Xã hội

Làm giàu từ nuôi thủy sản bền vững

Kiên Cường 28/08/2024 - 11:02

(TN&MT) - Là huyện ven biển, Giao Thủy (Nam Định) đã phát huy lợi thế là vùng đất có nhiều ao đầm nước lợ, nước ngọt nuôi trồng thủy sản giúp nhiều hộ nông dân vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên đồng đất ven biển. Nuôi trồng thủy sản nay đang là hướng đi để huyện Giao Thủy phát triển kinh tế, xã hội.

Về huyện Giao Thủy (Nam Định), chúng tôi được biết các mô hình nuôi trồng thủy sản mà nhiều năm qua đã cho các hộ nông dân xã vùng ven biển có cuộc sống khấm khá, nhiều hộ vươn lên xóa đói giảm nghèo, thu nhập cao với số tiền lãi vài trăm triệu một năm.

img_4197.jpg
Các mô hình nuôi trồng thủy sản ở huyện Giao Thủy (Nam Định) đang là hướng đi phát triển kinh tế tại địa phương

Chúng tôi được chị Vũ Thị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, nhiệt tình dẫn đi một số xã. Trên con đường nhựa, rồi đến bê tông láng cóng, sạch bóng vừa đi chị Mai vừa trò chuyện: Giao Thủy là huyện cuối cùng của tỉnh Nam Định, có nhiều xã giáp biển và ao hồ nước lợ, ngọt thuận lợi cho việc phát triển kinh tế nuôi trồng thủy sản, để xóa đói giảm nghèo. Nhận thức sâu sắc được việc phát triển thế mạnh kinh tế địa phương các cấp bộ đảng, chính quyền từ trên xuống dưới đã đồng lòng quyết tâm, chính vì vậy bộ mặt của quê hương, làng xóm đã hoàn toàn nhiều đổi thay.

Chị Mai bằng giọng hồ hởi cho biết, năm 2024, sơ kết công tác 6 tháng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt 35.550 tấn, bằng 110,2% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khai thác đạt 9.050 tấn, bằng 102,6% so cùng kỳ, nuôi trồng 26.500 tấn, bằng 113,1% cùng kỳ. Trên diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ của huyện Giao Thủy chủ yếu là nuôi tôm, ngao cho các hộ thu nhập và phát triển ổn định. Hiện nay, huyện Giao Thủy nuôi tôm Sú quảng canh kết hợp là 1.684ha, đạt 100% kế hoạch. Diện tích nuôi ngao là 1.100ha đạt 60,3% diện tích. Diện tích nuôi tôm thẻ 425ha, diện tích sử dụng để ương ngao giống là 190ha.Phòng thường xuyên cử cán bộ chuyên môn phối hợp các hộ nuôi trồng để theo dõi bệnh dịch. Vừa qua, do có nhiều trận mưa lớn, thời tiết thay đổi đột ngột vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, cá nước ngọt có hiện tượng chết cục bộ đã được xử lý kịp thời, kiểm soát tốt.

Chia sẻ của chị Mai, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Giao Thủy vẫn đang còn dở, chúng tôi đã đến xóm Hải Phong, xã Giao Phong. Xã được giới thiệu là điển hình phong tráo nuôi tôm thẻ chân trắng và ngao giống cung cấp ra thị trường, hiện nay xã có khoảng 70 hộ, với diện tích nuôi khoảng 70ha.

img_4193.jpg
Hộ nuôi tôm nhà ông Cao Phương Trình pha trộn thức ăn cho tôm thẻ chân trắng

Đến thăm hội nuôi thủy sản, ông Cao Phương Trình, hộ có thâm niên hàng chục năm, với diện tích 3ha ao. Dẫn chúng tôi đi thăm quan các ao tôm được quy hoạch vuông vức, đường đi đều được trải bê tông sạch sẽ, ông Trình, chia sẻ: Ao nuôi tôm phải đảm bảo đạt chuẩn, khử trùng 100% bởi tôm rất nhạy cảm và nhất là bẩn không đảm bảo vệ sinh sẽ chết hàng loạt, tiền của đầu tư rất lớn nếu chết sẽ phá sản. Với các diện tích ao, ông Trình đầu tư mười năm qua đến nay nên đến vài chục tỷ đồng, hàng năm được mùa, được giá ao tôm nhà ông cho thu lãi vài tỷ đồng.

Con tôm cho thu lãi cao, nhưng rủi ro lớn nếu làm nghề này không tâm huyết, chuyên sâu… ông Trình, nói: Nghề nuôi tôm rất vất vả, còn hơn là nuôi con mọn ngày đêm phải sát sao chỉ cần đêm ngủ quên lỡ mất điện, khoảng vài chục phút thì trả giá bằng cả ao tôm với bao mồ hôi, công sức tiền của. Thức ăn cho tôm được chọn lựa kỹ càng, pha trộn đầy đủ thành phần dinh dưỡng và chia đều (ngày ăn 4 lần) cho ăn nhiều quá tôm bội thực chết, ăn không đủ còi cọc không thể lớn và phát sinh bệnh tật. Người nuôi tôm phải thường xuyên theo dõi màu nước, nếu màu nước đang đục chuyển sang màu xanh là đang bị tảo độc cần phải xử lý ngay không tôm sẽ phát sinh bệnh tật. Một năm, các ao tôm thu hoạch được khoảng 50 tấn (giá thị trường từ 180 – 220 nghìn đồng/kg) lãi được 500 – 700 triệu đồng/năm. Ngoài việc, nuôi tôm thẻ chân trắng ông Trình còn kết hợp nuôi ngao giống.

img_4201.jpg
Mô hình nuôi tôm nhà ông Trình đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương

Nuôi trồng thủy sảng giúp gia đình ông Trình vươn lên làm giàu và tạo được công ăn việc làm thường xuyên cho 10 – 20 lao động tại địa phương (mỗi tháng 7 triệu đồng). Đây đều là các hộ nông nhàn, hoàn cảnh khó khăn, từ khi có việc làm từ ao tôm đều vươn lên thoát nghèo, đảm bảo cuộc sống ổn định.

Chia tay với ông Trình, chúng tôi đến xóm Thức Hóa Nam, xã Giao Thịnh tham quan mô hình nuôi cá nước ngọt có tiếng trong huyện của anh Đỗ Văn Khương. Ở tuổi 42, nhưng anh Khương đang sở hữu diện tích 3ha ao nuôi trồng lượng lớn thủy sản cá nước ngọt, bao gồm: cá thịt, cá cảnh, cá giống…

img_4205.jpg
Mô hình nuôi cá nước ngọt của anh Đỗ Văn Khương xóm Thức Hóa Nam, xã Giao Thịnh

Anh Khương chậm rãi kể: Anh quê ở Thái Bình, trước đây làm nghề cá giống đi nhiều nơi để tư vấn, bán cá. Khi đến mảnh đất Gia Thủy, thấy nơi đây có nhiều ao, hồ để phát triển nghề nuôi thủy sản anh đã quyết tâm ở đây lập nghiệp thuê đất (năm 2009) cải tạo 3ha ao hồ. Ban đầu, ít vốn anh Khương làm dần từng ao và từ tiền lãi của ao cá lại đầu tư cải tạo tiếp các ao, cho đến nay cả 3ha ao của anh đã bài bản đẹp đẽ, các ao nuôi các loại cá thịt: Trắm, Lăng và cá chép Koi bán làm cá cảnh. Cơ sở nuôi trồng thủy sản của anh Khương thường xuyên tạo công ăn việc làm cho 5 – 7 lao động địa phương, mỗi tháng từ 7 – 8 triệu đồng. Trước đây cuộc sống gia đình anh Khương khó khăn, nhờ phát triển mô hình nuôi trồng thủy sản, mỗi năm gia đình anh xuất bán 60 tấn cá thịt, 10 – 15 tấn cá giống và các loại cá cảnh, thu lãi trên 1 tỷ đổng. Chính vì vậy, gia đình anh Khương nay đã trở thành hộ khá giả, làm kinh tế giỏi địa phương.

img_4209.jpg
Các mô hình nuôi cá nước ngọt của anh Khương mỗi năm cho thu lãi hàng tỷ đồng

Phát triển mô hình kinh tế nuôi trồng thủy sản ở huyện Giao Thủy (Nam Định) đang là hướng đi đúng đắn giúp nhiều hộ gia đình làm giàu, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương tăng thêm thu nhập xóa đói giảm nghèo.

Kiên Cường