Thế giới

Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương: Bảo vệ hành tinh khỏi sự tàn phá của biến đổi khí hậu

Mai Đan 26/08/2024 - 16:50

(TN&MT) - Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres vừa cho biết, các quốc đảo Thái Bình Dương đang “dẫn đường” để bảo vệ hành tinh khỏi sự tàn phá của biến đổi khí hậu và giờ đây phần còn lại của thế giới cần phải hành động với nhiều sự hỗ trợ hơn.

Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương tại Tonga vào ngày 26/8, người đứng đầu Liên hợp quốc đã nói với các nhà lãnh đạo rằng trong khi phần lớn thế giới đang vướng vào xung đột, bất công và khủng hoảng kinh tế xã hội, Thái Bình Dương “là ngọn hải đăng của sự đoàn kết và sức mạnh, quản lý môi trường và hòa bình”.

Diễn đàn bao gồm 18 quốc gia thành viên, từ Úc đến Vanuatu. Diễn đàn diễn ra với tầm nhìn dài hạn và chiến lược năm 2050 nhằm đảm bảo sức khỏe và hạnh phúc của tất cả mọi người bằng cách cùng nhau làm việc để tận dụng sức mạnh tập thể và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn.

image1170x530cropped-8-.jpg
Lễ khai mạc Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương lần thứ 53 tại Tonga. Ảnh: LHQ

Phát biểu tại Hội nghị, thư ký của diễn đàn, cựu Tổng thống Nauru Baron Waqa tuyên bố: "Chúng ta tụ họp vào một thời điểm then chốt trong lịch sử khu vực của chúng ta. Chúng ta đang ở trung tâm của lợi ích địa chính trị toàn cầu. Chúng ta đang ở tuyến đầu của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”.

Các nước phát thải lớn “phải hành động”

“Thế giới có nhiều điều để học hỏi từ các quốc đảo Thái Bình Dương. Thế giới cũng phải hành động để hỗ trợ khu vực này”, ông Guterres nói, đồng thời nhấn mạnh, Quần Đảo Thái Bình Dương là nơi có những người đi biển không sợ hãi, những ngư dân lão luyện và am hiểu kiến thức của tổ tiên về đại dương. Theo ông, đại dương trên toàn thế giới đang bị nhân loại nói chung đối xử “như cống rãnh”.

“Ô nhiễm nhựa đang bóp nghẹt sinh vật biển. Khí nhà kính đang gây ra tình trạng nóng lên của đại dương, axit hóa và mực nước biển dâng cao. Nhưng các đảo Thái Bình Dương đang chỉ ra cách bảo vệ khí hậu, hành tinh và đại dương của chúng ta”, ông Guterres cho biết.

Ông chỉ ra Tuyên bố về mực nước biển dâng của khu vực và quyết tâm thực hiện quá trình chuyển đổi công bằng hướng tới một Thái Bình Dương không có nhiên liệu hóa thạch.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết, trong khi khu vực Thái Bình Dương đang làm những gì có thể, các quốc gia công nghiệp hóa nhất G20 - những nước phát thải carbon lớn nhất - “phải hành động và dẫn đầu, bằng cách loại bỏ dần việc sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch và ngăn chặn ngay lập tức việc mở rộng của chúng”.

Ông cho rằng khu vực này rất cần thêm hỗ trợ tài chính, năng lực và công nghệ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch và để các quốc gia có thể đầu tư vào việc thích ứng và phục hồi.

“Đó là lý do tại sao chúng tôi kêu gọi cải cách cấu trúc tài chính quốc tế, tăng đáng kể năng lực cho vay của các Ngân hàng Phát triển Đa phương, các chương trình xóa nợ hiệu quả và tăng cường phân phối lại Quyền rút vốn đặc biệt để mang lại lợi ích cho các nước đang phát triển”, người đứng đầu Liên hợp quốc giải thích thêm.

Cứu Thái Bình Dương, chúng ta sẽ cứu thế giới

Phát biểu tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với khu vực Thái Bình Dương. Ông nêu rõ: "Những quyết định mà các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra trong những năm sắp tới sẽ quyết định số phận, trước hết là của người dân trên các quốc đảo Thái Bình Dương, sau đó là người dân ở những nơi khác”.

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh: "Nếu chúng ta cứu được Thái Bình Dương, chúng ta sẽ cứu được thế giới”.

Theo ông, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai tại New York (Mỹ) vào tháng tới sẽ là cơ hội để cải cách và cập nhật các thể chế toàn cầu, để chúng có thể phù hợp trở lại với mục đích.

“Tôi kêu gọi các quốc đảo Thái Bình Dương hãy lên tiếng và lắng nghe vì thế giới cần sự lãnh đạo của các bạn”, người đứng đầu Liên hợp quốc kết luận.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương, lãnh đạo các quốc đảo Thái Bình Dương dự kiến sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thành lập quỹ thích ứng với biến đổi khí hậu của khu vực - ý tưởng đã gặp trở ngại do các khoản đóng góp từ nước ngoài được cho là rất cần thiết bị cạn kiệt. Đồng thời, họ cũng sẽ xem xét đề xuất của Australia đăng cai Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP) vào năm 2026.

Ngoài ra, vấn đề khai thác khoáng sản dưới biển sâu không nằm trong bất kỳ chương trình nghị sự chính thức nào của hội nghị này, nhưng có thể sẽ là một chủ đề được thảo luận sôi nổi bên lề hội nghị.

Mai Đan