Xã hội

Hà Giang: Giảm nghèo từ những mô hình sinh kế của HTX ở vùng cao

Việt Anh 28/08/2024 - 10:57

(TN&MT) - Trước đây, nông dân ở vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang hầu như chỉ quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo kiểu mạnh ai nấy làm, ít quan tâm đến khái niệm liên doanh, liên kết để sản xuất ra những sản phẩm hàng hóa. Tuy nhiên, sự phát triển của các HTX thời gian gần đây đã đóng góp tích cực vào giải quyết việc làm, hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.

Thoát nghèo nhờ tham gia HTX

Với việc phát triển các mô hình kinh tế tập thể đã và đang giúp Hà Giang xây dựng hiệu quả các mô hình giảm nghèo bền vững để nhân rộng. Góp phần đề cao tinh thần tương thân tương ái, vì cộng đồng, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Theo đánh giá của các ngành chức năng, phát triển kinh tế tập thể, HTX là một trong những hướng đi đúng đắn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân liên kết phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Theo thống kê, đến nay Hà Giang đã có có 722 HTX và 6.232 tổ hợp tác hoạt động đa dạng trong các ngành và các lĩnh vực, đặc biệt là những ngành nghề như nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản, tín dụng nhỏ, tiểu thủ công nghiệp, vận tải hàng hóa, hành khách...

Một trong những mô hình, dự án mang lại hiệu quả rõ nét nhất trong công tác giảm nghèo đó là hỗ trợ người dân phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thông qua mô hình kinh tế tập thể.

122_20231224172638.jpg
HTX Phìn Hồ tiêu biểu của Hà Giang về sản xuất, chế biến kinh doanh chè

Tiêu biểu như mô hình tại HTX sản xuất chế biến chè Phìn Hồ (huyện Hoàng Su Phì). Tiền thân của HTX là một tổ hợp tác nhỏ lẻ, song nhờ tận dụng tốt lợi thế cùng sự nỗ lực đẩy mạnh liên kết, đến nay HTX đã phát triển, có quy mô lớn với sản phẩm trà có thương hiệu Fìn Hò Trà. Với sự trợ giúp về vốn, cơ chế chính sách thông thoáng, kịp thời của các huyện, các ngành và Liên minh HTX tỉnh Hag Giang, HTX Phìn Hồ đã có sự phát triển mạnh trở thành một trong những HTX tiêu biểu của Hà Giang về sản xuất, chế biến kinh doanh chè.

uploadfile_000075716.jpg
Sản phẩm thổ cẩm của HTX Dịch vụ tổng hợp Nông, lâm nghiệp thôn Sà Phìn A, xã Sà Phìn (Đồng Văn) ngày càng phong phú, hấp dẫn người tiêu dùng

Cũng nhờ sự hỗ trợ của địa phương trong hình thành vùng nguyên liệu và hỗ trợ cơ sở vật chất, HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Sà Phìn A (huyện Đồng Văn) chuyên sản xuất vải lanh truyền thống đã hình thành chuỗi khép kín, cung cấp nguyên vật liệu, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm cho 95 thành viên ở xã Sà Phìn và nhiều xã trong huyện Đồng Văn.

Đến nay, HTX có đơn đặt hàng ổn định từ các nước như Hà Lan, Đức, Mỹ, Nhật. Bên cạnh đó, các cửa hàng thời trang trong nước cũng nhập sản phẩm của HTX. Với công việc đều đặn, các thành viên của HTX có thu nhập ổn định từ 6-8 triệu đồng/tháng. Năm 2023, nhờ tham gia HTX, đã có nhiều hộ thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

Khai thác thế mạnh địa phương

Với mục tiêu khai thác các nguồn lực và phát huy thế mạnh sẵn có của mỗi địa phương, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX, từ đó nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo.

ha-giang.jpg
HTX Nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê tạo thu nhập cho hàng trăm hộ dân nghèo

Như HTX Nông lâm nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn, xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê một trong những đơn vị đi đầu trong việc sản xuất, chế biến tinh bột và củ nghệ sấy khô, 6 tháng đầu năm nay, HTX Ngọc Sơn đã sản xuất được 10,85 tấn tinh bột và củ nghệ sấy khô. Đồng thời, liên kết xuất bán được 658,5 tấn nghệ tươi cho nông hộ tại các xã Minh Ngọc, Yên Định, Minh Sơn, Yên Phong…

Chị Trần Thị Sáu, Giám đốc HTX cho biết, từ khi HTX đi vào hoạt động, hiệu quả về kinh tế cho nông dân trong xã và khu vực tăng lên rõ rệt, nhiều gia đình trồng xen canh cây nghệ có thu nhập khá, ổn định, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm hộ dân tại các xã Minh Sơn, Minh Ngọc, Yên Phong, Đường Hồng và thị trấn Yên Phú. Có những hộ hàng năm thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng từ việc trồng và thu mua sản phẩm nghệ tươi bán cho HTX.

Ngoài việc liên kết sản xuất tăng thu nhập cho nông dân, HTX còn sử dụng hàng chục công nhân là người địa phương của xã Minh Ngọc để trực tiếp sản xuất, chế biến tinh bột nghệ với mức thu nhập từ 6 triệu - 8 triệu đồng/tháng, góp phần giảm nghèo và làm giàu ngay tại quê nhà.

Ông Nguyễn Bình Giang, Chủ tịch UBND xã Minh Ngọc cho biết, HTX Ngọc Sơn đã tạo ra bước đột phá nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm tinh bột nghệ cao cấp, đáp ứng nhu cầu về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, góp phần hình thành chuỗi sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Đặc biệt, người dân đã được tiếp cận với kiến thức hữu ích trong sản xuất nông nghiệp, cùng sự thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức trong phát triển kinh tế, đã gắng sức vươn lên khắc phục những khó khăn, tạo việc làm, mang lại thu nhập ổn định”, ông Nguyễn Bình Giang chia sẻ.

Có thể thấy, việc triển khai hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế ở Hà Giang thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn thông qua tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản…

Việt Anh