Xã hội

Yên Minh (Hà Giang): Dịch vụ môi trường rừng, giữ rừng thêm xanh

Minh Khang 27/08/2024 - 08:56

(TN&MT) - Người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định, bền vững để phát triển kinh tế và cải thiện đời sống; nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được nâng lên; màu xanh trên những cánh rừng không ngừng phát triển, mở rộng, đó là những kết quả tích cực đạt được nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng của huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

Thực hiện tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng

Là huyện vùng cao núi đá phía Bắc của tỉnh Hà Giang, huyện Yên Minh có tổng diện tích tự nhiên trên 77.520 ha; trong đó đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên 51.811 ha (diện tích có rừng trên 31.379 ha; diện tích chưa có rừng gần 20.432 ha).

Hàng năm, trên địa bàn huyện có trên 20.000 ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), trong đó có 187 thôn, tổ dân phố và trên 3.200 hộ gia đình là chủ rừng được giao quản lý, bảo vệ. Với phương châm “công khai, minh bạch, đúng đối tượng”, công tác chi trả tiền DVMTR trên địa bàn huyện Yên Minh được triển khai đúng quy định, thời gian, được kiểm tra, giám sát thường xuyên đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng.

rung_14_20240113180946.jpg
Thực hiện tốt công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chủ động trong triển khai chính sách chi trả DVMTR, hàng năm, UBND huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn thực hiện công tác chi trả DVMTR bám sát hướng dẫn của tỉnh để đảm bảo thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn kiểm tra, giám sát thường xuyên các xã, thị trấn trong việc quản lý, sử dụng tiền DVMTR, đảm bảo công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.

Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, định hướng cho người dân sử dụng tiền DVMTR gắn với công tác bảo vệ rừng tại cơ sở; hướng dẫn các thôn, tổ rà soát, kiện toàn lại tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng. Nhờ đó những năm qua, thông qua việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR đã tạo nguồn lực tài chính ổn định, góp phần cải thiện sinh kế cho các chủ rừng cũng như phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Hơn 50 tỷ đồng được chi trả cho dịch vụ môi trường rừng

Rừng được quản lý, bảo vệ và phát triển tốt, người dân có thêm thu nhập để cải thiện sinh kế - đó là hiệu quả tích cực từ việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn huyện Yên Minh.

Từ năm 2017 đến cuối năm 2023, các cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân và hộ gia đình trên địa bàn huyện Yên Minh đã được chi trả gần 50 tỷ đồng tiền DVMTR. Riêng năm 2023, số tiền DVMTR chi trả trên địa bàn huyện là trên 10,9 tỷ đồng. Trong đó chi trả cho các hộ dân trên 3,5 tỷ đồng; cộng đồng dân cư trên 5,7 tỷ đồng; Ban quản lý rừng phòng hộ huyện trên 1,6 tỷ đồng; Đồn Biên phòng Bạch Đích trên 18,4 triệu đồng.

Để đảm bảo nguồn kinh phí DVMTR chi trả cho các cộng đồng dân cư được sử dụng đúng mục đích đem lại hiệu quả cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, hàng năm các ngành chức năng của huyện đều tổ chức kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí hỗ trợ.

100% các thôn sau khi tiếp nhận kinh phí đều tổ chức họp thông báo công khai số kinh phí được thụ hưởng để người dân trong thôn biết và bàn bạc, trưng cầu ý kiến về việc sử dụng vào các mục đích như: Xây dựng, sửa chữa trụ sở thôn; làm đường bê tông, mở mới đường liên thôn; hỗ trợ cho các tổ đội tuần tra bảo vệ rừng; kéo điện lưới… Đối với các thôn chưa sử dụng đến hoặc sử dụng chưa hết kinh phí thì đưa vào làm quỹ thôn phục vụ các nội dung công việc thiết yếu phát sinh khác.

su_dung_20240306151124.jpg
Nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ rừng

Theo ông Nguyễn Việt Bách, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Minh, những chính sách về bảo vệ và phát triển rừng như hỗ trợ gạo bảo vệ rừng, khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ trồng rừng, cây giống… đặc biệt là chính sách chi trả tiền DVMTR đã giúp hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, từ đó thực hiện được mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng. Thông qua đó, số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện giảm đáng kể, không có vụ việc vi phạm nghiêm trọng xảy ra, diện tích rừng ngày càng nâng lên, chất lượng rừng ngày càng tăng, góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 39,8% năm 2020, lên 41,2% năm 2023.

Minh Khang