Xã hội

Về nơi đất nhiễm mặn vẫn đang cho "trái ngọt"

Bạch Thanh 28/08/2024 - 10:58

(TN&MT) - Trở lại Ba Tri lần này, tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của một huyện vùng ven biển của tỉnh Bến Tre. Giờ đây, từ đô thị đến tận làng quê, đâu đâu cũng có những con đường giao thông thảm nhựa thoáng rộng, nhiều ngôi nhà kiên cố khang trang mọc lên san sát. Cuộc sống mới đang hiện hữu trên mảnh đất thuần nông, nơi mà người dân thường xuyên phải đối mặt bởi tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn...

h3.jpg
Giao thông nông thôn được đầu tư mở rộng

Sáng sớm, chúng tôi đến Ba Tri khi cơn mưa vừa tạnh, sau một vài câu chào hỏi xã giao, anh Phan Văn Xuân là người dân gắn bó lâu đời tại làng quê Lạc Địa (xã Phú Lễ) nói vui: "Lâu lắm rồi mới thấy nhà báo ghé thăm. Nhà báo thấy quê hương tôi có khởi sắc, đổi thay nhiều lắm không?". Tôi đang lưỡng lự chưa kịp trả lời, anh cười tươi rồi dẫn chúng tôi ra tận cánh đồng lúa trước nhà đang thời kỳ chín vàng, trĩu hạt. Hướng mắt vào đám ruộng lúa, anh không giấu được sự vui mừng khi chia sẻ về sự đổi thay, bức phá vươn lên của chính quê hương mình.

Trong câu chuyện anh Xuân kể rằng, vùng đất này xưa kia là căn cứ cách mạng, là khu trũng thấp, ngập sâu trong nước, lại thường xuyên bị nhiễm phèn mặn, sản xuất lúa kém hiệu quả nên người dân tận dụng nuôi cá đồng và canh tác cây trồng thích hợp để cải thiện cuộc sống gia đình. Thế nhưng những năm gần đây, nhờ hệ thống thủy lợi được đầu tư xây dựng và thay đổi phương thức sản xuất nên sản xuất xuất lúa từ một, đến hai rồi ba vụ ăn chắc, đời sống người dân trở nên khấm khá.

h2..jpg
Ba Tri đột phá phát triển kinh tế về hướng Đông

Điển hình như vụ Đông Xuân vừa qua, xã Phú Lễ có năng suất thu hoạch bình quân đạt 650 tạ/ha. Đặc biệt trong nông nghiệp, người dân nơi đây đã tận dụng triệt để diện tích đất và phụ phẩm nông nghiệp để phát triển chăn nuôi bò. Hiện tổng đàn bò toàn xã có trên 5.000 con, đây như là một nghề truyền thống và là địa phương có mật độ chăn nuôi bò lớn nhất của huyện Ba Tri. Ngoài ra, trong phát triển kinh tế - xã hội, Phú Lễ còn có nhiều nghề truyền thống khác như: đan đát, nấu rượu… cũng góp phần nâng cao thu nhập cho của bà con.

Đi sâu tìm hiểu chúng tôi được biết, trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến gay gắt, nhất là tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn như mùa khô vừa qua, nhiều địa phương của tỉnh Bến Tre gặp khó khăn về nước ngọt nhưng đối với Ba Tri thì cơ bản có đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt cho người dân. Đó chính là hiệu quả của Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp – một dự án được đầu tư xây dựng sau mùa hạn mặn lịch sử 2015 – 2016 có diện tích 60ha, với sức chứa khoảng 01 triệu mét khối nước.

h1(1).jpg
Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp đã phát huy hiệu quả

Về vấn đề này, chúng tôi đến tận vùng ven biển xa xuôi của Ba Tri như Bảo Thuận, Bảo Thạnh, Tân Thủy, Tiệm Tôm,… khi được hỏi thì nhiều người vui vẻ nói rằng: “Trước đây khi mặn lên, nước ngọt trong kênh rạch cũng không có. Nước uống thì phải đổi với giá rất cao. Từ lúc có hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp tới bây giờ, nhìn chung trên địa bàn người dân đỡ lo lắng về nguồn nước sinh hoạt”. Theo người dân, chủ trương của Nhà nước để xây dựng hồ chứa nước ngọt này là rất kịp thời; và trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp như hiện nay, nếu sớm có thêm hồ chứa nước ngọt nữa để đáp ứng trong trường hợp mặn xâm nhập là rất cần thiết.

Thực tế hiện nay, tỉnh Bến Tre đang tập trung thi công xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ (Ba Tri) có dung tích 2,3 triệu mét khối trên diện tích sử dụng đất 126,8ha. Đây là quỹ đất công do Nhà nước quản lý đã được chính quyền địa phương lựa chọn xây dựng các công trình phục vụ phát triển dân sinh, kinh tế cho khu vực. Đặc biệt là khi hoàn thành, vùng dự án này sẽ chuyển thành khu du lịch sinh thái, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong vùng.

Qua trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Ba Tri chúng tôi được biết, với lợi thế nguồn lao động dồi dào và các sản phẩm từ nông nghiệp, thủy hải sản, sản phẩm OCOP, huyện đã và đang ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như: nuôi trồng và chế biển thủy hải sản, năng lượng, đô thị, hạ tầng công nghiệp, logistics, du lịch sinh thái biển. Kết quả những tháng đầu năm nay, tổng giá trị sản xuất các khu vực tăng so với cùng kỳ.

Đặc biệt là huyện đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả phòng, chống xâm nhập mặn và giảm nhẹ thiệt hại cho cây trồng, vật nuôi. Tình hình sản xuất nông - lâm - thủy sản tương đối thuận lợi, tăng trưởng 3,41% so cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ổn định, giá trị sản xuất ước đạt 1.984 tỷ đồng. Giá trị thương mại - dịch vụ 6.958 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 73 triệu đồng/người/năm…

h4..jpg
Ba Tri tạo ra những bước đột phá góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Chia sẻ việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện Ba Tri Dương Minh Tùng cho hay, thời gian qua, huyện quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lợp nhân dân, nhất là người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dây ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo. Đồng thời tổ chức tốt các dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển nhân rộng mô hình giảm nghèo thường xuyên, sâu rộng; hộ tự nguyện tham gia dự án, tổ chức cộng đồng thống nhất và quá trình tham gia dự án có sự giám sát của người dân.

Theo ông Dương Minh Tùng, thời gian tới, huyện Ba Tri sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là các giải pháp khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế kinh tế biển. Tập trung phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời thực hiện đột phá trong huy động, khai thác các nguồn lực, vận dụng linh hoạt các giải pháp tạo nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Lần này trở lại Ba Tri, chúng tôi thật sự cảm nhận được những thay đổi, bứt phá vươn lên ở nơi vùng đất nhiễm mặn ven biển này. Trong ấy, có những cảm giác vui mừng trước những chuyển biến không chỉ về kinh tế, đời sống sinh hoạt của người dân, mà quan trọng hơn hết vẫn là Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn tạo ra những bước đột phá, góp phần nâng cao đời sống người dân, đưa quê hương ngày càng phát triển và để tương lai sẽ trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa biển của tỉnh Bến Tre.

Bạch Thanh