Mùa quả ngọt dưới dãy núi Hoàng Liên
Suối Mường Hoa như dài lụa đào uốn lượn quanh chân núi Hoàng Liên hùng vĩ, đưa chúng tôi đến với những bản người Mông của mảnh đất Sa Pa sơn cảnh hữu tình. Sau những ruộng lúa bậc thang đang dần ngả màu vàng óng ánh, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi thấp thoáng hiện ra. Sa Pa không chỉ được biết đến với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp hùng vĩ nên thơ, mà còn được biết đến bởi những mùa trái ngọt.
Ấm no những mùa quả ngọt
Từ trung tâm thành phố Lào Cai, sau khi ngược bảy bảy bốn mươi chín con dốc quanh co, dồn dập sẽ đến với thị xã Sa Pa, viên ngọc quý của Lào Cai. Với khí hậu mát mẻ quanh năm Sa Pa đã trở thành khu du lịch nổi tiếng không chỉ của Lào Cai mà của cả Việt Nam và thế giới. Được thiên nhiên ưu ái về khí hậu, Sa Pa đã không phụ lòng người, ngoài nổi tiếng về du lịch Sa Pa còn được biết đến là xứ sở của các loài cây ăn trái. Đào, mận, lê, dâu tây mang thương hiệu Sa Pa đã theo chân du khách đi khắp cả Việt Nam, mang đến những đổi thay cho các bản làng lưng chừng núi Hoàng Liên.
3 ngày ở Sa Pa tôi đã đi và đến được một vài vườn mận, vườn lê và cả những vườn dâu tây mà Sa Pa đang có. Thời điểm giữa tháng 6, mận Tam hoa, mận Tả Van đã chín rộ và vào cuối vụ thì lê Tai nung thì bắt đầu chín trong vườn. Anh Giàng A Chu đưa chúng tôi đi thăm vườn lê Tai nung của một số hộ trong xã Mường Hoa.
Đứng giữa vườn lê sai trĩu quả, anh Giàng A Chu, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hoa(Sa Pa) tươi cười chia sẻ, cả xã Mường Hoa được gọi là thủ phủ của các loại cây ăn trái ở Sa Pa. Hiện Mường Hoa có 124 ha cây ăn quả gồm đào 33 ha, mận 59 ha, lê 27 ha. Hàng năm cho tổng sản lượng là hơn 164,8 tấn, cho thu nhập gần 50 tỷ đồng. Vụ quả năm trước, gia đình các ông Giàng seo Vừa, Giàng A Cha, Vàng A Lử, Giàng A Sớ, Giàng A Chô, … Gia đình nào cũng bán được được từ 50 triệu đến 100 triệu đồng. Nhiều nhà đã có nhà tầng thay cho nhà cấp bốn mái ngói. Nhờ vào chuyển đổi cây ăn quả thu nhập cao thay cho cây trồng thu nhập thấp mà số hộ nghèo của xã từ 351 hộ năm 2022 xuống còn 131 hộ năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của xã giờ chỉ còn 11,30%.
Tìm hiểu thêm về xã Mường Hoa chúng tôi được biết, xã hiện tại có gần 1200 hộ đa số là dân tộc Dao, Mông sinh sống. Những năm qua, cùng với trồng ngô, trồng lúa, nhiều hộ tích cực chuyển đổi sang trồng cây ăn quả như mận, đào, lê. Năm 2023, tổng nguồn thu từ các loại cây ăn quả và các loại cây trồng khác của bà con trong xã đạt hơn 40 tỷ đồng. Đời sống được nâng lên mỗi năm có cả chục hộ dân thoát nghèo...
Giống như xã Mường Hoa, xã Ngũ Chỉ Sơn là một trong những xã có diện tích cây ăn quả lớn của Sa Pa, với tổng diện tích là 106 ha, với cây đào là 40ha, cây mận là 53 ha và cây Lê Tai nung là 13 ha. Hàng năm các loại cây ăn trái này đã cho tổng sản lượng là 124 tấn và cho thu nhập là hơn 30 tỷ đồng. Nhờ có các loại cây ăn quả cho thu nhập cao mà mỗi năm xã Ngũ Chỉ Sơn đã có gần 30 hộ thoát nghèo.
Nỗ lực đưa người dân thoát nghèo
Chia tay những bản làng của xã Mường Hoa, Ngũ Chỉ Sơn xinh đẹp, những vườn mận, vườn lê trĩu quả lung linh trong nắng vàng. Chúng tôi lại tiếp tục ngược những con dốc quanh co về với Trung tâm thị xã Sa Pa tráng lệ. Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng phòng Kinh tế Sa Pa( trước là phòng nông nghiệp) vui vẻ, hồ hởi khoe, cây ăn quả cũng là một trong những cây trồng có thế mạnh của thị xã Sa Pa chúng tôi. Với những tiềm năng về đất đai, khí hậu thuận lợi để phát triển cây ăn quả, thị xã đã và đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư phát triển để phấn đấu đến năm 2025 Sa Pa trở thành vùng cây ăn quả ôn đới trọng điểm của tỉnh Lào Cai. Đến hết năm 2023, trên địa bàn thị xã Sa Pa có 829 ha cây ăn quả ôn đới gồm cây đào 284 ha, cây mận 324 ha, cây lê 222 ha. Trong đó có 11 ha cây đào trâu tại thôn Hầu Chư Ngài, xã Mường Hoa được công nhận sản phẩm VietGap.
Hàng năm các loại cây ăn quả này cho sản lượng là 1.294 tấn với giá bán trung bình từ 30-50 nghìn đồng/kg tuỳ loại cũng đã mang về cho Sa Pa cả trăm tỷ đồng. Nhờ vậy mà công tác giảm nghèo nhờ chuyển đổi cây trồng của Sa Pa cũng từng bước được nâng lên.
Năm 2021 toàn thị xã Sa Pa chỉ còn 4850 hộ nghèo, chiếm 35.70%. Đến năm 2022 số hộ nghèo là 3855 hộ/13.556 hộ chiếm 28.44% giảm 7,26 %. Năm 2023, thị xã Sa Pa đã giảm trên 900 hộ nghèo, tỷ lệ giảm đạt 7,75% (toàn thị xã hộ nghèo chiếm tỷ 20,69%, tương đương 2.893 hộ nghèo); riêng tại 8 xã nghèo, tỷ lệ giảm nghèo bình quân đạt 9,28%.
Bên cạnh những điều kiện tự nhiên thuận lợi việc phát triển cây ăn quả trên địa bàn thị xã Sa Pa cũng còn gặp rất nhiều khó khăn như Sa Pa diện tích đất chủ yếu là đồi núi nên khó có thể việc mở rộng diện tích cây ăn quả trồng tập chung. Hình thức tổ chức sản xuất vẫn còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ...
Chi phí sản xuất đầu vào cho cây ăn quả ôn đới cao hơn nhiều so với các cây trồng truyền thống khác. Yêu cầu về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công chăm sóc cao nên bà con Nhân dân gặp khó khăn trong việc đầu tư sản xuất nếu không có hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp.
Do vậy, để tiếp tục phát triển trong thời gian tới Sa Pa sẽ tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thay đổi được nhận thức, tư duy, tập quán sản xuất từ nhỏ lẻ, truyền thống sang phát triển sản xuất cây ăn quả ôn đới hàng hóa có quy mô lớn, tập chung.
Muốn làm được vây, Quy hoạch phát triển kinh tế nông lâm nghiệp như quy hoạch vùng trồng, chủng loại cây trồng phải đi trước một bước để dần hình thành một vùng nguyên liệu cây mận đỏ Tả Van. Đây là nguồn nguyên liệu chính để làm ra sản phẩm rượu mận đỏ Tả Van, một đặc sản của vùng cao Tây Bắc.
Rồi cũng phải tính đến chuyện cơ cấu lại đất đai, để chuyển một phần diện tích đất trồng ngô, rừng sản xuất kém hiệu quả sang phát triển các loại cây ăn quả ôn đới mới có hiệu quả kinh tế cao. Với việc cơ cấu lại sản xuất, người nông dân cũng mong muốn có được cơ chế chính sách về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, HTX đầu tư vào sản xuất, chế biến cây ăn quả ôn đới.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nói chung và cây ăn quả ôn đới nói riêng là việc cần làm ngay để xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc cho các sản phẩm cây ăn quả ôn đới thế mạnh của Sa Pa.
Triển khai mạnh mẽ phát triển mạng lưới cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản các sản phẩm cây ăn quả ôn đới sau thu hoạch bằng các giải pháp thu hút tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX vào đầu tư xây dựng.
Áp dụng hiệu quả các chính sách phát triển nông, lâm nghiệp để hỗ trợ phát triển cây ăn quả ôn đới hàng hóa trên địa bàn thị xã. Đặc biệt quan tâm đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại các sản phẩm cây ăn quả ôn đới.
Chia tay Trưởng phòng Kinh tế Sa Pa Trần mạnh Hùng, chúng tôi xuống núi khi ánh nắng đã dần tắt và sương mù như những làn khói mờ dần xuất hiện trên những cung đường quanh co uốn lượn của Sa Pa. Chúng tôi tin tưởng rằng bằng những chiến lược cụ thể và sự chịu thương chịu khó của đồng bảo Mông, Dao, Tày… những mùa quả ngọt mới sẽ tiếp tục đến với đồng bào vùng cao Sa Pa.