Xã hội

Yên Sơn (Tuyên Quang): Nỗ lực giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới

Việt Anh 30/08/2024 16:16

(TN&MT) - Với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, thời gian qua, công tác giảm nghèo của huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện sau khi thoát nghèo đã có cuộc sống ổn định, từng bước cải thiện kinh tế gia đình, tăng thu nhập, từ đó đã góp phần thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đa dạng hóa sinh kế, phát triển nhiều mô hình giảm nghèo

Xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, UBND huyện Yên Sơn đã đề ra những giải pháp hiệu quả, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các xã, thị trấn triển khai thực hiện nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chống tái nghèo.

Hằng năm, các xã trên địa bàn huyện tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, từ đó đề ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền sâu rộng những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo, với hình thức và nội dung phong phú, linh hoạt nhằm nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.

ho-ngheo.jpg
Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo

Cùng với đó, lãnh đạo huyện Yên Sơn cũng đẩy mạnh việc cung cấp tín dụng ưu đãi với việc hướng dẫn cách làm ăn, khuyến nông và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ vào sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo.

Tiêu biểu, tại xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, lãnh đạo xã đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều nội dung và hình thức khác nhau. Trong đó tập trung các nguồn vốn ưu đãi cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, khuyến khích người dân đầu tư phát triển các mô hình trồng cây ăn quả, trồng rừng, chăn nuôi đại gia súc…

Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

Đào tạo nghề, giải quyết việc làm, là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là “chìa khóa” để các địa phương thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào. Thời gian qua, huyện Yên Sơn đã đạt được nhiều kết quả trong công tác đào tạo nghề theo các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao đời sống, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.

Theo báo cáo của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 17 lớp học nghề, đã đào tạo được 595 học viên tham gia. Các lớp được triển khai ngay tại thôn, trong đó tập trung vào các thôn có đồng bào dân tộc thiểu số với các nghề như: Điện, sửa chữa máy nông nghiệp, trồng trọt, kỹ thuật chăm sóc cây chè, chăn nuôi, …

img_7624-1-.jpg
Đào tạo nghề góp phần nâng cao đời sống, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm

Cùng với đó, huyện đã tổ chức tư vấn, đào tạo nghề cho hơn 3.635 lao động về các lĩnh vực: Y tế, may dân dụng, sửa chữa xe máy, máy nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, kỹ thuật trồng rừng, kỹ thuật nề xây dựng, nghề thủ công. Các đối tượng học nghề chiếm trên 70% là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu việc làm. Nhiều lớp đào tạo nghề đạt hiệu quả tích cực, góp phần tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện tăng từ 32,5% (năm 2010) lên 66,7% (năm 2022).

Đặc biệt, công tác đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực theo hướng đào tạo gắn với thị trường lao động. Lao động nông thôn tham gia học nghề được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản theo từng ngành nghề đào tạo, được trực tiếp tham gia vào quá trình thực hành, thực tế vận dụng vào phát triển sản xuất tại gia đình, được tư vấn nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm hoặc tự tạo việc làm.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát

Thực hiện tiêu chí Nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Sơn đã phát động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp, vận động xã hội hóa các nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa và làm mới nhà ở. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động “3 cùng” với nhân dân, tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và cộng đồng dân cư tham gia hỗ trợ nguyên vật liệu, ủng hộ ngày công lao động để giúp đỡ hộ nghèo dỡ nhà, đào móng nhà xây dựng nhà ở, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội.

Nhờ đó, sau 2 năm triển khai thực hiện đề án, đến nay huyện Yên Sơn đã hỗ trợ cho 577/764 hộ nghèo có nhà ở tạm, dột nát; đặc biệt là hộ có thành viên là người có công với cách mạng; hộ nghèo tại các xã thực hiện xây dựng nông thôn mới; hộ di dân tái định cư; hộ nghèo là dân tộc Mông xã Hùng Lợi, Trung Minh, sửa chữa và làm mới nhà ở. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 70 tỷ đồng.

nha-dot-nat-tuyen-qu.jpg
Xóa nhà ở tạm, dột nát cho người nghèo

Tính riêng từ đầu năm đến nay, tổng số nhà đã làm là 219 nhà/223 nhà. Trong đó, làm mới 192/200 nhà, đạt 96% chỉ tiêu, sửa chữa 27/23 nhà đạt 117%. Bao gồm 76 hộ nghèo tại xã về đích nông thôn mới; 181 hộ là dân tộc thiểu số; 04 hộ người Mông từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình; 28 hộ di dân tái định cư.

Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo thời gian qua đã thực sự phát huy hiệu quả giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Yên Sơn có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo. Diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện từng bước thay đổi, người dân được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản. Đời sống của Nhân dân được nâng lên, nhiều hộ thoát nghèo và trở thành hộ khá, giàu.

Những kết quả trên cho thấy chương trình giảm nghèo bền vững đã thực sự đi vào cuộc sống và huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân và của chính người nghèo, người lao động trên địa bàn huyện Yên Sơn.

Việt Anh