Xã hội

Kinh Môn (Hải Dương): Mô hình sắn dây giúp nông dân làm giàu

Kiên Cường 28/08/2024 - 20:42

(TN&MT) - Chúng tôi về thị xã Kinh Môn (Hải Dương) nơi được mệnh danh là “thủ phủ” sắn dây, chất lượng nổi danh khắp mọi miền quê của cả nước. Sắn dây Kinh Môn bột trắng tinh, chất lượng tốt và một số cơ sở chế biến đã đăng ký và được công nhận tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Mô hình trồng sắn dây ở thị xã Kinh Môn đã giúp cho nhiều hộ dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu từ loại cây truyền thống.

Chúng tôi được Hội Nông dân thị xã Kinh Môn giới thiệu về xã Thượng Quận, để tìm hiểu mô hình trồng sắn dây, loại củ đã cho người dân ở vùng nông thôn nơi đây thu nhập cao, vươn lên xóa đói, giảm nghèo và nhiều hộ gia đình trở nên giàu có.

Được biết, thị xã Kinh Môn hiện có trên 230 ha sắn dây, trồng ở các vùng đất bãi ngoài đê, bãi bồi ven sông, tập trung nhiều ở các xã, phường: Thượng Quận, An Phụ, Lạc Long, Hiệp An, Hiệp Hòa, Phạm Thái, Hoành Sơn… Những diện tích trước kia cấy lúa kém hiệu quả, sau khi được chuyển đổi trồng sắn dây đều cho hiệu quả kinh tế cao. Hàng năm, sắn dây đều cho thị xã Kinh Môn, giá trị kinh tế gần 100 tỷ đồng.

img_4398.jpg
Thị xã Kinh Môn hiện có trên 230 ha sắn dây, trồng ở các vùng đất bãi ngoài đê, bãi bồi ven sông,

Đón chúng tôi tại UBND xã Thượng Quận, với nụ cười niềm nở, anh Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch Hội nông dân xã, vui vẻ nói: Sắn dây ở thị xã Kinh Môn được trồng nhiều, gần như ở xã nào cũng có. Nhà trồng ít cây để dùng cho gia đình, nhà làm kinh doanh thì chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng sắn thu nhập cao gấp 5 – 7 lần trồng lúa và các loại cây trồng khác, sắn dây ít rủi ro vì sâu bệnh, mất mùa… Sắn dây của bà con trong xã thu hoạch một phần được đưa vào các cơ sở chế biến tại xã, cơ sở trên địa bàn thị xã, còn lại thương lái thu mua, vận chuyển đến các đầu mối tiêu thụ ở: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Hưng Yên.

Dẫn chúng tôi xuống thăm cánh đồng trồng sắn dây của bà con, vừa đi anh Minh vừa chia sẻ: Xã Thượng Quận có diện tích trồng sắn dây lớn nhất thị xã với 75ha, 200 hộ gia đình trồng. Ngoài ra, các hộ còn đi thuê đất ở các huyện lân cận để trồng, như hộ gia đình anh Nguyễn Văn Quảng thuê 30ha đất tại huyện Kim Thành trồng sắn dây. Hội Nông dân xã đang đẩy mạnh, xúc tiến cho bà con trồng sắn dây đăng ký sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, hiện mới có 50 hộ gia đình trồng sắn dây thôn Nghĩa Xá đạt được tiêu chuẩn này.

img_4386.jpg
Cánh đồng sắn dây của người dân xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn

Khi sản phẩm làm ra có thương hiệu thì tiêu thụ dễ dàng hơn, giá thành sản phẩm cao hơn, không lo đầu ra và người lao động sẽ yên tâm phát triển sản xuất. Các hộ chuyển đổi đất sang trồng sắn dây trong xã đều thuộc gia đình khá giả, trước đây có hộ nghèo bởi trồng lúa chỉ đủ ăn, nhưng khi chuyển sang trồng sắn dây không những dư dả, còn có của ăn của để, bởi 1 sào sắn dây mỗi năm cho thu lãi thấp nhất là 10 triệu đồng.

Để thuận lợi cho người trồng sắn, công ăn việc làm cho lao động địa phương và sản phẩm từ vùng đất trồng sắn sẽ được người tiêu dùng tin tưởng hơn… xã Thượng Quận đã mở được 41 cơ sở sản xuất bột sắn dây, nhiều cơ sở đã được công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Chúng tôi dừng lại trên cánh đồng trồng sắn dây của gia đình anh Nguyễn Văn Tạo, thôn Quế Lĩnh, Anh Tạo vừa làm vừa trò chuyện: Trồng sắn dây trước đây rất vất vả khâu làm đất, đắp ụ trồng, nhưng nay có máy móc lên người trồng đỡ rất nhiều công sức. Giai đoạn này ngọn sắn dài, phải vắt lên giàn để ngọn sắn không đâm xuống đất mọc thành gốc mới, như vậy không thể tập trung dinh dưỡng cho gốc chính để nuôi củ, củ sắn sẽ bị còi cọc, không có nhiều bột. Trước đây, nhà anh trồng 7 sào lúa hàng năm đủ ăn và không được dư dật đồng nào, thiếu trước hụt sau. Gần mười năm qua, nhờ chuyển đổi sang mô hình trồng sắn dây, mỗi năm trừ chi phí gia đình anh Tạo thu lãi khoảng 70 triệu đồng, không những đủ ăn đủ tiêu mà còn khá giả. Sắn dây xã Thượng Quận rất phù hợp với thổ nhưỡng do đất phù sa, mỗi năm chỉ phun một lần thuốc bảo vệ thực vật để diệt và phòng trừ muội đỏ, không bị rủi ro mất mùa như các loại cây trồng khác.

img_4393.jpg
Anh Nguyễn Văn Tạo, thôn Quế Lĩnh, xã Thượng Quận chăm sóc vườn sắn dây của gia đình

Đến thăm hộ gia đình anh Bùi Văn Thành, thôn Vũ Xá, gia đình vừa trồng sắn dây và đặt cơ sở sản xuất bột sắn đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Cơ sở anh Thành hàng năm bận rộn vào tháng 1 và 2 bởi khi đó người dân vào mùa thu hoạch. Hiện tại, gia đình anh tập trung vào xuất, bán sản phẩm và gửi đi các nơi theo đơn đặt hàng.

Dẫn chúng tôi đi tham quan dàn máy tự chế, anh Thành chia sẻ: Trước đây gia đình anh thuộc diện trồng nhiều sắn dây trong thôn đủ để cung cấp cho thương lái ở các tỉnh. Lúc ấy, giá sắn củ thường bị thương lái ép giá có năm 10 nghìn đồng/kg, năm 18 nghìn đồng/kg, khiến cho người trồng sắn thường bị thua lỗ, đã chán nản chuyển sang trồng loại cây khác.

img_4406.jpg
Anh Bùi Văn Thành thôn Vũ Xá, xã Thượng Quận giới thiệu máy nghiền sắn dây do anh tự chế

Chính điều này đã làm anh Thành trăn trở, suy nghĩ tại sao mình trồng ra củ sắn, không chế biến nó thành sản phẩm bán ra thị trường, người tiêu dùng sẽ tin tưởng hơn. Chính điều này đã thôi thúc anh Thành quyết tâm dựng xưởng để sản xuất sắn dây từ năm 2017. Qua gần 10 năm vật lộn, chèo lái nay thương hiệu sắn dây “Thành – Nhàn” xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã có mặt khắp mọi miền, được người tiêu dùng tin tưởng tuyệt đối, đạt chất lượng tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Anh Thành giới thiệu cho chúng tôi rất nhiều loại máy móc, như: Máy rửa, nghiền, khuấy, dây chuyền tự động… đều do lòng đam mê, anh đã mầy mò sáng tạo ra, giúp cho cơ sở của anh mỗi năm nhập vào 200 tấn của và sản xuất được 40 tấn bột, vào vụ gia đình anh thuê từ 15 – 20 người làm (tiền công từ 7 – 12 triệu đồng/tháng). Cơ sở của anh Thành đã giúp cho nhiều hộ trồng sắn dây tự tin, yên tâm với nghề và tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động có thu nhập, để có cuộc sống ổn định. Anh Thành nói: Chỉ cần hộ gia đình trồng từ 3 – 5 sào sắn dây, thì 2 – 3 năm sau sẽ thoát được nghèo, cuộc sống đảm bảo.

img_4409.jpg
Thương hiệu sắn dây “Thành – Nhàn” xã Thượng Quận, thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đã có mặt khắp mọi miền, được người tiêu dùng tin tưởng tuyệt đối, đạt chất lượng tiêu chuẩn OCOP 4 sao.

Mô hình sắn dây ở thị xã Kinh Môn đã giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, nay người dân đang nhân rộng đến nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Kiên Cường