Xã hội

Lạng Sơn: Vùng biên Lộc Bình vươn lên từ nguồn lực đất đai

Hoàng Nghĩa 26/08/2024 - 18:19

(TN&MT) - Có hơn 98.000ha tổng diện tích tự nhiên, trong đó, 89% diện tích là đất lâm nghiệp, thích hợp phát triển kinh tế rừng, đồng cỏ chăn thả, trồng cây ăn quả. Tận dụng lợi thế này, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã biến những đồi trọc thành những rừng cây có giá trị kinh tế, giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Để hiểu rõ hơn vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Hùng Cường – Phó Chủ tịch UBND huyện.

PV: Là địa phương có diện tích đất nông nghiệp lớn, được biết Lộc Bình đã và đang thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Ông có thể thông tin rõ nét hơn về định hướng phát triển này?

Ông Hoàng Hùng Cường:

Lộc Bình là huyện biên giới miền núi của tỉnh Lạng Sơn, với 19 xã, 2 thị trấn; trên 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Theo kết quả thống kê đất đai năm 2023, Lộc Bình có tổng diện tích tự nhiên hơn 98.600ha, trong đó, trên 88.000ha là diện tích đất nông nghiệp.

Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, nguồn lao động, chúng tôi đã xây dựng các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, kế hoạch của tỉnh về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Triển khai phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp. Rà soát các diện tích trồng cây lương thực không hiệu quả để vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng bền vững, chất lượng cao, phù hợp nhu cầu thị trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ban hành các chính sách hỗ trợ thực tế, nhanh gọn, cắt giảm các thủ tục hành chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, để phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030, chúng tôi đã tập trung rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp, thực hiện cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho các chủ rừng, tạo điều kiện cho các hộ chủ động khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai để phát triển. Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác trồng rừng, phổ biến cơ chế, chính sách để khuyến khích mọi thành phần kinh tế đầu tư vào trồng rừng.

screenshot_20240822_001904_facebook.jpg
Ông Hoàng Hùng Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Lộc Bình (ảnh LBTV).

PV: Trên cơ sở những định hướng trên, đến nay, huyện đã hình thành những vùng sản xuất tập trung và những mô hình hiệu quả nào trong sử dụng đất nông nghiệp để phát triển KT-XH, thưa ông?

Ông Hoàng Hùng Cường:

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất nông nghiệp, UBND huyện đã giao các cấp, các ngành xây dựng quy trình sản xuất, vận động nhân dân áp dụng, chủ động đổi mới để nâng cao hiệu quả sản xuất. Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân, khuyến khích phát triển các mô hình hợp tác sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp.

Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tiên tiến trong phát triển đồi rừng, bước đầu, đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh thông với diện tích 40.000 ha, vùng sản xuất chuyên canh cây bạch đàn với diện tích khoảng 1.350 ha; khoanh nuôi tái sinh hơn 20.000 ha rừng tự nhiên.

Diện tích rừng trồng mới không ngừng tăng lên hàng năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm nay, chúng tôi đã trồng mới 1.200ha rừng, độ che phủ rừng đạt 58,4%. Cùng với đó, khai thác nhựa thông đạt 7.000 tấn, khai thác gỗ đạt trên 15.500m3… phục vụ sản xuất các sản phẩm colophan, tinh dầu nhựa thông, các sản phẩm về gỗ. Nguồn thu từ các sản phẩm lâm nghiệp nói trên đã góp phần đáng kể nâng thu nhập cho người dân.

Song song với kinh tế đồi rừng, từ các nguồn vốn hỗ trợ, Lộc Bình đã đầu tư trồng, phát triển diện tích một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cam, bưởi diễn, ổi, táo… tại các xã: Khánh Xuân, Thống Nhất, Tú Đoạn. Tiếp tục nhân rộng mô hình trồng khoai lang theo tiêu chuẩn VietGAP tại các xã: Tú Đoạn, Tú Mịch, Khuất Xá và thị trấn Lộc Bình với tổng diện tích 24,5 ha; Triển khai mô hình liên kết sản xuất trồng cây dưa chuột gắn với tiêu thụ sản phẩm vụ xuân hè 2024, cho thu nhập 124 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí đầu tư; Dự án liên kết sản xuất trồng cây thuốc lá gắn với tiêu thụ sản phẩm, cho thu nhập trên 133 triệu đồng/ha…

screenshot_20240821_235918_facebook.jpg
Nguồn thu từ các sản phẩm lâm nghiệp đã góp phần đáng kể trong nâng thu nhập cho người dân Lộc Bình (ảnh LBTV).

Huyện Lộc Bình hiện còn 1.516 hộ nghèo, tỷ lệ 7%, giảm 3,01% so với năm 2022; 1.666 hộ cận nghèo, tỷ lệ 7,7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt gần 40 triệu đồng/người/năm, trong đó, thu nhập của người DTTS đạt trên 35 triệu đồng/người/năm. Các chính sách hỗ trợ người nghèo về cấp thẻ bảo hiểm y tế, cứu đói giáp hạt, hỗ trợ tiền điện, xây dựng nhà đại đoàn kết… được quan tâm thực hiện hiệu quả, góp phần giúp người nghèo ổn định cuộc sống, đẩy mạnh sản xuất tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Năm 2024, Lộc Bình nỗ lực giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3%/năm trở lên, riêng các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao phấn đấu giảm từ 4%/năm trở lên.

PV: Từ những kết quả đạt được, huyện sẽ triển khai các giải pháp cơ bản nào để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai để phát triển nông nghiệp bền vững, thưa ông?

Ông Hoàng Hùng Cường:

Có thể khẳng định, nhiệm vụ trước mắt là sẽ phải quản lý tốt quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, chú trọng đến phân vùng sử dụng đất phù hợp với điều kiện tự nhiên, định phướng phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Tập trung phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn, tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương.

Ưu tiên đầu tư phát triển các loài cây đặc sản, cây chủ lực có giá trị kinh tế và thị trường tiêu thụ như: Khoai lang, ớt, dưa hấu ...; mở rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng đối với cây ớt để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Vận động người dân chuyển đổi các diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, hướng tới nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, GlobalGAP,,...).

screenshot_20240822_000114_facebook.jpg
Người dân Lộc Bình đã chuyển đổi các diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, hướng tới nền nông nghiệp sạch (ảnh LBTV).

Để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các vườn cây ăn quả, huyện cũng tăng cường áp dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh, quan tâm cải tạo phục tráng các vườn cây ăn quả già cỗi năng suất thấp, mở rộng diện tích ở nơi có điều kiện, khuyến khích phát triển vườn cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, du lịch sinh thái, trồng cây lâm nghiệp vườn rừng, qua đó, góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Hoàng Nghĩa