chỉ giữ đất, giữ rừng, phủ xanh những mảnh đồi hoang hóa, sơn tra còn là loại cây có giá trị kinh tế cao, đã giúp đồng bào dân tộc Mông Sơn La xóa nghèo bền vững.

Ngược trở lại hơn 30 năm về trước, nhiều bản làng vùng cao Sơn La vẫn là “thủ phủ” của cây thuốc phiện. Những hủ tục lạc hậu cùng tập quán du canh du cư tự do, phá rừng làm nương trái phép của bà con dân tộc Mông đã làm cái đói, cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng bao đời.

Làm thế nào để thay đổi phong tục tập quán, để bà con chủ động, tích cực vươn lên làm kinh tế, thoát được cái nghèo luôn là bài toán đầy thách thức với cấp ủy, chính quyền các cấp.

z5779382446691_cdee069395cd79d18cb461a47c59321b.jpg
Bà con vùng cao Sơn La thu hái sơn tra.

Nhiều cuộc điều tra, nghiên cứu, thảo luận đã diễn ra, và hiện thực hóa chủ trương đưa cây trồng lên đất dốc của Tỉnh ủy Sơn La, cây sơn tra được lựa chọn đưa vào trồng tại các xã vùng cao thuộc 3 huyện Thuận Châu, Mường La, Bắc Yên. Mục tiêu là nâng tỷ lệ độ che phủ rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Sơn tra, trong tiếng Mông gọi là chi-tô-dì, tiếng Thái là mắc-cắm, và theo tiếng phổ thông là cái tên giản dị, quen thuộc: Táo mèo. Không ai biết sơn tra được trồng từ bao giờ, bởi trước kia, đây vốn là loài cây mọc hoang, người dân thường lấy quả sơn tra giã lấy nước uống, ngâm rượu, làm thuốc và làm thức ăn cho trâu, bò.

Cây thường sinh trưởng ở những nơi mây mù bao phủ, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp. Sơn tra ra hoa từ giữa tháng 2, kéo dài đến đầu tháng 4 dương lịch, thời điểm hoa sơn tra bung nở đẹp nhất là tháng 3, thu hút đông đảo du khách chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên nên thơ, hùng vĩ này. Cuối tháng 8 đến tháng 10 hàng năm là thời điểm sơn tra vào vụ thu hoạch.

z5779382439210_5be2539480d0c5995c894081f6d97e8c.jpg
Sơn tra là loại cây đa mục tiêu, vừa có giá trị kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường sinh thái.

Đến thăm rừng sơn tra trên vùng cao Làng Chếu của huyện Bắc Yên những ngày nay, trên khắp các sườn đồi, trong vườn nhà, những cây sơn tra trĩu quả chín vàng, hương thơm phảng phất, dưới những đôi tay thoăn thoắt hái lượm đã khắc họa lên bức tranh vùng cao đầy màu sắc tươi sáng.

Theo lời giới thiệu của ông Hạng A Củ, Bí thư Đảng ủy xã Làng Chếu, chúng tôi tìm đến bản Cáo A, một trong những bản có diện tích sơn tra lớn nhất xã. Dưới tán cây sơn tra, ông Sồng A Mang, bản Cáo A kể: Trước đây, đời sống người dân trong bản khó khăn lắm, chủ yếu là trồng ngô, lúa nương và cây thuốc phiện. Quanh năm vất vả, nhưng vẫn không đủ ăn, đủ mặc.

Khoảng những năm 2000, cán bộ huyện lên tận bản tuyên truyền chủ trương của tỉnh về trồng sơn tra, gia đình ông Mang đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích ngô sang trồng 2ha sơn tra. Những năm sau đó, tiếp tục mở rộng diện tích trồng và chăm sóc, đến nay, gia đình có hơn 5ha sơn tra. Lấy ngắn để nuôi dài, dưới tán rừng sơn tra, ông Mang còn trồng thêm dong giềng, vừa làm thức ăn cho gia súc, vừa bán củ tươi ra thị trường.

Ban đầu, bà con cứ nghĩ sơn tra chỉ là cây rừng, quả ăn vừa chua, vừa chát, trồng thì nào có ai mua, nên không ưng lắm! Nhưng cán bộ bảo rằng, trồng sơn tra có nhiều lợi ích lắm, lại được hỗ trợ miễn phí về giống, kỹ thuật trồng…. Thôi thì, cứ thử xem sao! Đến nay, Cáo A có 180ha, nhiều sơn tra nhất Làng Chếu.

Năm 2011, diện tích sơn tra của gia đình ông Mang bắt đầu cho thu hoạch, bình quân 2,5 tấn quả/ha, thương lái lên thu mua tận vườn, cho thu nhập ổn định hàng năm. Năm 2020, ông Mang đã thành lập HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp và thương mại Làng Chếu, với 8 thành viên. Đến nay, HTX đã đầu tư khu nhà xưởng rộng 200m2 và mua máy sấy quả sơn tra, mỗi năm, bao tiêu hơn 2.000 tấn sơn tra cho nhân dân trong xã.

Từ mô hình của gia đình ông Sồng A Mang, người dân Làng Chếu cũng dần thay đổi tư duy, chủ động chuyển đổi những diện tích ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng sơn tra.

Trên nương sơn tra chín đỏ, gia đình ông Phàng A Hờ đang tất bật chuẩn bị cho vụ thu hoạch sắp tới. Ông Hờ phấn khởi: Gia đình tôi trồng sơn tra từ những năm 2010, cứ đến mùa thu hoạch, cả nhà phải chung tay vào cuộc, rồi nhờ anh em họ hàng, bà con trong bản cùng đến phụ giúp cho kịp thời vụ. Trong 5 năm trở lại đây, rừng sơn tra của gia đình đã cho thu hoạch khoảng 10 tấn trở lên, trừ chi phí được khoảng 30-40 triệu đồng.

z5779382438869_327f66a8be7182555e58244ca6c972c9.jpg
Sản phẩm táo sơn tra Bắc Yên đã được tỉnh Sơn La công nhận là sản phẩm OCOP.

Theo Bí thư Đảng ủy Làng Chếu Hạng A Củ, sơn tra đã trở thành cây trồng quan trọng trong đời sống bà con vùng cao, không chỉ giúp bà con xóa nghèo hiệu quả, mà còn là loài cây góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn đất.

"Giờ đây, Làng Chếu có hơn 400ha sơn tra, gần 300ha lúa, 55ha cây dược liệu, cùng nhiều diện tích chè, ngô, rau màu các loại… Nhờ đó, xã đã thực hiện đạt 9/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; 100% số bản có nhà văn hóa, trên 97% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo giảm 4%/năm" - ông Hạng A Củ khoe.

Tháng 9 năm 2018, táo sơn tra Sơn La được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu “Táo sơn tra Sơn La”.

Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La đã trao quyền sử dụng Nhãn hiệu cho 3 đơn vị trên địa bàn huyện Bắc Yên, gồm Công ty TNHH Bắc Sơn; HTX Sơn tra Nậm Lộng (xã Hang Chú); HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Sơn tra Bắc Yên.

Bắc Yên là địa phương có khí hậu và thổ nhưỡng rất phù hợp cho sự phát triển của cây sơn tra. Từng bước đưa sơn tra thành cây trồng chủ lực, hướng tới mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng quả, những năm qua, UBND huyện Bắc Yên đã rà soát, tuyển chọn, cải tạo, lai ghép giống cây sơn tra, hướng tới hình thành vùng nguyên liệu tập trung chủ yếu tại 5 xã vùng cao Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên mở các lớp tập huấn về phương pháp, kỹ thuật chăm sóc cây; lai tạo các giống sơn tra có chất lượng, năng suất cao để đưa vào trồng. Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cách đốn tỉa, thu hái, phòng trừ sâu bệnh và các phương pháp bảo quản phù hợp để kéo dài thời gian lưu quả phục vụ chế biến. Đẩy mạnh nghiên cứu, liên kết tiêu thụ sản phẩm với các nhà máy chế biến, hướng tới sản xuất các sản phẩm từ sơn tra như táo sơn tra khô, mứt, rượu sơn tra…

Đến nay, Bắc Yên có gần 2.600ha diện tích sơn tra, trong đó, trên 1.500 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt khoảng 1.900 tấn/năm. Hàng năm, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch kết nối tiêu thụ, xuất khẩu, chế biến sản phẩm sơn tra, tập trung từ tháng 8 đến tháng 11.

Điểm nổi bật của sơn tra Sơn La là sự đa dạng mẫu mã, như sơn tra vùng Xím Vàng, Làng Chếu có quả nhỏ, khi chín có màu vàng, 2 má hồng, chua nhẹ, ít chát, thơm ngon, cây càng lâu năm quả cho thu hoạch càng nhiều.

Sơn tra tại huyện Mường La, Thuận Châu lại khác, quả to, màu vàng sáng đẹp, ăn có vị giòn. Quả sơn tra thái lát phơi khô còn là bài thuốc đông y, có tác dụng chữa một số bệnh về đường tiêu hóa, huyết áp cao, mất ngủ, tiểu đường.

z5779382452636_f0d0d4faa10a15a6ac532a186407fd3b.jpg
Những bản làng vùng cao Bắc Yên đang ngày càng "thay da đổi thịt".

Một mùa thu hoạch nữa đang về trên vùng cao Sơn La. Khắp các bản làng, tiếng nói, tiếng cười rộn rã, hòa trong tiếng khèn du dương mời gọi khách phương xa. Niềm vui ấy còn đến từ sự đổi thay của bản làng, khi những nương đồi bạc màu vì cây ngô, cây sắn ngày nào giờ được khoác trên mình chiếc áo mới của màu xanh cây trái.

Chúng tôi chào tạm biệt Bắc Yên, nơi có những bản làng vùng cao “có đường lên chồn chân vó ngựa” khi nắng chiều sắp tắt. Vẫn biết rằng sẽ còn nhiều khó khăn, song tin rằng, với những chủ trương đúng, cách làm hiệu quả, phù hợp, và quan trọng nhất là sự chủ động, thay đổi trong tư duy sản xuất của đồng bào các dân tộc nơi đây, đời sống của bà con sẽ ngày càng khởi sắc.

Cũng giống như cây sơn tra, loài cây dung dị, mộc mạc, nhưng cũng là biểu tượng rõ nét nhất cho sức sống bền bỉ của đồng bào dân tộc Mông Sơn La. Dù trong gian khó, vẫn kiên cường vươn lên, vượt qua mọi chông gai, thử thách để đón ánh bình minh!

Nguyễn Nga