Xã hội

Trạm Tấu (Yên Bái): Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư giảm nghèo bền vững

Thanh Ngà 30/08/2024 16:13

(TN&MT) - Trong thời gian qua, các nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Trạm Tấu (Yên Bái) được sử dụng có hiệu quả, thiết thực và đúng mục đích. Từ đó, đã giúp cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn vươn lên thoát nghèo bền vững. Xung quanh nội dung này PV Báo TN&MT đã trao đổi với ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu.

z5771564182381_3b36ae47a889fe6923081d5141f9426e.jpg
Ông Khang A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu.

PV: Thưa ông! Xin ông cho biết kết quả công tác giảm nghèo của huyện trong năm 2023 vừa qua!

Ông Khang A Chua: Trong năm 2023, huyện Trạm Tấu đã tập trung xây dựng các công trình cơ bản như: Đường giao thông nông, lớp học, trạm y tế…cho các thôn, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của huyện.

Nhận thức của đại đa số hộ nghèo đã có sự chuyển biến tích cực, giảm dần sự ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, có ý chí tự lực, tự cường, tích cực lao động, sản xuất, tham gia học nghề để giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động, từ đó có thu nhập ổn định để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nguồn lực đầu tư cho chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện được sử dụng có hiệu quả, thiết thực, đúng mục đích bằng thông qua hình thức lồng ghép các nguồn của trung ương, địa phương, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, các doanh nghiệp và phát huy sức mạnh nội lực của người dân.

Từ những kết quả đó đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện trong năm 2023. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện (theo chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2021-2025) là 8,63%; so với chỉ tiêu tỉnh, huyện giao đầu năm là 8% đạt 107,8% kế hoạch năm.

PV: Vậy thưa ông! Để giúp người dân thoát nghèo bền vững, huyện đã có kế hoạch triển khai như thế nào?

Ông Khang A Chua: Để người dân thoát nghèo bền vững, hàng năm, huyện ủy và UBND huyện Trạm Tấu xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy, kế hoạch giảm nghèo của huyện trong năm. Cụ thể hoá các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững từ huyện đến cơ sở gắn với phân công trách nhiệm cho các cấp, các ngành, đơn vị trong việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

z5771735519347_0630c73add067c723ca925fc4c4da583.jpg
Nhiều hộ gia đình đã sử dụng hiệu quả nguồn vốn vươn lên làm kinh tế.

Chỉ đạo các ngành chuyên môn của huyện hướng dẫn, đôn đốc cấp xã xây dựng kế hoạch của từng địa phương một cách cụ thể, chi tiết đến từng thôn, bản, tổ dân phố. Căn cứ vào tình hình thực tế, nguyên nhân nghèo, thực tế thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, nhu cầu của từng hộ nghèo trên địa bàn xây để dựng phương án cụ thể, phù hợp, khả thi hỗ trợ các hộ nghèo thoát nghèo. Trong đó, tập trung vào các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo như: Giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ phát triển sinh kế đảm bảo kết quả giảm nghèo thực chất, bền vững.

Bên cạnh đó, huyện nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, giám sát của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể đối với công tác giảm nghèo bền vững.

Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động khơi dậy khát vọng tự nguyện vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo, người nghèo; xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại của các hộ nghèo vào sự trợ giúp của nhà nước và cộng đồng.

Hơn nữa, các chương trình, dự án, chính sách nhất là các nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 huyện sử dụng một cách có hiệu quả; thực hiện kịp thời, hiệu quả, đồng bộ các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, bảo đảm kết quả giảm nghèo thực chất, bền vững.

PV: Trạm Tấu là huyện vùng cao còn nhiều khó khăn của tỉnh Yên Bái trong quá trình triển khai giúp đỡ các hộ thoát nghèo huyện đã gặp thuận lợi và khó khăn như thế nào?

Ông Khang A Chua: Trong quá trình triển khai huyện gặp thuận lợi có sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của tỉnh, của huyện, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Các nguồn vốn hỗ trợ, đầu tư các dự án, chính sách từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 được thực hiện đồng bộ, lồng ghép với các nguồn kinh phí của địa phương và nguồn xã hội hóa.

Bên cạnh đó, một số bộ phận hộ nghèo có ý chí tự lực, tự cường, tích cực lao động sản xuất, làm kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Tuy nhiên, huyện cũng gặp không ít khó khăn, việc phân bổ vốn từ Trung ương đến địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 chậm.

Việc ban hành các văn bản hướng dẫn từ trung ương đến địa phương chưa thống nhất, chậm bổ sung, chỉnh sửa, khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, đặc biệt là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Nguồn kinh phí vận động xã hội hóa để hỗ trợ, giúp đỡ những hộ thoát nghèo còn thấp, chỉ mang tính chất động viên chia sẻ, khuyến khích tinh thần vươn lên thoát nghèo.

PV: Thưa ông! Trong thời gian tới, huyện có kế hoạch như thế nào để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2024?

Ông Khang A Chua: Trong thời gian tới, huyện tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác giảm nghèo bền vững. Phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, sự tham gia của người dân trong công tác tuyên truyền, vận động nhằm chuyển biến nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo.

Tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình tiêu quốc gia và các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn. Các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến công tác giảm nghèo tiếp tục xây dựng những chương trình, dự án phù hợp, để tranh thủ tối đa các nguồn kinh phí của Nhà nước hỗ trợ một cách thiết thực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo.

Thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách hiện hành để đảm bảo cho người nghèo được hưởng đầy đủ các ưu đãi về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, đồng thời huy động các nguồn lực xã hội để góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Chủ động nguồn lực tại chỗ, hỗ trợ cho người dân bị thiên tai, dịch bệnh, không để người dân đói, trẻ em bỏ học, tạo điều kiện ổn định cuộc sống và sản xuất. Sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả, cần đầu tư có trọng điểm, không dàn trải, quan tâm nhiều hơn đến những vùng đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn kỹ năng giảm nghèo cho người dân. Muốn giảm nghèo có kết quả phải xuất phát từ nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ gia đình như: Thiếu vốn, thiếu lao động, thiếu đất sản xuất, gia đình có người nghiện ma túy…trên cơ sở đó có biện pháp hỗ trợ phù hợp và phân công cụ thể cán bộ cấp xã, thôn trực tiếp giúp đỡ hộ nghèo để thoát nghèo.

Mặt khác, phát động mạnh mẽ phong trào đóng góp "Quỹ vì người nghèo" và huy động nguồn kinh phí từ xã hội hóa đến mọi tổ chức kinh tế, xã hội, các tầng lớp dân cư, nhằm huy động nguồn lực chia sẻ trách nhiệm cộng đồng để hỗ trợ cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở được hỗ trợ làm nhà mới và sửa chữa nhà ở.

Nâng cao nhận thức và tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiểm họa từ tệ nạn xã hội, ma túy; thực hiện tốt công tác xây dựng xã hội lành mạnh không có tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma túy.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Ngà