Xã hội

Bình Phước: Chủ động hỗ trợ nông dân ứng phó thời tiết cực đoan

Phạm Hoài 28/08/2024 - 20:38

Bình Phước là tỉnh miền núi, biên giới của vùng Đông Nam Bộ. Trong những năm qua, Bình Phước có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao so với cả nước và khu vực phía Nam, quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa được đẩy mạnh, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh đó Bình Phước cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế - xã hội của tỉnh.

2(1).jpg
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đề chống biến đổi khí hậu

Mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Trước thực trạng biến đổi khí hậu ngày một ảnh hưởng lớn đến ngành nông nghiệp. UBND tỉnh đã chỉ đạo cho các sở ngành cần quan tâm chú trọng triển khai các biện pháp cấp bách trong nông nghiệp để có những thay đổi giúp người nông dân chủ động ứng phó hiệu quả với thời tiết, khí hậu ngày một cực đoan. Cụ thể, trong 10 năm qua đã chủ động chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện của tỉnh; ứng dụng kỹ thuật công nghệ, quy trình sản xuất sạch trong sản xuất nông nghiệp.

Hiện nay, toàn tỉnh có 440 ha diện tích sản xuất nhà lưới, nhà màng lắp đặt hệ thống tưới tự động; 6.088,9 ha ứng dụng tưới nước tiết kiệm. 9.710 ha diện tích sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ; 304 trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ chuồng kín, lạnh, tự động hóa toàn bộ hoặc một số khâu trong chăn nuôi; chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND thành phố, các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Bình Phước giai đoạn 2012 – 2020.

Trong giai đoạn năm 2011 - 2020, toàn tỉnh đã trồng được 4.185,38 ha rừng tập trung, 471.631 cây phân tán và chăm sóc, bảo vệ 11.576,40 ha rừng. Ngăn chặn hiệu quả nạn phá rừng, cháy rừng; duy trì vận hành 28 trạm đo mưa tự động nhằm phát hiện sớm nước lũ, mưa lớn để chủ động phòng tránh; xây dựng công cụ hiển thị và truy xuất thông tin dạng WebApp phục vụ truyền tin dự báo thời tiết…Hiện tại, các chương trình trên vẫn đang triển khai và đã có những kết quả hết đáng ghi nhận.

1(1).jpg
Triển khai nhiều mô hình công nghệ cao trong nông nghiệp để nâng cao giá trị sản xuất

Tăng cường công tác tuyên truyền

Trong thời gian qua, ngoài những cố gắng, nỗ lực để thay tổi tư duy sản xuất nông nghiệp giúp xoá đối giảm nghèo thì vấn đề nâng cao tuyên truyền, phổ biến cho người dân cũng như các đơn vị địa phương trong công tác phòng chống biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế nông nghiệp rất được quan tâm, chú trọng.

Cụ thể, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng có liên quan phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền, tập huấn các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ quản lý từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và các tầng lớp nhân dân; kịp thời cụ thể hóa các văn bản triển khai thực hiện, cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.

Trọng tâm là công tác quản lý nhà nước về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường triển khai đến các Sở, Ngành, các Tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn để tổ chức thực hiện và tuyên truyền; nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho các Ngành, các cấp, tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật ứng phó với biến đổi khí hậu; đổi mới phương pháp, loại hình giáo dục về biến đổi khí hậu cho phù hợp với tình hình thực tế để chính sách, pháp luật của nhà nước về ứng phó với biến đổi khí hậu thực sự đi vào cuộc sống xã hội.

Ngoài ra, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo; chủ động phòng, chống và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai; thích ứng với biến đổi khí hậu: Xây dựng và thực hiện các chương trình phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng; ứng dụng công nghệ chuẩn hóa và hiện đại hệ thống cảnh báo lũ sớm; Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo khí tượng thuỷ văn; xây dựng hệ thống giám sát biến đổi khí hậu; hệ thống cảnh báo lũ sớm; hệ thống quan trắc tai biến địa chất và phòng chống thiên tai…

Theo đại diện lãnh đạo tỉnh Bình Phước, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến đa dạng sinh học, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, sinh kế của người dân. Do đó, các cấp, các ngành, đoàn thể và quần chúng nhân dân cần nâng cao năng lực, ý thức, trách nhiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần làm giảm mức độ của biến đổi khí hậu. Trong đó, cần chủ động thực hiện các biện pháp trước mắt về thay đổi tư duy canh tác phù hợp từng vùng cũng như cần cân đối mật độ cây trồng theo hướng đa canh để góp phần hạn chế rủi ro cũng như có nguồn thu nhập ổn định để ổn định đời sống.

Phạm Hoài