Xã hội

Bát Xát (Lào Cai): Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hướng tới giảm nghèo bền vững

Bích Hợp 26/08/2024 - 18:15

(TN&MT) - Huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đang đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiệu quả bước đầu đã khẳng định hướng đi đúng đắn, đời sống nông dân từng bước được cải thiện, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Xung quanh nội dung này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông Tô Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát (Lào Cai).

PV: Xin ông cho biết thời gian qua huyện Bát Xát đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi như thế nào để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững ?

Ông Tô Văn Thanh: Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua huyện Bát Xát đã lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của tỉnh L ào Cai về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Bát Xát đã bám sát vào Nghị quyết số 10-NQ/TU của Tỉnh ủy và điều kiện thực tế của địa phương tham mưu Thường trực Huyện ủy ban hành Chương trình hành động số 38-CTr/HU ngày 15/11/2021, xác định ngành hàng chủ lực, tiềm năng của huyện với 10 cây, 2 con. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiếp cận các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh, huyện; sử dụng lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình MTQG để tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết số 10-NQ/TU và Chương trình hành động số 38-CTr/HU.

anh-thanh.jpg
Ông Tô Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.

Đến nay, huyện đã phát triển được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như: Vùng chè 329,8 ha, vùng cây ăn quả 510,6 ha, vùng chuối 776 ha; vùng dược liệu 176 ha, đao riềng 162 ha, vùng rau an toàn, rau trái vụ 176 ha, vùng quế 3.230 ha… các vùng sản xuất hàng hóa này đã mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định, bền vững cho Nhân dân, giúp người dân thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Nhờ có chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô, khoai, sắn kém hiệu quả sang trồng chè, cây ăn quả, chuối, dược liệu, rau trái vụ, đặc biệt các cây có giá trị kinh tế cao như, lê tai nung, Nho sữa Hàn Quốc, Hoa Ly (Lily)… mà mặt bằng của huyện Bát Xát đã có nhiều thay đổi, đời sống người dân được nâng lên, thu nhập tăng, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Bát Xát những năm gần đây cũng theo đó giảm dần.

le.jpg
Với việc chuyển đổi cây trồng cho giá trị kinh tế cao, Bát Xát đã từng bước hướng tới giảm nghèo bền Vững.

Tổng số hộ nghèo trên địa bàn huyện Bát Xát đầu năm 2023 là 6.546 hộ chiếm 37,11%; đến cuối năm 2023 toàn huyện giảm 1.220 hộ xấp xỉ 6,82% (vượt so với kế hoạch là 137 hộ), tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 37,11% năm 2022 xuống còn 30,3%.

Trong 7 tháng đầu năm 2024 Bát Xát đã giảm được 809 hộ = 4,5% số hộ nghèo của huyện, chúng tôi phấn đấu hết năm 2024 Bát Xát tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25,28%.

PV: Xin ông nói rõ hơn về việc chuyển đổi cây trồng giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu ở Bát Xát?

Ông Tô Văn Thanh: Huyện Bát Xát đã lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển đổi cây trồng từ lúa, ngô, khoai, sắn sang trồng chè, cây ăn quả, chuối, dược liệu, rau trái vụ, đặc biệt các cây có giá trị kinh tế cao như Nho sữa Hàn Quốc, Hoa Ly (Lily)…được cấp ủy, chính quyền vào cuộc, Nhân dân tích cực tham gia, hưởng ứng rất mạnh mẽ.

nho.jpg
Cây nho sữa một loại cây trồng mới đem lại giá trị kinh tế cao đang được trồng tại huyện Bát Xát, Lào Cai.

Cụ thể, Bát Xát hiện tại có tổng diện tích cây lê là 447,1 ha, với tổng sản lượng được 320 tấn, giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, tổng giá trị thu hoạch đạt 8.000 triệu đồng; Cây Chè diện tích chè là 329,8 ha, trong 7 tháng đầu năm 2024, đã thu hoạch được 800 tấn búp chè tươi, giá bán trung bình từ 12.000 đồng/kg, giá trị thu hoạch đạt 9.600 triệu đồng; Cây chuối tổng diện tích 766ha, trong 7 tháng đầu năm 2024 cho thu hoạch được 955 tấn, giá bán trung bình 4.000 đồng/kg, giá trị thu hoạch đạt 3.820 triệu đồng; Cây dứa có tổng diện tích 60,5 ha, cho thu hoạch được 400,5 tấn quả, giá bán trung bình 6.500 đồng/kg, giá trị thu hoạch đạt 2.603 triệu đồng.

Như vậy có thể thấy chuyển đổi cây trồng đang là một hướng đi đúng trên lộ trình giảm nghèo của chúng tôi. Ngoài những cây chủ lực như chè, lê, chuối… người dân huyện Bát Xát còn triển khai trồng dược liệu và các loại rau an toàn… Tính tới thời điểm hiện tại Bát Xát cũng đã có 176 ha cây dược liệu, 162 ha cây đao riềng và 176 ha cây rau an toàn, rau trái vụ, 99 ha cây Hoàng Sin Cô, 3.230 ha cây Quế. Đặc biệt các cây có giá trị kinh tế cao như Nho sữa Hàn Quốc diện tích 0,7 ha, hoa Ly (Lily) diện tích trồng 55 ha tại xã Y Tý, Dền Sáng.

Hiệu quả từ các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân thoát nghèo vươn lên làm giàu ở Bát Xát.

PV: Huyện Bát Xát đã gặp phải khó khăn thách thức gì trong công tác giảm nghèo và giảm nghèo liên quan tới chuyển đổi cây trồng?

Ông Tô Văn Thanh: Các khó khăn trong công tác giảm nghèo liên quan tới chuyển đổi cây trồng là đầu ra một số sản phẩm như chuối, dứa, Hoàng Sin Cô,… bấp bênh, không ổn định, điệp khúc “được mùa, mất giá” thường xuyên xảy ra.

Trình độ nhận thức của đại bộ phận Nhân dân còn hạn chế, đa số vẫn còn quen với phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Vẫn còn tư tưởng bảo thủ, chậm tiếp cận tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, sản xuất chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường.

sam.jpg
Người dân xã Ý Tý, huyện Bát Xát thu hoạch cây sâm Hoàng Sin Cô

Chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược xây dựng các nhà máy chế biến sâu nông sản để nâng cao giá trị. Thị trường tiêu thụ các loại nông sản thiếu ổn định; một số sản phẩm phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc.

Địa hình của Bát Xát cũng là một trở ngại trong việc giao thương do giao thông còn chưa thuận tiện, nhiều đồi núi.

PV: Trong thời gian tiếp theo, Bát Xát có kế hoạch gì để công tác giảm nghèo đi vào thực tiễn và bền vững, đặc biệt là giảm nghèo nhờ vào phát huy giá trị các loại cây trồng?

Ông Tô Văn Thanh: Trong thời gian tới, để phát huy giá trị các loại cây trồng góp phần giảm nghèo bền vững trên địa bàn, huyện Bát Xát tập trung triển khai một số nhiệm vụ. Đó là, tiếp tục tranh thủ tối đa sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh Lào Cai để hỗ trợ Nhân dân phát triển các ngành hàng chủ lực, tiềm năng của huyện. Phấn đấu đến hết năm 2025 diện tích chè đạt 574 ha, chuối 1.185 ha, dứa 60 ha, cây dược liệu 365 ha, cây Hoàng Sin Cô 170 ha, đao riềng 160 ha,…

Tiếp tục quan tâm, thu hút các nhà đầu tư chiến lược xây dựng các cơ sở chế biến liên kết tiêu thụ nông sản chủ lực, tiềm năng cho Nhân dân. Phấn đấu đến năm 2025 thu hút đầu tư xây dựng 01 nhà máy chế biến chè, 01 nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói hoa quả.

trong-que.jpg
Lãnh đạo huyện Bát Xát, Lào Cai cùng người dân trồng quế để thoát nghèo.

Tiếp tục quản lý, phát triển các sản phẩm đạt chất lượng, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như sản xuất hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và tham gia hội nhập vào thị trường quốc tế. Tập trung phát triển các ngành hàng chủ lực gắn với chế biến để đa dạng sản phẩm.

Tập trung nguồn lực, đào tạo, tập huấn, trang bị cho nhân dân “kỹ thuật sản xuất nông nghiệp chính xác” để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị các ngành hàng chủ lực, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Chủ động lồng ghép các nguồn lực tại địa phương để triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Trân trọng cám ơn ông!

Bích Hợp