Môi trường

Quảng Bình trước mùa mưa bão 2024: Rà soát, đảm bảo an toàn hồ, đập

Thanh Tùng 27/08/2024 - 10:51

(TN&MT) - Trong mùa mưa bão năm nay, Quảng Bình có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của 2 - 3 cơn bão, áp thấp nhiệt đới và khoảng 4 - 6 đợt mưa lớn trên diện rộng, nguy cơ ngập úng nhiều khu vực trũng thấp. Trong bối cảnh đó, Quảng Bình đang tiến hành kiểm tra, rà soát, có giải pháp đảm bảo an toàn hồ, đập thuỷ lợi khi mùa mưa đang đến gần.

Nhiều đập, hồ thủy lợi mất an toàn

Quảng Bình là một trong những tỉnh miền Trung chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan và phức tạp. Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Bình, năm 2024, mưa lớn diện rộng tại Quảng Bình sẽ bắt đầu từ tháng 9 cho đến nửa đầu tháng 12. Trong mùa mưa năm nay, khu vực Quảng Bình có khả năng bị ảnh hưởng bởi 4 - 6 đợt mưa lớn trên diện rộng. Lượng mưa từ tháng 7/2024 đến tháng 12/2024 tại Quảng Bình phổ biến xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, đạt từ 110 - 150%.

8888.jpg
Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan (thị xã Ba Đồn) có cao trình 8m, trữ lượng 10 triệu m3 nước. Ảnh: Bách Chiến

Dự báo về tác động của bão, áp thấp nhiệt đới, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Bình cho biết, mùa mưa bão năm 2024 có khoảng 10 - 13 cơn bão hoạt động trên khu vực Biển Đông và khả năng có khoảng 5 - 7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, trong đó 1 - 2 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Quảng Bình. Cụ thể, từ tháng 7 đến tháng 9, khả năng có 1 cơn bão ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Quảng Bình; từ tháng 10 - 12/2024, khả năng có 1 - 2 cơn ảnh hưởng đến khu vực Quảng Bình. Đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.

Để hạn chế thiệt hại có thể xảy ra, một trong các giải pháp được tỉnh chú trọng là đầu tư nâng cấp, sửa chữa, đảm bảo an toàn hệ thống đập, hồ chứa thuỷ lợi. Các số liệu thống kê cho thấy, hiện toàn tỉnh có 151 hồ chứa thủy lợi, trong đó huyện Lệ Thủy có 28 hồ; huyện Quảng Ninh có 12 hồ; thành phố Đồng Hới có 11 hồ; huyện Bố Trạch có 48 hồ; huyện Quảng Trạch có 27 hồ; thị xã Ba Đồn có 7 hồ; huyện Tuyên Hóa có 9 hồ; huyện Minh Hóa 9 hồ. Quảng Bình cũng có 193 đập dâng thủy lợi, tập trung nhiều nhất tại huyện Tuyên Hóa 83 đập, huyện Lệ Thủy 32 đập và huyện Minh Hóa 26 đập.

Kết quả kiểm tra hiện trạng an toàn đập, hồ chứa nước của Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi (UBND tỉnh Quảng Bình) mới đây cho thấy, trong số 151 hồ được kiểm tra, có 112 hồ chứa có kết quả đánh giá an toàn, 22 hồ cơ bản an toàn và 17 hồ có nguy cơ mất an toàn cao. Đồng thời, nhiều hạng mục công trình hồ, đập được phát hiện bị hư hỏng. Cụ thể, có 30 đập bị thấm, trong đó 12 đập bị thấm nặng; 26 đập bị sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu; có 4 đập bị nứt thân. Hồ Dạ Lam (huyện Lệ Thủy) và hồ Khe Su (huyện Bố Trạch) bị hư hỏng nặng, cần lưu ý trong mùa mưa lũ năm nay. Bên cạnh đó, Quảng Bình cũng đang có 10 tràn xả lũ chưa được gia cố, nhiều tràn xả lũ bị xói lở thân, thiếu khả năng xả lũ cần được đầu tư nâng cấp.

Đầu tư nâng cấp hồ, đập theo thứ tự ưu tiên

Theo Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi, một trong những khó khăn, vướng mắc trong việc đảm bảo an toàn hệ thống đập, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh hiện nay là các công trình hồ chứa thủy lợi phần lớn được xây dựng những năm 1980, trải qua thời gian dài khai thác, hầu hết các công trình đều có hư hỏng, xuống cấp hiện đang tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hồ chứa. Cùng với đó, nguồn nhân lực cho công tác chuyên môn về thủy lợi còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng, nhất là ở cấp cơ sở. Đặc biệt, một số địa phương đề xuất đầu tư hoặc bố trí vốn đầu tư nâng cấp sửa chữa các công trình đập, hồ chứa nước hư hỏng, xuống cấp chưa đánh giá mức độ cần thiết và ưu tiên đầu tư theo báo cáo của Hội đồng an toàn đập, hồ chứa nước.

Để đảm bảo an toàn các công trình và vùng hạ du trong mùa mưa lũ năm nay, ông Trần Hoài Nam - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn đánh giá an toàn đập, hồ chứa nước thủy lợi cho rằng, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa nước không được tích nước tại các hồ chứa: Dạ Lam (huyện Lệ Thủy), Hóc Chọ (thị xã Ba Đồn) và các hồ chứa hư hỏng, đặc biệt hồ hạn chế tích nước như: hồ Khe Su, Khe Cái, Tróoc Vực, Lục Cục… Đồng thời, tiến hành kiểm tra các công trình đang thi công xây dựng trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành tiến độ thi công vượt lũ, chống lũ an toàn; tuyệt đối không thi công các hạng mục công trình chính trong mùa mưa, lũ.

Cùng với đó, tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp xâm phạm gây mất an toàn an toàn công trình thủy lợi theo quy định của pháp luật. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, xử lý kịp thời các hư hỏng phát sinh; bố trí các điều kiện cần thiết để thực hiện các phương án ứng phó thiên tai về nhân lực, vật tư, phương tiện, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống mưa, lũ bất thường, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du.

Ông Trần Hoài Nam cũng đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khi bố trí nguồn lực phục vụ công tác đầu tư đảm bảo an toàn đập, hồ trong tỉnh phải căn cứ vào danh mục, thứ tự ưu tiên. Với các huyện, thành phố, thị xã, trong quá trình đề xuất đầu tư và bố trí vốn nâng cấp sửa chữa các công trình hư hỏng, xuống cấp cần bố trí nhân sự đảm bảo có năng lực, kinh nghiệm trong công tác thẩm định các dự án về thủy lợi; chỉ đạo thành lập, củng cố, kiện toàn, sắp xếp và đổi mới quy mô hoạt động của các tổ chức thủy lợi cơ sở, liên hiệp tổ chức thủy lợi cơ sở trên địa bàn đảm bảo đủ điều kiện, năng lực quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo quy định pháp luật về thủy lợi.

Thanh Tùng