Cơ quan chức năng phối hợp, truy quét tàu cát trên Sông Đà
(TN&MT) - Trước vấn nạn tàu cát thường xuyên khai thác trên sông Đà đoạn từ Phú Thọ chạy ngược lên hướng Hòa Bình, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) đã chủ trì công an các tỉnh, thành phố liên quan để làm rõ tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo phòng CSGT công an tỉnh Hòa Bình cho biết: Dưới sự chỉ hủy của Thủy đoàn I (Cục Cảnh sát giao thông) chủ trì, phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội, Công an tỉnh Hòa Bình, Công an tỉnh Phú Thọ và Công an huyện Ba Vì đi tuần tra, kiểm tra bằng xuồng cao tốc, nhằm ập vào nhanh vào nơi các phương tiện đang khai thác cát trên sông Đà.
Đến khoảng 9h50’, sáng ngày 26/8, tổ công tác đã phát hiện tàu thủy số hiện VP-237… đang dùng “vòi rồng” hút cát trực tiếp từ giữa lòng sông Đà. Khu vực này là địa giới hành chính giáp ranh giữa huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, xã Yên Mông, xã Thịnh Minh, TT Kỳ Sơn của TP Hòa Bình và huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Phát hiện con thuyền có dấu hiệu đáng ngờ, Tổ công tác đã yêu cầu các thuyền viên trên phương tiện dừng ngay hoạt động, thả neo và làm việc với Tổ công tác.
Qua kiểm tra, bước đầu đã xác định, trên tàu có 3 người, trong đó ông V.V.T. là người đại diện phương tiện. Ông T. không xuất trình được giấy tờ phương tiện, giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn của toàn bộ thuyền viên trên tàu; không xuất trình được giấy phép khai thác cát do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Ngoài ra, trên tàu chở còn có 192 m3 cát. Đại diện phương tiện là ông N.N.A. xuất trình được chứng chỉ chuyên môn phương tiện thủy nội địa; chứng chỉ chuyên môn thợ máy; giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện thủy nội địa có hiệu lực đến ngày 13-6-2024 (đã hết hiệu lực); không xuất trình được giấy tờ để chứng minh nguồn gốc hợp pháp số cát trên phương tiện.
Tiếp đó vào khoảng 9h55 cùng ngày, cũng tại khu vực ranh giới nói trên, tổ công tác tiếp tục bất ngờ kiểm tra phương tiện thủy gắn số đăng kiểm VP16037xxx cũng dùng “vòi rồng” thò xuống lòng sông Đà hút cát bơm lên 2 khoang chứa của tàu.
Tại thời điểm kiểm tra trên phương tiện có 2 người. Đồng thời, phương tiện này không kẻ, gắn biển số, hai bên mạn mỗi bên có gắn 1 hệ thống bơm hút cát gồm ống hút, ống rồng, sên hút và máy phát (tạo thành một hệ thống hút) ở hai bên mạn tàu. Lúc này, khoang chứa đã có 220 m3 cát.
Quá trình kiểm tra, thuyền viên làm việc trên phương tiện không xuất trình được các giấy tờ liên quan.
Cùng thời điểm trên, tổ công tác phát hiện phương tiện thủy khác không gắn biển biển số lưu hành, cũng đang hút cát trực tiếp từ lòng sông Đà lên bơm vào các khoang chứa của tàu chở gắn biển số VP-15xx.
Trên phương tiện có 3 người, trong đó ông A.V.H. là người đại diện và là quản lý trên tàu. Trong số giấy tờ ông H. cung cấp có bản photo giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trương phương tiện thủy nội địa Tàu hút, số đăng ký PT-26xx đã hết hiệu lực.
Ngoài ra, toàn bộ thuyền viên làm việc trên phương tiện không xuất trình được giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn làm việc trên phương tiện thủy nội địa theo quy định.
Kiểm tra phương tiện tàu chở biển số VP-15xx, trên phương tiện có 2 người và khoảng 80 m3 cát (được bơm từ tàu hút có biển số đăng ký PT-26xx).
Đại diện phương tiện là ông B.V.T. không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số cát trên phương tiện; không xuất trình được Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện theo quy định; toàn bộ thuyền viên làm việc trên phương tiện không xuất trình được giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn làm việc trên phương tiện thủy nội địa theo quy định.
Để phục vụ công tác xác minh xử lý vụ việc theo quy định, Tổ công tác đã mời các đơn vị chức năng xác định tọa độ khai thác cát của các phương tiện, bước đầu xác định tọa độ thuộc địa giới huyện Ba Vì (Hà Nội).
Tổ công tác thống nhất bàn giao toàn bộ 04 chiếc tàu nói trên và toàn bộ hồ sơ vụ việc về Công an huyện Ba Vì (Hà Nội) để điều tra, xác minh hành vi và xử lý theo quy định của pháp luật.
Được biết, trước đó, UBND tỉnh Phú Thọ cũng đã ký Quyết định số 3081/QĐ-XPVPHC, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Tiến Nga do vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản khi khai thác cát trên tuyến Sông Đà, tại xã Dân Quyền, huyện Tam Nông. Công ty TNHH Tiến Nga đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính gồm tổ chức khai thác cát lòng sông Đà vượt ra ngoài điểm gần nhất của ranh giới khu vực mỏ được phép khai thác (theo bề mặt) là 10,5m; khối lượng cát khai thác được trên khoang chứa hàng phương tiện tàu chở NĐ-2453 là 213,8 m3.
Căn cứ vào quy định của pháp luật, kết quả xác minh, các tài liệu và Biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực Tài nguyên nước và khoáng sản số 0016139/BB-VPHC, do Phòng Cảnh sát Giao thông - Công an tỉnh Phú Thọ lập; theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Văn bản số 5746/TTr-CAT-PC08, UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết định xử phạt Công ty TNHH Tiến Nga 120 triệu đồng vì hành vi khai thác cát lòng sông vượt ra ngoài ranh giới khu vực được khai thác; buộc Công ty Tiến Nga phải nộp lại số tiền là 21,38 triệu đồng tương ứng với trị giá của 213,8 m3 cát đã khai thác ngoài chỉ giới. Tổng mức tiền phạt mà Công ty Tiến Nga phải nộp phạt và khắc phục hậu quả là 141,38 triệu đồng.
Và gần đây nhất, UBND tỉnh Phú Thọ đã phải yêu cầu Công ty TNHH Tiến Nga tạm dừng hoạt động khai thác khoáng sản đối với mỏ cát lòng sông Đà, thuộc xã Dân Quyền, huyện Tam Nông nhằm theo dõi, đánh giá chính xác ảnh hưởng của việc khai thác đến lòng, bờ, bãi sông theo quy định.