Bến Tre: Phát triển xanh, bền vững, hướng tới Net Zero
(TN&MT) - Tỉnh Bến Tre có hơn 79 ngàn ha dừa, 25 ngàn ha cây ăn trái và gần 7 ngàn ha rừng ngập mặn. Đây là những tiềm năng lớn, tạo nguồn cung cấp tín chỉ carbon. Hiện nay, Bến Tre đang phát triển cây trồng phát thải carbon thấp, đặc biệt là cây dừa theo hướng tập trung phát triển xanh, bền vững và hướng đến Net Zero để nâng cao thu nhập cho người dân.
PGS.TS. Lâm Văn Tân - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bến Tre cho biết: Trường Đại học Cần Thơ vừa phối hợp với các tổ chức thế giới để nghiên cứu một số nơi cho thấy, khả năng hấp thụ carbon vườn dừa của Bến Tre rất là lớn và đáp ứng được yêu cầu để cung cấp tín chỉ carbon. Đặc biệt, tỉnh có chiều dài bờ biển 65km, phù hợp với phát triển năng lượng sạch như: năng lượng điện gió, điện mặt trời và khả năng phát triển hydro xanh rất tốt. Đó là những năng lượng mới, góp phần cho việc giảm phát thải carbon.
Hơn nữa, theo tầm nhìn chiến lược cũng như quy hoạch kinh tế - xã hội của Bến Tre đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050, tỉnh có quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn, sạch, đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu của thế giới. Đối với quy hoạch sản xuất công nghiệp là thu hút các nhà máy ít phát thải và tiến tới xây dựng nền kinh tế của địa phương theo hướng nền kinh tế xanh, bền vững và hướng tới Net Zero. Thực tế trong thời gian qua, các viện, trường đại học và địa phương Bến Tre cũng đã xây dựng rất nhiều mô hình như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, góp phần cho địa phương phát triển nền kinh tế xanh và kinh tế bền vững.
Mới đây, UBND tỉnh Bến Tre cũng đã phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo “Bến Tre phát triển xanh và bền vững - hướng tới Net Zero”. Mục tiêu của Hội thảo là nhằm xác định các vấn đề về lý luận, tham vấn ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý trong và ngoài nước về chiến lược phát triển của ngành dừa; vừa khai thác các tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của ngành, vừa xây dựng hoàn chỉnh chuỗi giá trị dừa. Cơ hội mới trong việc xây dựng tín chỉ carbon là nhằm đánh giá, chứng nhận và tìm kiếm thị trường để tiêu thụ tín chỉ carbon.
Sau sự kiện trên, Bến Tre còn kiến nghị Bộ, ngành Trung ương tiếp tục hỗ trợ chương trình về ngành dừa cũng như hỗ trợ nghiên cứu công nghệ sản xuất giống, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng chất lượng cao, công nghệ chế biến sâu, hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ ngành dừa. Đề nghị các viện, trường đại học nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ về ngành dừa cho tỉnh; nghiên cứu cơ bản sang nghiên cứu ứng dụng và đặc biệt là nghiên cứu nhân rộng. Riêng đối với tổ chức quốc tế thì hỗ trợ dự án xây dựng tín chỉ carbon và thị trường carbon, hỗ trợ thị trường tiêu thụ ngoài nước, hỗ trợ chuyển giao công nghệ chế biến sâu cho ngành dừa.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, với diện tích trồng dừa lớn, chiếm 40% cả nước, Bến Tre được mệnh danh là "Xứ sở dừa Việt Nam” giúp địa phương thu về hơn 400 triệu USD/năm. Trong quá trình phát triển, tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện để phát huy lợi thế về tiềm năng của cây dừa, một trong những cây công nghiệp chủ lực của tỉnh. Lãnh đạo Bến Tre luôn quan tâm và tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư và tăng cường đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến dừa gắn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thị trường quốc tế. Đến nay, các sản phẩm từ dừa của Bến Tre đã xuất khẩu sang 90 quốc gia và vùng lãnh thổ, thị trường xuất khẩu các sản phẩm từ dừa tiếp tục được các doanh nghiệp giữ vững và mở rộng.
Theo các nhà nghiên cứu, với diện tích dừa trên 79 ngàn ha, Bến Tre có tiềm năng lưu trữ từ 1,9 - 5,8 triệu tấn CO2 (chưa kể cây dưới tán dừa). Ngành nông nghiệp Bến Tre đã và đang tập trung để tiếp tục phát triển nông nghiệp sinh thái, tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ, bảo tồn và sử dụng và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có để giảm phát thải, khoanh nuôi phục hồi rừng để nâng cao chất lượng và trữ lượng carbon; chủ động phối hợp với các chuyên gia tiếp tục nghiên cứu tiềm năng, giá trị của thị trường carbon đối với ngành nông nghiệp, nhất là đối với cây dừa và cây lâu năm.
Chia sẻ tại Hội thảo “Bến Tre phát triển xanh và bền vững - hướng tới Net Zero” mới đây, các chuyên gia, các nhà khoa học cho rằng, không chỉ có khả năng chống chịu tốt, cây dừa còn góp phần quan trọng vào việc bảo tồn đất đai và duy trì độ phì nhiêu của đất. Rễ cây dừa ăn sâu và rộng, giúp tăng cường khả năng giữ nước và ngăn chặn xói mòn đất, góp phần bảo vệ môi trường sống của nhiều loài sinh vật khác. Sản phẩm từ dừa, đặc biệt là các sản phẩm có khả năng thay thế các vật liệu từ nhiên liệu hóa thạch như nhựa cũng đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải carbon. Riêng các sản phẩm từ xơ dừa và gáo dừa có thể được sử dụng làm vật liệu xây dựng, sản phẩm cách nhiệt, hoặc thậm chí là các sản phẩm sinh học có thể phân hủy, thay thể các vật liệu không thân thiện với môi trường.
Theo PGS.TS. Trần Trung Tính, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán, nước biển dâng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là các loại cây trồng có giá trị cao. Song, cây dừa đã chứng tỏ khả năng thích ứng tốt với các điều kiện khắc nghiệt và giúp cây dừa trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực trong việc cải thiện và bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động của biến biến đổi khí hậu đối với sản xuất nông nghiệp.
Với tiềm năng lưu giữ carbon và hướng tới nền sản xuất carbon thấp, PGS.TS. Trần Trung Tính cho rằng, một giá trị mới, quan trọng khác của cây dừa chính là tiềm năng lưu giữ carbon, đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hướng tới nền sản xuất carbon thấp. Cây dừa với sinh khối lớn và tuổi thọ lâu năm có khả năng hấp thụ một lượng lớn CO2 từ khí quyển trong suốt vòng đời của nó. Còn các sản phẩm từ dừa, đặc biệt là các sản phẩm có khả năng thay thế các vật liệu từ nhiên liệu hóa thạch cũng đóng góp vào việc giảm thiểu phát thải carbon.
Do đó, theo các chuyên gia, để phát huy tối đa tiềm năng của cây dừa, việc xây dựng và phát triển các mô hình canh tác bền vững, thân thiện với môi trường là rất cần thiết. Bởi các mô hình này không chỉ tập trung vào việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn hướng tới việc giảm thiểu tác động môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và duy trì sự cân bằng sinh thái. Việc tham gia vào các chương trình khoa học và công nghệ hướng tới mục tiêu Net Zero là một bước đi cần thiết để khẳng định vai trò tiên phong của cây dừa trong chiến lược phát triển bền vững của Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung.
"Bến Tre mong muốn các Bộ, ngành Trung ương, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, hỗ trợ địa phương về vấn đề liên quan đến phát triển bền vững cây dừa. Tỉnh sẽ tập trung chỉ đạo, điều hành, định hướng trong xây dựng khung chiến lược, tiêu chuẩn và chính sách cho thị trường giao dịch chứng chỉ carbon cho ngành dừa Bến Tre, góp phần thực hiện tốt hơn về phát triển xanh và bền vững, hướng tới Net Zero". Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre.