Xã hội

Xây dựng mô hình nuôi trồng thuỷ sản phát triển kinh tế mới

Thuỵ Khanh 26/08/2024 18:17

(TN&MT) - Nam Định xác định nguồn lực từ biển là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó, việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản đã mang lại nhiều lợi ích kinh tế, giúp giảm nghèo bền vững cho người dân, đặc biệt, mô hình nuôi tôm công nghệ cao chính là thế mạnh của tỉnh trong những năm gần đây.

Những năm qua, nông dân Nam Định đã mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào việc nuôi tôm nước lợ, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể kể đến tại huyện Giao Thủy, mô hình nuôi tôm công nghệ cao đầu tiên trên địa bàn tỉnh của ông Cao Văn Ba (xóm Lâm Hồ, xã Giao Phong) cho đến nay, đã hình thành mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô tới 5 ha ứng dụng công nghệ cao.

edit-anh-1-16992279535231297469921.png
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được trang bị các thiết bị tân tiến của ông Cao Văn Ba (xã Giao Phong)

Gắn bó với tôm thẻ chân trắng từ năm 1998, từ một hộ nuôi truyền thống nhỏ lẻ thu nhập thấp, ông đã chọn hướng đi “liều lĩnh” khi đầu tư một số vốn lớn để xây hệ thống ao đầm phục vụ cho nuôi tôm thẻ chân trắng.

Theo đó, nuôi tôm công nghệ cao đòi hỏi người nuôi phải đầu tư bài bản trang thiết bị, như phải có sủi, có quạt tùy theo diện tích ao nuôi. Mật độ tôm dày đến đâu thì bổ sung thêm quạt đến đó, nếu nuôi tôm với mật độ dày hơn có thể phải dùng đến 5 - 6 quạt, quan trọng là phải hiểu biết tôm giống mới có thể nuôi theo hướng áp dụng công nghệ cao.

Trên tổng diện tích 5 ha thì có đến 3 ha được ông Ba sử dụng thành 50 ao nuôi tôm với diện tích từ 300 - 1.000 m2, thiết kế thành dạng ao nổi, có đáy cao hơn mực nước biển từ 30 – 40cm, thành xây cao khoảng 1,7m và được lót bạt ở trong; nhờ đó, ao nuôi đón được nhiều gió, nhiều ánh sáng đồng thời dễ dàng cải tạo vệ sinh phơi đáy nên hạn chế mầm bệnh, hạn chế được rủi ro cho đàn tôm nuôi. Với 2 ha còn lại là diện tích của 5 ao lắng và một ao chứa được ông Ba dùng để xử lý nước biển trước khi đưa vào các ao nuôi tôm.

Biết được thời điểm nuôi bán tôm được lợi nhuận cao, ông Ba thường chọn thả nuôi tôm từ tháng 7 rải rác cho đến tháng 10, tôm sẽ cho thu hoạch từ tháng 11 đến dịp lễ 30/4 và 1/5, tôm nuôi lớn nhanh khỏe mạnh, đạt được kích cỡ to từ 28 đến 30 con/kg. Đây là thời điểm trái vụ, cũng đồng nghĩa với việc giá tôm cao nhất trong năm.

Từ đó, mô hình nuôi tôm của ông Cao Văn Ba cho doanh thu hàng năm lên đến từ 40 đến 50 tỷ đồng. Từ năm 2018 – 2022, ông đạt doanh thu 6 tỷ đồng/năm, riêng 6 tháng đầu năm 2023 thu hoạch 60 tấn tôm thẻ đạt 14 tỷ đồng, trừ chi phí còn thực lãi 6 tỷ đồng.

Chính nhờ mạnh dạn đầu tư và áp dụng vào mô hình nuôi tôm công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP mà suốt 10 năm qua, vụ tôm nào của gia đình ông Cao Văn Ba cũng cho ra tôm thương phẩm bóng đẹp không có dư lượng kháng sinh nên được khách hàng rất ưa chuộng.

nuoi-tm-1692272616485-16992275761621418355436.jpeg
Ông Trần Văn Thủy (xã Giao Phong) đi kiểm tra các bể nuôi tôm

Học hỏi từ những kinh nghiệm đã đúc rút, ông Trần Văn Thủy (xã Giao Phong) cũng đang sở hữu mô hình nuôi tôm công nghệ cao. Trên diện tích gần 3 ha toàn bộ các ao nuôi tôm đều được ông Thủy xây dựng trong nhà với hệ thống mái che cố định phủ bạt của Israel, có thể chịu được thời tiết nắng mưa trong nhiều năm.

Quy mô nuôi tôm công nghệ cao của ông Thuỷ, bao gồm từ khu xưởng ương giai đoạn một và giai đoạn 2, đến giai đoạn tôm thịt là gồm 3 giai đoạn. Tất cả quy trình đều xử lý nước và nuôi tôm khép kín trong nhà kính. Việc làm này sẽ giúp kiểm soát được sự dao động của nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm đồng thời kiểm soát được dao động giữa môi trường nước thì con tôm sẽ khỏe hơn so với nuôi ở ngoài trời rất nhiều.

Hiện tại, ông Thủy đều làm 30 ao nuôi tôm bằng xi măng có lót bạc, được bố trí đường ống dẫn nước, nước sạch vào và thải nước bẩn từ trong ra. Các ao đều được lắp đặt hệ thống máy quạt nước, hệ thống sủi bọt tạo oxy, giúp tôm có được môi trường tốt nhất để phát triển.

Các giai đoạn nuôi tôm công nghệ cao bắt đầu từ giai đoạn một, ương tôm từ lúc thả cho đến lúc khoảng 30 ngày tuổi. Lúc này, khi tôm đạt kích cỡ từ 500 đến 700 gram sẽ được đưa sang ao nuôi ao khác nuôi tiếp ở giai đoạn 2. Ở giai đoạn 2 tôm sẽ được san vào các bể với số lượng con giảm đi, tôm được nuôi đến khi đạt kích thước từ 120 đến 200 con/kg thì chuyển sang giai đoạn 3. Lúc này, giai đoạn 3 là giai đoạn nuôi tôm thương phẩm, tôm sẽ tiếp tục được chuyển vào các ao có diện tích lớn hơn và được nuôi từ 30 đến 40 ngày cho đến khi đạt kích thước từ 30- 40 con/ kg.

Theo đó, việc chia tôm thành từng giai đoạn như trên sẽ giúp ông dễ dàng kiểm soát được dịch bệnh, nguồn thức ăn, môi trường nước, từ đó giúp tôm sinh trưởng phát triển đồng đều và cho trọng lượng lớn hơn. Với mỗi vụ tôm nhờ áp dụng công nghệ cao, ông Thuỷ đã có thể nuôi tôm quanh năm, và chỉ cần 3 tháng đã có thể cho ra sản phẩm tôm bán ra thị trường, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng.

thu-hoach-tom-169922763248114627348.png
Tôm nuôi được người dân thu hoạch khi đến mùa vụ

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, là một trong những huyện trọng điểm nuôi thủy sản của tỉnh Nam Định, huyện Giao Thủy hiện có đến 60 cơ sở nuôi tôm công nghệ cao với diện tích gần 50 ha chiếm tới 12% tổng diện tích nuôi tôm của cả huyện tập trung ở các xã: Giao Phong, Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Quất Lâm. Sản lượng trung bình của một ha nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 40 đến 50 tấn, cho doanh thu khoảng từ 15 đến 20 tỷ đồng/ha một vụ, đem lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần so với nuôi tôm trong ao truyền thống.

Tỉnh hiện có khoảng 150 ha nuôi tôm công nghệ cao với gần 100 hộ tham gia. Mô hình này giúp cho nghề nuôi tôm của tỉnh Nam Định phát triển bền vững. Đặc biệt, với nuôi tôm công nghệ cao, người nông dân dễ dàng ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và chủ động được nguồn nước, phòng chống dịch bệnh.

Tỉnh Nam Định cũng khuyến khích các doanh nghiệp và các hộ nông dân nuôi tôm công nghệ cao hoạt động tập trung trong những vùng đã được quy hoạch. Các mô hình công nghệ cao này, đã giúp người nuôi tôm nước lợ của tỉnh trong những năm qua đã đem lại hiệu quả kinh tế cao và giúp người dân phát triển ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thuỵ Khanh