Sức khỏe

Dốc sức tuyên truyền, tư vấn, đối thoại về bảo hiểm xã hội

Thùy Linh 20/07/2024 20:38

(TN&MT) - Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thừa Thiên Huế, tuyên truyền, đối thoại để người lao động hiểu và yên tâm công tác là nhiệm vụ hàng đầu, nhằm gia tăng số người tham gia, đồng thời hạn chế tình trạng rút BHXH một lần. Để nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và gắn kết, BHXH tỉnh đã dồn lực thực hiện đồng bộ các giải pháp đưa chính sách bảo hiểm vào thực tiễn đời sống, bảo đảm tiếp cận các doanh nghiệp và người lao động hiệu quả nhất.

Nhận thức đúng về quyền và lợi ích

Hiện nay, hệ thống BHXH đang được hoàn thiện theo hướng "linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế"; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí; giảm điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.


Nhiều người lao động đã thay đổi ý định nhận BHXH một lần, tiếp tục đóng BHXH để nhận lương hưu. Ảnh: BH
Nhiều người lao động đã thay đổi ý định nhận BHXH một lần, tiếp tục đóng BHXH để nhận lương hưu. Ảnh: BH

Chia sẻ về lý do tham gia BHXH tự nguyện, chị Hồ Thị Hiền (sinh năm 1996) cho biết, năm 2023 khi đang còn làm việc tại Dệt May Huế, được tham gia buổi đối thoại về các chính sách BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) nên chị đã hiểu về các lợi ích khi tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện nếu như không còn làm việc ở doanh nghiệp. Vì vậy, chị Hiền quyết định tham gia BHXH tự nguyện ngay sau khi nghỉ việc.

Chị Hiền đã gặp cán bộ tư vấn BHXH tỉnh để đăng ký tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng 891.000 đồng/tháng. Chị cho biết, sẽ vận động em gái cùng tham gia để sau này khi hết tuổi lao động vẫn có nguồn thu nhập ổn định từ lương hưu hàng tháng.

Tương tự chị Hồ Thị Hiền, sau cuộc đối thoại giữa BHXH tỉnh tại Nhà máy May Vinatex Hương Trà với chủ đề "Những thiệt thòi khi người lao động nhận BHXH một lần", nhiều người lao động đã thay đổi ý định nhận BHXH một lần và tiếp tục làm việc, tham gia BHXH bắt buộc để sau này hưởng lương hưu.

Chị Ngọc Hà, công nhân may công ty chia sẻ, sau khi nghe cán bộ BHXH tỉnh phân tích việc nhận BHXH một lần có thể dẫn đến những thiệt thòi về quyền lợi trước mắt và cả lâu dài; quyền lợi chế độ hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, chị và các đồng nghiệp đã từ bỏ ý định nhận BHXH một lần, tiếp tục tham gia BHXH để sau này nhận lương hưu và các quyền lợi khác.

Phát triển người tham gia các loại hình bảo hiểm

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm 2024, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 57 hội nghị khách hàng để tuyên truyền chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, đồng thời tổ chức 7 hội nghị đối thoại cho hơn 2.000 người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.

Cùng với đó, tham gia chương trình đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với hơn 500 người lao động trên địa bàn tỉnh; tổ chức tuyên truyền về BHYT học sinh, sinh viên cho hơn 1.400 sinh viên của Trường Đại học Ngoại ngữ. Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung vào vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT, quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, truyền thông để người lao động hạn chế tình trạng nhận BHXH 1 lần, về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), chi trả các chế độ BHXH không dùng tiền mặt.

Song song với đó, việc phát triển người tham gia các loại hình bảo hiểm được BHXH tỉnh triển khai ngay từ đầu năm với nhiều giải pháp tích cực; như xây dựng kế hoạch; giao chỉ tiêu phát triển người tham gia và thu BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho các đơn vị; tăng cường làm việc với các đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ các loại hình bảo hiểm cho người lao động để rà soát, phát triển người tham gia. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, BHYT tự đóng bằng nhiều hình thức.

Theo lãnh đạo BHXH tỉnh, để chính sách bảo hiểm đến với người dân nói chung và người lao động nói riêng, thời gian tới, BHXH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật để cán bộ, đảng viên và nhân dân, các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội; quyền lợi và nghĩa vụ của người dân khi tham gia.

Tiếp tục nâng cao ý thức tự giác, chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, trong đó, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm.

Đặc biệt, quản lý và giải quyết tốt các chế độ BHXH, BHYT, bảo đảm quyền lợi cho người tham gia, thụ hưởng chính sách; tăng cường kiểm tra, quản lý đối tượng hưởng, quản lý công tác chi trả, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số.

Thùy Linh