Xã hội

Bắc Kạn: Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi

Mai Anh 26/08/2024 - 18:16

(TN&MT) - Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều hộ dân làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp, đi đầu trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, là tấm gương nông dân nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế và giúp những nông dân khác làm giàu.

Trong đó, có gia đình ông Lê Tuấn Bảo (sinh năm 1957) ở tổ 10, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn. Với mô hình kinh tế tổng hợp gồm trồng lan rừng, nuôi lợn rừng lai, nuôi gà thương phẩm và kinh doanh dịch vụ đã giúp gia đình ông có thu nhập hơn 600 triệu đồng mỗi năm.

ck-290039.jpg
Ông Lê Tuấn Bảo làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp, trong đó có trồng lan rừng

Trước đây, ông Bảo tận dụng diện tích đất vườn đồi của gia đình để trồng rau, trồng cây màu và chăn nuôi lợn, gà thương phẩm, nhưng nhiều năm nay nhiều người dân trong vùng trồng rau, màu xuất bán nên ông chuyển sang tìm mua các giống hoa lan người dân tìm ở rừng về rồi tự nhân giống theo kỹ thuật, kinh nghiệm mà ông đã đi học hỏi nhiều hộ trồng lan ở trong và ngoài tỉnh.

Vườn hoa lan của gia đình ông với nhiều loại hoa khác nhau và luôn duy trì khoảng 300 chậu phong lan trong vườn, cứ gặp khách thích mua và được giá là ông xuất bán. Thu nhập từ bán hoa lan sau khi trừ chi phí, ba năm nay, mỗi năm ông thu 24 triệu đồng.

Ngoài chăm sóc vườn lan rừng, gia đình ông Bảo còn chăn nuôi gà thịt, duy trì gần 100 con trong chuồng, nuôi lợn rừng lai với 10 con lợn nái và duy trì tổng đàn lợn thương phẩm từ 40 - 50 con/lứa/năm. Ưu điểm của loài lợn rừng lai là có sức đề kháng tốt, ít nhiễm bệnh, chi phí về thức ăn rẻ và không mất nhiều công chăm sóc... Mỗi dịp cuối năm, lễ Tết gia đình ông xuất bán vài tấn lợn.

Lợn rừng lai trung bình mỗi năm đẻ 2 lứa, mỗi lứa khoảng 7 - 8 lợn con. Lợn con trong vòng 3 tháng là có thể xuất bán với giá trung bình 2,5 triệu đồng/con, gấp đôi giá bán lợn ta. Vừa nuôi vừa gây giống, vừa qua gia đình ông Bảo đã xuất bán được hơn chục con lợn thịt với giá trung bình 140.000 đồng/kg thịt hơi, thu về gần 100 triệu đồng. Thịt lợn rừng lai thơm ngon, bì giòn, ít mỡ nên được thị trường ưa chuộng.

Ngoài ra, tận dụng lợi thế nhà có mặt tiền rộng ngay trung tâm thành phố, gia đình ông Bảo mở quán ăn sáng, làm cơm đặt, cỗ đặt, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập từ 300.000 - 400.000 đồng/người/ngày công. Tổng thu nhập từ chăn nuôi và dịch vụ đem lại cho gia đình ông mỗi năm trên 600 triệu đồng.

Với sự cần cù, chịu khó, sáng tạo, ông Lê Tuấn Bảo đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tổng hợp đạt hiệu quả cao, là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế; tích cực tham gia các phong trào thi đua của Hội Nông dân phường Phùng Chí Kiên tổ chức; gia đình ông tích cực hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho nhiều người dân khi có nhu cầu".

Năm 2022 và 2023, gia đình ông Lê Tuấn Bảo đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, được nhận Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Cũng là một tấm gương làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợp, chị Phạm Thị Lý, sinh năm 1981 ở tổ 5, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn đã mạnh dạn đầu tư xây dựng trang trại gần 14 ha trồng trọt kết hợp với chăn nuôi cách nhà 15 km trên đỉnh đồi cao thôn Khuổi Cò, xã Dương Phong, huyện Bạch Thông. Trong 2 năm gần đây, sau khi trừ chi phí, trang trại của chị Lý cho thu nhập hơn 500 triệu đồng mỗi năm.

ly.jpg
Mùa quýt chín năm 2023 tại trang trại chị Phạm Thị Lý ở xã Dương Phong, huyện Bạch Thông

Do giá cả của cam, quýt giống địa phương không ổn định, vợ chồng chị Lý tìm hiểu và trồng cây giống mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, trồng 3 ha các loại giống cây mới như cây quýt tiêu Quảng Châu, cam Caracara, cam Ôn Châu, bưởi Da xanh. Vườn cây có múi của gia đình chị phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và tuân thủ kỹ thuật từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch nên cho sản lượng, chất lượng cao. Quả thu hoạch gia đình trực tiếp hoặc nhờ người thân ở thành phố Hà Nội bán lẻ nên được giá cao hơn. Hai năm gần đây, mỗi năm thu nhập từ 3 ha cây ăn quả có múi được hơn 360 triệu đồng.

Ngoài trồng cây ăn quả, vợ chồng chị còn đi thăm quan, học tập các mô hình kinh tế hiệu quả, đầu tư trồng cây lâm nghiệp, cây dược liệu lâu năm để có nguồn thu lâu dài. Đến nay gia đình chị Lý đã có gần 14 ha trang trại với 4 ha cây quế đã cho khai thác tỉa nhiều năm nay; 3 ha keo lai mới khai thác xong chuyển sang trồng cây bồ kết và phát mới trồng thêm 2 ha cây bồ kết; 0,7 ha cây mỡ đã đến tuổi khai thác; trồng cây dược liệu trên 1 ha là đồi gỗ tạp giá trị kinh tế thấp. Ba năm gần đây khai thác từ rừng trồng bình quân mỗi năm cho thu nhập thêm 70 triệu đồng. Trang trại của gia đình tạo việc làm theo mùa vụ cho hàng chục lao động địa phương.

Không chỉ trồng trọt, nhiều năm nay gia đình chị Lý còn đào ao nuôi cá với diện tích mặt nước hơn 3.000m2 nuôi các loại cá trắm, mè, trôi, diêu hồng, nheo,... mỗi năm thu cho thêm nhập thêm 30 triệu đồng.

Bằng sức lao động và tinh thần vươn lên, hộ gia đình chị Phạm Thị Lý nhiều năm liền đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố và năm 2023 đạt cấp tỉnh. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị Lý không những làm giàu cho gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chị xứng đáng là tấm gương cho nhiều hội viên nông dân học tập và làm theo.

Mai Anh