Xã hội

Quảng Ninh: Tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng cao

Phạm Hoạch 26/08/2024 - 19:32

(TN&MT) - Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực để triển khai nhiều mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS. Qua đó, đã có hàng nghìn hộ nghèo được hỗ trợ giống, vốn và được tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Với việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững KT-XH, công tác giảm nghèo của Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhờ đó, Quảng Ninh đã về đích Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 trước 3 năm và bắt tay vào thực hiện giảm nghèo theo tiêu chí mới do tỉnh đề ra, cao hơn mức bình quân của cả nước. Theo chuẩn nghèo của tỉnh, đến hết năm 2023, Quảng Ninh còn 246 hộ nghèo, chiếm 0,064% và 3.063 hộ cận nghèo, chiếm 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

anh-qn-03.jpg
Thương hiệu ổi Hoành Bồ được đông đảo người dân xã Sơn Dương, TP.Hạ Long nhân rộng, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân địa phương

Hiện nay, phần lớn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí của tỉnh tập trung ở khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục vận động người dân thay đổi tư duy, nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế hộ gia đình, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa, mạnh dạn áp dụng chuyển đổi, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Một trong những nhiệm vụ trong năm 2024 mà tỉnh Quảng Ninh đặt ra là toàn tỉnh không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023- 2025.

Để đạt mục tiêu đặt ra, tỉnh triển khai nhiều chương trình, chính sách để thực hiện các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn về khoa học-kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho người nông dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới và phát động phong trào thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 1.095ha nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận VietGAP với 94 cơ sở, trên 90ha vùng trồng trọt hữu cơ, 14 vùng trồng cây ăn quả, 38 hộ chăn nuôi được chứng nhận VietGAP, 428 cơ sở áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến. Trên địa bàn tỉnh còn có 46 vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng sẵn sàng xuất khẩu; 7 cơ sở đóng gói, trong đó có 5 cơ sở đóng gói quả tươi và 9 công ty xuất khẩu thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu ra nước ngoài.

Trước khi trở thành huyện miền núi, biên giới, dân tộc đầu tiên của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí giai đoạn 2021-2025, Bình Liêu là một trong những huyện khó khăn nhất của tỉnh Quảng Ninh với hơn 96% dân tộc thiểu số sinh sống. Để có được thành quả này, những năm qua, Bình Liêu đã đẩy mạnh việc thực hiện mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất bám sát định hướng phát triển kinh tế của địa phương. Trên cơ sở căn cứ vào nhu cầu thực tế của từng hộ dân, chính quyền các xã, thị trấn vận động các hộ dân hình thành các Tổ hợp tác cộng đồng nhằm tạo sự kết hợp trong sản xuất, kinh doanh đáp ứng các điều kiện chính sách hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế, giảm nghèo bền vững.

anh-qn-01.jpg
Gia đình anh Tằng Dẩu Phòng, thôn Sông Moóc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu trở thành hộ khá giả nhờ trồng rừng, kết hợp chăn nuôi dê

Đến nay, trên địa bàn huyện Bình Liêu có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: Trồng dong riềng, đào, mận; nuôi cá chạch lấu thương phẩm; chăn nuôi dê sinh sản, trồng cây dược liệu dưới tán rừng lim, giổi, lát, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp nhân dân thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Theo ông Hoàng Ngọc Ngò, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu cho biết: Năm 2024, địa phương đặt mục tiêu phấn đấu không còn hộ nghèo và số hộ cận nghèo còn khoảng 585 hộ. Bám sát mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện tăng cường rà soát, nắm bắt nguyên nhân dẫn đến nghèo của các hộ, các chỉ số thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo và danh sách, nhu cầu hỗ trợ nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để triển khai các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất phù hợp, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Cùng cách làm nêu trên, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai các mô hình giảm nghèo, dự án hỗ trợ sản xuất để giúp người dân có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo bền vững.

anh-qn-02.jpg
Nghề nuôi ngựa phục vụ du lịch trải nghiệm được một số hộ dân huyện Bình Liêu phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân

Gia đình anh Tằng Dảu Phồng ở bản Sông Moóc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu là một trong những hộ được người dân trong thôn học hỏi về mô hình giảm nghèo hiệu quả. Bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã đầu tư trồng quế, hồi và nuôi đàn dê gần 20 con cho thu nhập mỗi năm khoảng hơn 100 triệu, đã giúp cho gia đình anh Phồng từ một hộ khó khăn vươn lên thành hộ khá giả trong bản.

"Có được thành quả như hôm nay, gia đình tôi luôn cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ vốn, chính quyền địa phương luôn quan tâm hướng dẫn kỹ thuật, cũng như khuyến khích trồng rừng, chăn nuôi gia súc, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo"- anh Phồng chia sẻ.

Có thể nói, chất lượng đời sống nhân dân, nhất là đồng bào vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh tiếp tục được cải thiện rõ rệt trong thời gian qua. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho trên 17.000 lượt lao động, toàn tỉnh đã giảm được 121 hộ nghèo và 828 hộ cận nghèo.

Bằng những chính sách phù hợp, hiệu quả của tỉnh Quảng Ninh trong công tác giảm nghèo, an sinh xã hội đã mang lại hiệu quả thực chất, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Phạm Hoạch