Văn Bàn (Lào Cai): Truy quét các lán trại của “phu vàng” ở Minh Lương
(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường điện tử ngày 30/07/2021 từng phản ánh về nạn đào đãi vàng ở một số khu rừng thuộc địa bàn xã Minh Lương. Vùng đất này được coi là “thủ phủ vàng gốc” hiện chỉ còn Công ty Cổ phần Vàng Lào Cai là được cấp phép đầu tư khai thác. Nhằm ngăn ngừa và chấn chỉnh tình trạng đào xới trái phép, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã lập trạm canh gác "phu vàng" xâm nhập.
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Quang Trung, Bí thư Đảng ủy xã Minh Lương cho biết: "Hàng tuần, lực lượng chức năng của xã Minh Lương đều cắt cử người đi tuần trên các cánh rừng thuộc địa bàn xã nhằm đẩy đuổi, kiểm tra các đối tượng vào khu vực này. Nếu tổ công tác phát hiện ra lều lán trái phép sẽ cho dỡ bỏ và đốt luôn" - ông Trung cho biết.
Anh Nguyễn Văn Trọng, một người dân sinh sống tại xã Minh Lương cho biết: Có những thời gian nghe tin đồn, nhiều người đổ về khu vực rừng Vầu, Pú Mẹo, Cột Cờ, rừng vầu, rừng sác, thậm chí cả vùng giáp ranh với địa bàn Nậm Xây, Nậm Xé… để khai thác vàng trái phép. Người dân dựng lán trại trên các thung đồi cao, lợi dụng lực lượng chức năng mỏng để mót quặng, đào phôi vàng trái phép. Việc tụ tập đông người gây mất an ninh trật tự địa phương và phá hoại rừng phòng hộ, gây ô nhiễm môi trường… Người dân bản địa thì ít, chủ yếu đến từ các địa phương khác như Thái Nguyên, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La…
Cũng theo anh Trọng, thời gian trước đây có khá nhiều “chủ bưởng” nổi tiếng như Tuấn “Vịnh”, Hải “nhẫn”, Hòa “taxi”… có nhiều năm lăn lộn đủ các bãi vàng từ Thần Sa, Ma Nu đến Mường Tè …
Quy trình của các “chủ bưởng” khi lên các bãi vàng ở Minh Lương này thường tìm một nẹp nào đó rồi tổ chức đào kiểu hầm lò thả sâu hầm vào lòng đất nhằm tìm kiếm vàng. Các hầm lò kiểu này thường chui sâu đến cả trăm mét vào lòng đất. Sau đó rẽ nhánh tứ phía để bám nẹp. Ước tính, mỗi mét đào sâu, họ phải mất khoảng 3 - 4 triệu đồng để nuôi nhân công, máy móc…
Được biết, nơi các đối tượng khai thác vàng trái phép nằm trong khu vực 300ha rừng phòng hộ của huyện Văn Bàn.
Một lãnh đạo UBND huyện Văn Bàn từng chia sẻ: Trong việc chống “phu vàng” giống như chống bão. Trước mỗi lần cưỡng chế, huyện thường cho lực lượng chức năng vào để người dân và một số “phu vàng” tự giác dỡ bỏ lán trại. Đối với những người không chấp hành, Huyện sẽ tổ chức cưỡng chế.
Theo thống kê của các ngành chức năng, có những lúc đỉnh điểm truy quét, đã đẩy đuổi, trục suất khoảng 300 “phu vàng”, xóa sổ 122 lán trại, 80 “chủ bưởng”, phá hủy hơn 90 hầm lò khai thác vàng trái phép…
"Hiện tại, đã giao địa bàn cụ thể cho từng đơn vị chức năng bảo vệ, nếu để vi phạm sẽ xử lý ngay cả đơn vị bảo vệ", - vị lãnh đạo này chia sẻ.