Kinh tế

Thừa Thiên - Huế tập trung thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp

Văn Dinh 27/08/2024 - 10:52

(TN&MT) - Hướng đến thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng tại các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN).

Thời gian qua, Thừa Thiên - Huế đã định hướng thay đổi mô hình chiến lược phát triển các KKT, KCN thông qua một số cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất xanh; việc thu hút đầu tư vào khu vực này cũng được chọn lọc, các dự án đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường.

Hiện nay, các KKT, KCN ở Thừa Thiên- Huế thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); khơi dậy và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nước, bổ sung nguồn vốn quan trọng trong tổng vốn đầu tư xã hội, qua đó, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách và tạo nhiều việc làm cho lao động địa phương.

chanmay-2.jpg
Thừa Thiên - Huế đang tập trung mọi nguồn lực phát triển hạ tầng, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng tại các KKT, KCN

Trên địa bàn KKT, KCN tỉnh đang có khoảng 180 dự án đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư đăng ký 119.636 tỷ đồng, trong đó, 51 dự án FDI, với vốn đầu tư đăng ký 74.971 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay đạt 41.791 tỷ đồng, riêng đến hết quý II/2024, tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 2.800 tỷ đồng.

Cũng trong những tháng đầu năm 2024, trên địa bàn các KKT, KCN tỉnh đã cấp mới cho 11 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 4.515 tỷ đồng, doanh thu trên địa bàn ước đạt 21.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732 triệu USD, nộp ngân sách hơn 2.500 tỷ đồng. Đồng thời, KKT, KCN tỉnh cũng thu hút hơn 39.500 lao động đang làm việc.

Thừa Thiên - Huế đã quy hoạch phát triển 2 KKT, diện tích khoảng 37.292 ha và 6 KCN, diện tích khoảng 2.393 ha. Trong đó, diện tích đất sạch tại các KCN sẵn sàng kêu gọi các nhà đầu tư vào đầu tư khoảng 360 ha.

385311154_625372683099655_1967113858507008268_n.jpg
Thừa Thiên – Huế triển khai nhiều chính sách để hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh

Cụ thể, KCN Phong Điền có quỹ đất sạch khoảng 80 ha (KCN C&N Vina Hàn Quốc 40 ha; Khu B KCN Phong Điền 30 ha, KCN Viglacera 10 ha) tập trung thu hút các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch, ưu tiên cho ngành sản xuất và chế biến cát. KCN Tứ Hạ có quỹ đất sạch khoảng 20 ha thu hút các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, dệt may, da giày, chế biến nông, lâm, thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp khác. KCN Phú Bài với quỹ đất sạch khoảng 70 ha (Phú Bài 4 đợt 1 40 ha; KCN Gilimex 25 ha) tập trung thu hút các ngành công nghiệp tổng hợp xanh, sạch, công nghệ tiên tiến, bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch. KCN La Sơn với quỹ đất sạch khoảng 40 ha, ưu tiên bố trí các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp nhẹ, công nghiệp sạch. KCN, khu phi thuế quan Sài Gòn Chân Mây với quỹ đất sạch hiện tại khoảng 50 ha, dự kiến sẽ phát triển quỹ đất sạch lên khoảng 150 ha để thu hút các loại hình công nghiệp sạch, công nghiệp cao, thân thiện với môi trường và các hoạt động thương mại tổng hợp.

Với quỹ đất sạch tương đối lớn, cùng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại tại các KCN sẽ cơ bản đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư khi đến nghiên cứu đầu tư tại các KCN, KKT của tỉnh Thừa Thiên– Huế.

HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết về nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch xây dựng KKT Chân Mây- Lăng Cô; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng KCN Phong Điền; điều chỉnh Quy hoạch xây dựng KCN Phú Bài giai đoạn I, II, III để phù hợp với thực tế theo hướng bền vững, xanh và đa ngành.

385266777_625372289766361_6382853074230552340_n.jpg
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên – Huế thường xuyên tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp khi đầu tư vào các KKT, KCN

Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Thừa Thiên- Huế đã và đang triển khai khá nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh. Riêng chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, tỉnh có chính sách hỗ trợ các công trình kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào, trong hàng rào. Doanh nghiệp khi đầu tư vào KKT, KCN cũng được hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh thông qua việc ưu tiên trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất. Các nhà đầu tư có dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung còn được hỗ trợ chi phí đi lại tham gia xúc tiến đầu tư ở nước ngoài theo kế hoạch xúc tiến đầu tư hàng năm của tỉnh.

Cùng với các ưu đãi đầu tư, Thừa Thiên- Huế cũng tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi triển khai thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là các giải pháp hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc liên quan quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng… để đảm bảo tính chủ động, sẵn sàng trong công tác kêu gọi, thu hút đầu tư. Hỗ trợ, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, đã lựa chọn nhà đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư…

“Thừa Thiên- Huế mong muốn sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư đánh thức tiềm năng, thế mạnh thu hút đầu tư của địa phương, trong đó có các KKT, KCN”, ông Sơn chia sẻ.

Thừa Thiên - Huế đã và đang đầu tư cho phát triển hạ tầng, giao thông kết nối, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư và kinh doanh tại địa phương. Tỉnh đã hoàn thành việc nâng cấp Nhà ga quốc tế tại Sân bay Quốc tế Phú Bài, khả năng đón tiếp 5 triệu lượt khách/năm. Cảng Chân Mây cũng đã được đầu tư xây dựng hoàn thành 3 cầu cảng với tổng chiều dài 910 m, có khả năng tiếp nhận tàu hàng có trọng tải đến 70.000 tấn.

Văn Dinh