Doanh nghiệp - doanh nhân

Hà Nội: Nhiều tiềm năng xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn

Trung Dũng 27/08/2024 - 17:28

Nhiều chuyên gia đánh giá, Hà Nội đang có tiềm năng và cơ hội lớn phát triển, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, trong đó có ngành công nghiệp bán dẫn.

Luật Thủ đô số 39/2024/QH15 ngày 28/6/2024 xác định rõ, ngành bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên trong thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn theo quy định vào lĩnh vực bán dẫn sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư của Hà Nội.

1.jpg
Ngành bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên trong thu hút nhà đầu tư chiến lược của Thủ đô

Phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong tổng thể phát triển của Vùng Thủ đô

Tại buổi tọa đàm “Xây dựng hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Hà Nội, Việt Nam” được tổ chức mới đây, TS. Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ đi theo hai hướng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, dẫn tới việc hình thành và phát triển các ngành công nghiệp mới. Vì vậy, việc xây dựng hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của việc xây dựng các ngành công nghiệp số và công nghiệp xanh.

TS. Nguyễn Nhật Quang đề xuất, đối với Hà Nội nên xây dựng hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn với quy mô thành phố thông minh. Thủ đô cần có các đề án quy hoạch chung và quy hoạch xây dựng Hà Nội có nội dung thể hiện quyết tâm xây dựng Hà Nội trở thành thành phố thông minh.

2.jpg
Xây dựng hệ sinh thái bán dẫn cần đặt trong tổng thể của việc xây dựng các ngành công nghiệp số và công nghiệp xanh

Để trở thành thành phố thông minh, Hà Nội sẽ cần xây dựng hạ tầng thông tin kỹ thuật số mạnh và an toàn. Tất cả các hạ tầng kỹ thuật đô thị (giao thông, năng lượng, cấp - thoát nước, cây xanh, chiếu sáng, xử lý rác thải…) sẽ phải được thông minh hóa.

Để hiện thực hóa điều này đòi hỏi sử dụng số lượng lớn chip bán dẫn. Vì thế, Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung cần có năng lực tương ứng về công nghệ điện tử, công nghệ bán dẫn nhằm xây dựng và vận hành các đô thị thông minh một cách an toàn và bền vững.

Trên thực tế, vành đai công nghiệp bán dẫn đã bắt đầu hình thành trong vùng Thủ đô (Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang…). Vì vậy, Hà Nội cần phát triển hệ sinh thái bán dẫn trong tổng thể phát triển của cả vùng Thủ đô cũng như của cả nước. Hỗ trợ, dẫn dắt các địa phương (đào tạo nguồn nhân lực, hậu cần…) và thu hút đầu tư vào các phân khúc cao hơn trong chuỗi giá trị.

Bài toán mấu chốt để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn

Theo GS.TS. Chử Đức Trình, Hà Nội hội tụ những điểm mạnh về vị trí địa lý, giao thông, dân số, giáo dục và thị trường nhân lực, chính sách. Mới đây Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, đã xác định bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của thành phố. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng thu hút đầu tư.

3.jpg
Bán dẫn là lĩnh vực được ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược của thành phố Hà Nội

Bài toán mấu chốt để tham gia vào chuỗi cung ứng bán dẫn là Việt Nam cần chọn được mắt xích và phải chọn được mắt xích quan trọng, phù hợp với lợi thế để đầu tư, phát triển. Việt Nam hay bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, dù mạnh cũng không thể hoàn toàn làm chủ được công nghệ bán dẫn.

Chọn được đúng vị trí sẽ giúp Thủ đô nói riêng, Việt Nam nói chung phát triển công nghiệp bán dẫn hợp lý, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh bền vững.

PGS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài phân tích, Hà Nội chưa thực sự khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6%, thấp hơn mức bình quân 6,42% của cả nước. Thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lũy kế đến cuối năm 2023, Hà Nội đạt 41,17 tỷ USD, chiếm 8,8% cả nước.

Trong hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam, Hà Nội hiện mới chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ cả về số lượng doanh nghiệp cũng như lực lượng lao động. Trong số hơn 5.000 kỹ sư thiết kế vi mạch tại Việt Nam, 85% làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội chỉ chiếm 8%. Lý do là bởi việc tiếp cận tư duy, hành động đổi mới sáng tạo vẫn còn diễn ra tương đối chậm. Ngoài ra còn vì chậm đổi mới mô hình tăng trưởng, chậm cải tiến sự phối hợp giữa chính quyền Thủ đô với các Bộ, ngành Trung ương với các viện khoa học, trường đại học.

Bàn về giải pháp, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho rằng, để tận dụng cơ hội sẵn có, Hà Nội cần xây dựng cơ chế riêng, đồng thời có bộ tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược được hưởng chính sách ưu đãi.

Cũng theo ông Khoa, Hà Nội cần lập chiến lược dài hạn trong 10 năm, học hỏi các quốc gia đi trước, nhất là nơi có hệ sinh thái đào tạo, cung ứng, sản xuất thiết bị điện tử nói chung và bán dẫn nói riêng.

Ngoài ra để thu hút đầu tư trong công nghiệp bán dẫn, các chuyên gia cho rằng, Hà Nội cần triển khai các ưu đãi đầu tư đối với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp khi tham gia đầu tư, phát triển công nghiệp bán dẫn tại địa bàn.

Trung Dũng